Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong vụ Hè Thu - Mùa năm 2025

Trong vụ Hè Thu - Mùa năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An sẽ tăng cường mở rộng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm sản xuất bền vững, hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) thu hoạch lúa. Ảnh tư liệu: Văn Tý/TTXVN

Nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) thu hoạch lúa. Ảnh tư liệu: Văn Tý/TTXVN

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật này gồm: Quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng (IPHM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lúa giảm phát thải, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rạ chống ngộ độc hữu cơ,...

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất; liên kết giữa nông dân và các tổ chức hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn với bao tiêu sản phẩm và áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật mới như: công nghệ tưới nhỏ giọt, thủy canh, bán thủy canh; nhà lưới, nhà màng; quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, SRI, IPM, ICM… nhằm nâng cao giá trị, ổn định sản xuất.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, xây dựng mô hình sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm xử lý rơm rạ,... để giảm tồn dư các chất hóa học, kim loại nặng có hại trên đất, giảm hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Đồng thời, cải tạo tính chất đất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Để sản phẩm nông sản vụ hè thu mùa đạt năng suất cao, ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An cũng tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra phát hiện, dự tính, dự báo và chỉ đạo phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, trong đó chú ý các đối tượng như: sâu cuốn lá nhỏ, chuột,... trên cây lúa, sâu keo mùa thu trên cây ngô… Địa phương nào không quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất để người dân bỏ ruộng nhiều, dịch bệnh phát sinh và gây hại nặng làm mất mùa cục bộ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã nơi đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời Nghệ An cũng tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để bảo vệ quyền lợi của người nông dân và đảm bảo hiệu quả cho sản xuất.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2025, tại Nghệ An có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Theo đó, các địa phương tại Nghệ An đã lập phương án chống hạn và tổ chức thực hiện, cân đối lại nguồn nước để xây dựng kế hoạch tưới vụ Hè Thu - Mùa 2025 phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đối với những diện tích không đảm bảo nước tưới suốt vụ, sản xuất không an toàn, dễ xảy ra rủi ro gây thiệt hại cho người dân thì chỉ đạo không gieo trồng

Vụ Hè thu - Mùa năm 2025, tỉnh Nghệ An phấn đấu gieo cấy 77.500 ha lúa (56.000 ha lúa Hè Thu và 21.500 ha lúa Mùa); trong đó, cơ cấu 30.000 ha lúa chất lượng và khoảng 9.000 ha lúa lai. Nghệ An cũng sản xuất 11.000 ha ngô, 6.000 ha lạc, 11.600 ha rau và 4.500 vừng và đậu, đỗ các loại. Qua đó, sản xuất lương thực năm 2025 của tỉnh ước đạt 1.033.475 tấn.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ung-dung-tien-bo-ky-thuat-trong-vu-he-thu-mua-nam-2025-20250510084513298.htm