Ước mơ ở 'vương quốc đá tai mèo'

8h sáng, đi qua những con đường mòn cong cong dưới những tán mận trổ hoa, những hàng rào đá phủ rêu và những vạt hoa cải đang vào mùa 'thắp lửa' rực rỡ ở Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang), đến trước một căn nhà gỗ liêu xiêu, Giàng A Vừ đang đứng đợi tôi, trên một mỏm đá tai mèo.

Vừ 11 tuổi, nhỏ thó, sống cùng bà và mẹ. Bố nó vượt biên đi làm công trình nhưng mất liên lạc từ tháng Giêng năm ngoái. Trên lưng nó địu một đứa em gần 2 tuổi, hơn một năm qua, hai anh em trở thành hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ” cho khách ở dưới xuôi lên để kiếm thêm tiền.

Cái nghèo vẫn đeo bám

Ở Đồng Văn có nhiều điểm du lịch trứ danh. Men theo Quốc lộ 4C - còn được gọi với cái tên “con đường hạnh phúc”, vượt qua dốc Bắc Sum, vào miền đá xám, du khách có thể đi chơi chợ tình Khâu Vai, thăm kiến trúc nhà Vương, đèo Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn…

Đó là những địa điểm mà du khách có thể đi tour. Nhưng ở lần thứ hai trở lại "vương quốc của đá", tôi hẹn với Vừ - cậu bé tình cờ quen ở lần gặp gỡ trước, để trải nghiệm cuộc sống của người Mông ở Sủng Là, một xã cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 20 cây số, gần 1 tiếng đi đường.

Với tư cách là “hướng dẫn viên”, Vừ đưa tôi ghé qua thăm "Nhà của Pao" - một di tích nổi tiếng ở Sủng Là, rồi theo đám trẻ trong làng đi hái quả sổ ở nơi chúng nó vẫn hay la cà, chơi khăng, ném đáo, bắn ná thun… khi không phải đi học hoặc lên rẫy trồng ngô.

Cây sổ cách nhà Vừ gần 5 cây số, ở lưng chừng núi, phía trên là vách đá, dưới là vực. Vừ bảo cây sổ này có từ lâu lắm rồi, bà nó kể có từ thời bà còn bé tí. Quả sổ chua, cùi có thể chấm muối ớt, cho thêm mắc khén, hạt dổi thì “hết sảy”. Quả sổ cũng có thể nấu canh chua với cá, ăn rất ngon.

Tôi hỏi Vừ vì sao đi chơi xa nhà thế? Nó cười toét bảo: “Ở vùng cao, khoảng cách vài cây số là gần lắm rồi, nếu anh hỏi đường, dân bản bảo gần nghĩa là cách vài cây, bảo không xa lắm thì là chục cây. Còn nếu họ bảo “xa lắm” thì có nghĩa là anh nên tính thời gian đi bằng buổi, bằng ngày (!)”.

Không phải tự nhiên mà Vừ đưa tôi đến chỗ này, ở đây vừa là nơi vui chơi, vừa là địa điểm mà đám trẻ hay rình bắn sóc chuột. Vừ bắn ná thun giỏi kinh khủng, cộng với may mắn nên sau hơn 1 tiếng mai phục, nó bắn được 2 con, thế là chúng tôi có một buổi tiệc nướng giữa núi đá tai mèo.

“Chỉ khi có khách, bọn em mới được ăn thịt, bình thường chỉ có ngô độn, cơm bọc thép (nấu từ gạo kho, rất cứng), may mắn thì có cơm trắng chan nước lã. Giờ sóc cũng hiếm lắm, hắn phá ngô rồi trốn biệt. Nhiều hôm bà và mẹ đi rẫy không kịp về, hai anh em nhịn đói là chuyện thường”, Vừ kể.

Nghèo thế nên ở Sủng Là nói riêng hay ở Đồng Văn nói chung, những đứa trẻ như Vừ đi học kiểu “bữa đực, bữa cái”, chỉ mong có khách du lịch thuê để kiếm thêm tiền không hiếm. Ở Đồng Văn, theo thống kê đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn chiếm gần 70% dân số (theo chuẩn nghèo mới).

Đồng Văn với gần 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cộng với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Ngoài cây lương thực là ngô ra, thì diện tích đất trồng được lúa và những cây hoa màu khác là rất ít. Kỹ thuật canh tác lạc hậu, mỗi năm cũng chỉ có một vụ, nên đời sống của người dân vẫn vô cùng khó khăn.

Chính vì thế, kỹ thuật canh tác trên miền đá xám Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những hình ảnh về cuộc mưu sinh “độc nhất vô nhị”, không có ở bất cứ nơi đâu. Để có thể canh tác, người dân phải gùi đất từ những thung sâu đổ vào từng khe đá. Mỗi hạt ngô, hạt thóc là một giọt mồ hôi.

Bao giờ… "đá nở hoa"?

Năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận trở thành Công viên địa chất toàn cầu, du lịch trở thành niềm hy vọng tạo sinh kế thoát nghèo cho người dân, nhưng đến nay, sự phát triển chưa xứng tầm. Du lịch vẫn tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng để khá giả thì chỉ là số ít.

Doanh thu từ khách du lịch chỉ đủ làm giàu cho những doanh nhân từ dưới xuôi lên hoặc những người dân bản địa “khôn ngoan” nhất, đang là chủ của những homestay, nhà hàng, quán cà phê…

Đa số người dân còn lại làm thuê, hoặc trở thành những hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ” như Giàng A Vừ, thu nhập bấp bênh, ế khách thì lại đói triền miên. Nhưng cũng rất may là ở "vương quốc đá xám" nơi địa đầu Tổ quốc này vẫn có những điểm sáng lóe lên.

Điển hình như HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn. Nhờ kết hợp sản xuất và du lịch cộng đồng, đơn vị đang tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho hàng chục hộ dân địa phương.

HTX Sà Phìn A hiện chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, được nhiều công ty, nhà may thời trang trong nước, nước ngoài như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản... ưa chuộng.

Về chăn nuôi, người dân bản địa đã có truyền thống chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, nuôi ong... Nhưng tiêu biểu nhất là bò vàng vùng cao nguyên đá Đồng Văn, huyện đã xây dựng được “chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang”.

Trong cây trồng thì ở Đồng Văn có cây tam giác mạch. Cây lanh cũng vậy, là loại cây dễ sống, là nguyên liệu tạo ra sản phẩm thổ cẩm, thêu dệt chất liệu bền và đẹp, khách du lịch rất ưa dùng sản phẩm này. Bên cạnh một vụ ngô, cây lanh chính là loại cây sinh trưởng tốt trên hốc đá.

Hơn 10 năm qua, không thể phủ nhận du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn đang không ngừng phát triển đi lên cả về lượng và chất. Nhưng nhìn vào thực tiễn đời sống, nhìn vào con số gần 70% dân số vẫn dưới chuẩn nghèo, thì các chính sách rõ ràng chưa đủ mạnh.

Cần phải tìm mọi cách để hiện thực hóa tiềm năng, để di sản đá tai mèo có thể nuôi sống và làm giàu cho người dân bản địa - như cái cách người Nhật Bản, người New Zealand hay thậm chí người Thái Lan đã đưa những giá trị bản địa của mình ra thế giới.

Những bàn chân, cuộc đời trên núi đá tai mèo kỳ vĩ ở Đồng Văn phải là sản phẩm du lịch tuyệt vời, được trả giá cao, nhận được những khoản đầu tư thích đáng kèm định hướng phát triển lâu bền và ổn định. Du lịch Đồng Văn cần phát triển như cách đồng bào dân tộc nơi đây đã khiến "đá nở hoa".

Sáu Ngạn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/uoc-mo-o-vuong-quoc-da-tai-meo-1090105.html