Ứng xử văn minh với đồ mã
Dâng cúng và thiêu hóa đồ mã từ lâu đã được người dân sử dụng trong thực hành tín ngưỡng, trong đó có Rằm tháng Giêng. Ngày nay, việc đồ mã được dùng với kích thước lớn, số lượng lớn kéo theo những hệ lụy tiềm ẩn. Vậy, cần sử dụng đồ mã như thế nào cho văn minh, tránh những rủi ro không đáng có?
Vốn là một nét đặc trưng trong các nghi thức thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng nếu đồ mã bị sử dụng một cách bừa bãi, thiếu ý thức, sẽ làm cho nét văn hóa ấy bị biến tướng, đồng thời cũng tiềm tàng nhiều hệ lụy và rủi ro đằng sau đó.
Trong quá trình đốt vàng mã phát tán các hạt bụi PM, kim loại nặng, PAHs, PCDD/Fs và các khí độc gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh. Khí độc hại phát tán từ khói và tro đốt vàng mã còn làm tổn hại đến cơ quan hô hấp của chúng ta, nhất là những người trực tiếp đốt vàng mã.
Chưa hết, việc đốt đồ mã còn tiềm ẩn những rủi ro về hỏa hoạn mà ta khó có thể lường trước, gây thiệt hại về người và tài sản. Sau khi đồ mã được đốt thành tro tàn, người dân thường có thói quen đổ xuống sông, ao, hồ… và dường như việc làm này được thực hiện với niềm tin đây là nơi trung chuyển những vật được cúng tế sang thế giới bên kia cho người quá cố, hoặc có thể do tro của đồ mã là vật linh thiêng nên sau khi đốt không được đổ vào những nơi mất vệ sinh, không sạch sẽ, đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nước.
Không chỉ gây ảnh hưởng tới môi trường, việc làm thiếu kiểm soát này còn gây nên hình ảnh mất mỹ quan cho quang cảnh không gian tâm linh. Hay nếu đốt vàng mã ở bên ngoài, làn khói đen bay nghi ngút vô tình làm cản trở người tham gia giao thông, tàn tro rơi vãi lung tung khiến đường phố trở nên thiếu thẩm mỹ.
Một món đồ mã không chỉ là vật cần thiết trong sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng, mà ở đó còn phản ánh tiến trình lịch sử mỹ thuật, tư duy thẩm mỹ và sự tài hoa của người nghệ nhân. Vì vậy, sẽ không hợp lí nếu cấm hoàn toàn việc sử dụng đồ mã với lí do giảm thiểu những tác động xấu mà đốt vàng mã gây ra.
Trước hiện trạng “lạm dụng” đốt mã, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Thị Thu Hòa không lựa chọn đề xuất cấm triệt để mà cho rằng, trước tiên cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về những tác động tiêu cực mà đốt vàng mã với kích thước và số lượng lớn gây ra. Để từ đó chính họ sẽ có ý thức tiết chế hơn khi sử dụng đồ mã, vừa để giảm thiểu rủi ro và cũng tránh gây lãng phí.
Hoặc cũng có tìm mua tranh đồ thế - tranh vẽ lại đồ vật thật và đồ mã mini với chiều cao khoảng 30 cm, chiều rộng khoảng 20 cm do họa sĩ Yến Năng sáng tạo, mới xuất hiện trên thị trường khoảng vài năm trở lại đây, thay vì sử dụng đồ mã kích cỡ, kiểu dáng truyền thống, mà vẫn có cùng một công năng trong thực hành, sinh hoạt tín ngưỡng. Những món đồ này là giải pháp ưu tiên có thể sử dụng tại những gia đình sinh sống tại những không gian với diện tích bé như chung cư, nhà tập thể, xóm trọ…
Song song với đó, cũng cần thay đổi nhận thức của cơ sở sản xuất, cần tuyên truyền cho những người nghệ nhân, người thợ nhận thấy tác hại tiềm tàng mà đồ mã với kích thước “khủng” gây ra. Để rồi chính họ sẽ tự ý thức được việc cần thay đổi kích thước của sản phẩm đồ mã nhỏ hơn. Chẳng hạn như có thể giảm xuống còn 2/3 hoặc 3/4 kích thước cũ, để vẫn đảm bảo được những hoa văn tinh xảo, chi tiết sắc nét trên các sản phẩm đồ mã được giữ nguyên.
Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người đến lễ đều ý thức được việc đốt vàng mã sao cho phù hợp, không phá hoại cảnh quan và giữ được bầu không khí thanh tịnh cho chốn linh thiêng. Đồng thời, ban quản lí các địa điểm ấy cũng cần hạn chế việc bán đồ mã kích thước lớn của các tiểu thương ở khu vực xung quanh cổng di tích.
Thay đổi một nét văn hóa truyền thống không phải việc có thể thực hiện trong một sớm, một chiều, nhưng đây hoàn toàn là việc làm cần thiết để nét văn hóa truyền thống này phù hợp và thích ứng với cuộc sống hiện đại.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ung-xu-van-minh-voi-do-ma-5708923.html