Ước mơ trở thành doanh nhân của sinh viên cần được trân trọng và ủng hộ
Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong có cuộc trò chuyện với doanh nhân, tác giả, diễn giả Nguyễn Mến – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn GBM (GBM Group). Chị Nguyễn Mến là tác giả nhiều cuốn sách best-seller, trong đó có cuốn 'Xây dựng thương hiệu cá nhân cho người làm kinh doanh' được báo Tiền Phong xuất bản và phát hành.
Thưa chị Nguyễn Mến, nếu “làm doanh nhân” là một nghề thì theo chị nghề này dễ hay khó?
Chị Nguyễn Mến: Dễ hay khó là do quan điểm và khả năng của từng người, bởi vì nghề nào cũng có cả khó khăn và thuận lợi. Khó khăn với nghề này là rủi ro về tài chính, cạnh tranh cao, thị trường thay đổi quá nhanh… Thuận lợi là các doanh nhân được tự do quyết định nhiều thứ, thoải mái sáng tạo, tiềm năng tăng trưởng lớn… Cá nhân tôi cho rằng đây là một nghề nhiều áp lực nhưng cũng đầy thú vị vì chúng tôi giúp được nhiều người khác có việc làm, có thu nhập, có cuộc sống cá nhân và gia đình tốt, góp phần nhỏ bé giúp xã hội phát triển.
Khó khăn lớn nhất với các doanh nhân trong thời điểm hiện tại là gì, theo chị?
Chị Nguyễn Mến: Khó khăn lớn nhất theo tôi là nhiều mô hình kinh doanh truyền thống đã không còn hiệu quả trước sự bùng nổ của công nghệ, của mạng xã hội và những yếu tố khách quan bất lợi dồn dập xảy ra: đại dịch COVID-19, bão Yagi, xung đột quốc tế giữa một số nước… Nhiều doanh nhân đang rất khó khăn tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp của mình. Cá nhân tôi đánh giá đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh truyền thống có chi phí cố định lớn.
Để trở thành doanh nhân thì cần những điều kiện cơ bản nào, thưa chị?
Chị Nguyễn Mến: Có rất nhiều điều kiện, nhưng theo tôi có một số điều kiện quan trọng. Đầu tiên là phải có kiến thức về kinh doanh và thường xuyên phải cập nhật những kiến thức mới. Tiếp đến phải có kỹ năng quản lý (nhân sự, tài chính, thời gian…). Xây dựng được các mối quan hệ với các đối tác, các nhà đầu tư, các chuyên gia… trong lĩnh vực của bạn cũng là một điều kiện quan trọng. Ngoài ra, để làm nghề này thì tính kiên nhẫn, quyết tâm và khả năng thích ứng cũng không thể thiếu. Và trên hết, không thể thiếu được tình yêu với công việc kinh doanh.
Kiến thức từ kinh doanh không chỉ đến từ trường lớp chính quy mà còn đến từ nhiều kênh khác nhau.
Theo chị, không học về chuyên ngành kinh doanh có trở thành doanh nhân được không?
Chị Nguyễn Mến: Thực tế thì nhiều bạn tốt nghiệp ngành kinh doanh mà không kinh doanh được, trong khi nhiều bạn không học chuyên ngành về kinh doanh ra trường vẫn kinh doanh tốt. Vấn đề chính ở đây là các bạn có hội tụ đủ các điều kiện cần thiết như tôi vừa chia sẻ ở trên không. Không học về chuyên ngành kinh doanh không có nghĩa là sau khi học xong các chuyên ngành khác bạn không được tự tìm hiểu và học thêm các kiến thức về kinh doanh. Kiến thức từ kinh doanh không chỉ đến từ trường lớp chính quy mà còn đến từ nhiều kênh khác nhau. Ví dụ, tôi tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhưng tôi vẫn kinh doanh thời trang và mỹ phẩm thành công.
Sinh viên muốn khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp có gặp rủi ro gì không, thưa chị?
Chị Nguyễn Mến: Ước mơ trở thành doanh nhân của các bạn sinh viên cần được trân trọng và ủng hộ. Tuy nhiên, đây là một công việc cần phải được xem xét nghiêm túc, đặc biệt với các bạn đang còn là sinh viên. Việc mở một công ty bây giờ quá đơn giản, nhưng để duy trì được nó thì lại là một câu chuyện khác. Tỉ lệ các công ty khởi nghiệp phải đóng cửa sau một vài năm hoạt động chiếm tới hơn 90% thì các bạn đủ biết công việc này khó khăn đến mức nào. Khởi nghiệp không nên theo phong trào vì nếu thất bại thì hệ quả nó để lại rất lớn, không chỉ là tiền bạc mà còn là tâm lý, thời gian...
Thực tế tôi thấy vẫn có một số bạn đang là sinh viên khởi nghiệp thuận lợi, nhưng số này rất ít. Tôi khuyến khích các bạn sinh viên nếu yêu thích khởi nghiệp thì cứ thử, nhưng chỉ để học hỏi, khám phá, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm là chính. Bởi để kinh doanh thành công bền vững cần nhiều điều kiện và cả thời gian va vấp trên thương trường, những cái này thì đa số các bạn sinh viên còn thiếu.
Ước mơ trở thành doanh nhân của các bạn sinh viên cần được trân trọng và ủng hộ!
Kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội đang rất phát triển và hầu như không phải đầu tư tài chính nhiều. Theo chị, đây có phải là "mảnh đất mầu mỡ" cho các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp dựa trên nền tảng mạng xã hội hay không?
Chị Nguyễn Mến: Hiện nay có nhiều mô hình kinh doanh dựa vào công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng mà người tham gia không cần đầu tư nhiều tiền. Các bạn sinh viên thích nghi nhanh với những mô hình này, một số bạn cũng đã áp dụng và thành công. Cá nhân tôi cũng ngưỡng mộ các bạn ấy.
Tuy nhiên, để thành công bền vững thì theo tôi các bạn vẫn phải chú ý đến 3 yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp bất cứ ngành nghề gì: lĩnh vực đó phải là sở trường, sở thích của bạn và xã hội đang có nhu cầu cao hay không.
Theo chị, tại sao người làm kinh doanh phải xây dựng thương hiệu cá nhân?
Chị Nguyễn Mến: Công việc kinh doanh hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Nhiều mô hình kinh doanh truyền thống không còn phù hợp nữa, nhiều mô hình mới xuất hiện. Chúng ta đang bị chi phối bởi công nghệ số, bởi các nền tảng mạng xã hội, bởi kết nối, bởi chia sẻ… Chúng ta không thể cưỡng lại được xu thế của thời đại. Trong thời đại bây giờ, nếu doanh nhân không có những giá trị riêng, không được mọi người biết đến, nhớ đến thì rất khó thành công. Xây dựng thương hiệu cá nhân theo quan điểm của tôi chính là quá trình mình không ngừng học hỏi và tìm tòi để tạo ra giá trị cho bản thân, sau đó đem chia sẻ với cộng đồng. Khi những giá trị mình đem trao đi được công nhận thì khi đó mình có thương hiệu cá nhân.
Việc xây dựng thương hiệu cá nhân từ khi còn là sinh viên có là lợi thế cho quá trình trở thành doanh nhân sau này của các bạn không, thưa chị?
Chị Nguyễn Mến: Xây dựng thương hiệu cá nhân là cả một quá trình lâu dài, các bạn càng làm sớm càng tốt. Khi xây dựng thương hiệu cá nhân, các bạn sẽ phải tìm hiểu về chính mình, biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Điều này rất quan trọng. Giá trị làm nên thương hiệu cá nhân của mỗi người thường được hình thành từ những điểm mạnh của hành vi, thái độ và chuyên môn. Những giá trị này càng được tích lũy sớm càng tốt.