Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành một trong những công nghệ cốt lõi, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là giáo dục. Việc ứng dụng AI trong giáo dục không chỉ mở ra những cơ hội mới trong giảng dạy và học tập, mà còn đặt ra nhiều thách thức về đổi mới phương pháp, nội dung và quản lý giáo dục. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội thảo Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và đề xuất các giải pháp ứng dụng AI hiệu quả trong giáo dục.

Hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục giúp chia sẻ những kiến thức, giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng của AI trong giáo dục.
AI có ứng dụng rất đa dạng trong giáo dục, từ công tác quản lý đến dạy và học. Các công cụ từ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giáo viên sáng tạo nội dung số trong bài giảng, cá nhân hóa người học giúp quá trình dạy và học đạt hiệu quả cao hơn. Ứng dụng AI còn giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý giáo dục thông qua khả năng tự động hóa các nhiệm vụ hành chính; phát triển các kênh hỗ trợ tư vấn để tăng khả năng tiếp cận giáo dục với mọi người...
GS.TS Lê Anh Vinh- Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: AI đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại tư duy phát triển và chiến lược giáo dục của mỗi quốc gia. Các nhà quản lý và nhà giáo dục là lực lượng tiên phong, then chốt trong việc thực thi các chính sách giáo dục, trong đó AI được coi là công cụ hữu ích nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Theo đó, việc phát triển năng lực AI không chỉ xây dựng môi trường học tập sáng tạo mà còn giúp học sinh nhận thức rõ tiềm năng của bản thân, góp phần phát triển tư duy, hướng đến trở thành công dân toàn cầu trong tương lai. Bởi, AI có tác động toàn diện tới 3 trụ cột chính của giáo dục, gồm: Chương trình học, quá trình dạy và học, kiểm tra đánh giá. Điều này giúp tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, thúc đẩy giáo dục cá nhân hóa, nâng cao tinh thần tự học, đổi mới và nâng cao hiệu quả giảng dạy, tạo dựng thói quen học tập suốt đời.
AI không chỉ giúp cá nhân hóa việc học tập, hỗ trợ người học nâng cao hiệu quả học tập mà còn giúp nhà trường và giáo viên tối ưu hóa quy trình giảng dạy, quản lý và đánh giá kết quả học tập... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đó là bài toán về việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới, vấn đề bảo mật dữ liệu, đạo đức trong việc sử dụng AI và đặc biệt là khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa các cơ sở giáo dục.
Chia sẻ thực tế địa phương, đồng chí Lê Văn Phượng - TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Đối với ngành GD&ĐT Phú Thọ, việc chuyển đổi số và ứng dụng AI đã được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số và đặc biệt là việc ứng dụng AI trong giáo dục của tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Nhận thức về chuyển đổi số, AI của một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; hạ tầng công nghệ số chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phát triển các học liệu số còn chậm. Việc ứng dụng AI vào dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý giáo dục còn ở giai đoạn sơ khai, mang tính thử nghiệm. Các vấn đề về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và đạo đức trong ứng dụng AI chưa được quản lý chặt chẽ...
Để triển khai ứng dụng AI trong giáo dục đạt hiệu quả, cần có cả cơ chế chính sách và sự đầu tư phù hợp. Trong đó, cùng với đầu tư cho hạ tầng hiện đại, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên và học sinh cũng cần được trang bị kiến thức để sử dụng các công cụ AI một cách hiệu quả và an toàn.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-trong-giao-duc-233264.htm