Ứng phó với lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Ngày 27/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ra công văn số 622 /VPTT đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định triển khai các phương án ứng phó với lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.

Dự báo từ ngày 27 đến 29/12, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ. (Ảnh minh họa)

Dự báo từ ngày 27 đến 29/12, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ. (Ảnh minh họa)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Bản tin số LUTB_1530/DBQG_TVTB), từ ngày 27 đến 29/12, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, bắc Bình Định ở mức BĐ1 và trên BĐ1, các sông ở Quảng Ngãi ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, khu đô thị. Đây là đợt mưa lớn bất thường ngoài thời gian mùa lũ.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn cho người, tài sản và sản xuất; chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng ngập lụt, chia cắt.

Rà soát phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra và sẵn sàng sơ tán người dân tại khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét bảo đảm an toàn.

Chỉ đạo các chủ hồ chứa vận hành bảo đảm an toàn công trình và hạ du; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập nhất là các hồ đã đầy nước và các công trình xung yếu, đang thi công.

Tổ chức cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục bảo đảm giao thông.

Triển khai các biện pháp sẵn sàng tiêu nước chống úng và khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân sau lũ.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

PHÚC HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/moi-truong/ung-pho-voi-lu-tren-cac-song-tu-thua-thien-hue-den-binh-dinh-680044/