Ước mong nấu rượu cho nguyên thủ quốc gia

Thứ rượu cổ truyền quý hiếm ở làng Phú Lương có nguy cơ thất truyền. Rồi một ông lão ước mong nấu rượu này cho nguyên thủ quốc gia được chạm môi...

Một chiều xuân nắng nhẹ tôi về thăm làng Phú Lương chuyên làm nghề nấu rượu. Làng nghề hình như còn thiếu cái gì đó chưa thật đúng với tên gọi “làng nghề truyền thống”. Đi mỏi chân, hỏi đủ chuyện mà tôi chưa được nghe ai nói về cái thần bí của nghề. Toàn nghe nói đến tiền, đến lỗ lãi. Thành ra trong đầu tôi cũng chỉ nghĩ đến tiền. Chán thật!

Khi tôi bước chéo qua một góc sân khá rộng để đi tắt ra đường cái chợt nghe tiếng lục cục trong căn nhà ngang, liền dừng chân nhìn vào. Có tiếng người hỏi vọng ra: “Ông tìm nhà ai?”.

Một người đàn ông quắc thước chừng ngoài 70 tuổi không để râu như bao người đàn ông khác trong làng. Ông ta mặc chiếc áo may ô ba lỗ. Sau lớp vải mỏng là khuôn ngực vồng lên từng múi thịt rắn chắc. Ông đang tản cơm nếp còn nóng hổi ra một chiếc nong to. Ông ngẩng lên nhìn tôi, nhắc lại câu hỏi. Tôi trả lời qua quýt: “Tôi chỉ đi qua để ra đường cái về ủy ban thôi”. Ông ta lại hỏi: “Ông ở trên huyện về công tác à?”.

Ồ, cái ông này thật tò mò quá mức cần thiết. Tôi cố gắng giải thích cho ông ta hiểu rằng tôi không phải là cán bộ nào trên tỉnh, trên huyện mà chỉ là anh chàng viết văn nghiệp dư đi thăm một làng nghề nấu rượu nổi tiếng từ lâu đời.

Nghe xong, ông ta lại hỏi: “Ông tên là gì nhỉ?”. Quái lạ, chả lẽ anh chàng nấu rượu này lại quen nhiều hội viên Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh?

Nhưng thật bất ngờ khi biết tên tôi, anh ta liền bước ra mời tôi vào nhà: “Tôi từng đọc vài truyện ngắn viết về người lính hải quân của ông. Hẳn trước đây ông từng là lính hải quân? Tôi cũng là lính đại đội 20, đoàn 126 đặc công nước”. Rồi ông ta xưng tên mình là Thảo, đi bộ đội từ năm 1968 đến năm 1986 thì phục viên cấp bậc đại úy.

Tôi nói với Thảo: “Tôi ở đại đội 24, đoàn 172, anh biết chứ?”. Thảo rót nước chè xanh ra bát mời tôi. Nước nguội ngắt. Thảo bỗng đổi cách xưng hô: “Thế thì chúng ta cùng quân chủng rồi. Tối nay anh phải ở đây ăn với em bữa cơm. Cơm rau dưa thôi nhưng thắm tình đồng đội”.

Tôi không nghi ngờ điều Thảo vừa kể. Hồi ấy cả đại đội tôi không ai ưa mấy anh người nhái này. Cứ nhìn cái dáng đi khuềnh khoàng, chân khệnh khạng y như con nhái nằm nghỉ trên mặt nước đã thấy ngứa mắt rồi. Thế mà chúng tôi phải đi vác phao, cõng mìn, dẫn đường, bảo vệ. Còn họ đi người không, vật duy nhất là cái ống thở nhỏ như cái gậy chống đường. Bởi họ là nhân vật chính quyết định của trận đánh. Bất ngờ hôm nay tiếp xúc với ông này thấy cũng hay hay nên tôi vui vẻ nhận lời.

Trong lúc chờ Thảo chuẩn bị bữa tối, tôi kể với Thảo rằng tôi đi khắp làng nửa ngày trời mà chưa nghe một ai nói về cách nấu rượu truyền thống. Toàn thấy hiện đại quá, hối hả quá cứ như làm lấy được. “Nhưng nhà nào cũng có vẻ phong lưu, liệu gia cảnh ông cựu đại úy có khá hơn không?”. Nghe tôi hỏi, Thảo há mồm ra cười. Tiếng cười giòn như tiếng AK nổ cả băng.

Đến bữa cơm, Thảo lôi ra một chai rượu, bật nút lá chuối khô rồi rót ra hai chén. Mùi rượu thơm lừng mang theo vị ngọt tỏa nhanh trong phòng. Anh trao một chén cho tôi, chén còn lại anh nâng lên nói: “Nào, ta chạm cốc chúc mừng cuộc hội ngộ bất ngờ của hai người lính hải quân”. Tôi tợp nhẹ một ngụm rồi kêu lên: “Trời ơi! Rượu này uống một chén có lẽ xỉu đến ba ngày”. Thảo lại cười bảo: “Anh biết không, rượu này chỉ cần vài giọt rơi xuống đất con giun ngửi thấy sẽ say lử đử. Con gà ăn phải con giun cũng say theo. Người ăn con gà say ấy cũng túy lúy mê mết luôn. Nghĩa là say đến ba đời”. Khiếp. Nghe mà chả dám uống.

Thảo cúi xuống rót thêm rượu vào chén của tôi. Tôi vội đưa ra câu hỏi mà suốt buổi chiều lang thang trong làng nung nấu trong tâm trí: “Cùng trong một làng tại sao có nhà nấu rượu rất ngon, có nhà lại nấu rất dở cứ ngỡ mua phải đồ giả?”.

Thảo hỏi đột ngột: “Anh định học nấu rượu à? Nói vui vậy thôi chứ có viết rõ trên giấy trắng mực đen thì anh cũng chả nấu nổi nồi rượu ra hồn. Nấu được chai rượu ngon cần năng khiếu bẩm sinh. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố".

Ông bà nội của Thảo ngày xưa nấu rượu giỏi nhất làng. Bao tinh hoa nghề nấu rượu cứ dày lên theo tuổi của các cụ. Ngược lại, về đường con cái thì hai cụ lại cứ hao hụt mất mát. Sinh hạ được sáu người con chốt lại chỉ còn một mình ông bố của Thảo. Khi mẹ Thảo mang thai được vài tháng thì bố anh mất vì bệnh thương hàn. Năm Thảo lên ba tuổi lại mất mẹ do đạp phải mìn của Tây.

Ông bà nội nuôi cháu đích tôn tới năm học xong phổ thông thì Thảo viết đơn tình nguyện đi bộ đội, cho dù anh nằm trong diện tạm hoãn. Ngày Thảo lên đường nhập ngũ ông nội dậy từ nửa đêm. Ông đi quanh quẩn trong nhà và hút thuốc lào chờ sáng. Thảo hỏi: “Ông có ra đình tiễn con không?”. Người ông mở to đôi mắt đã mờ nhìn cháu nói: “Thôi con đi mạnh giỏi, chân cứng đá mềm. Năng viết thư về cho ông bà khỏi nóng ruột. Này ông dặn nếu con may mắn trở về phải nhớ hai điều. Một là cố giữ lấy nghề. Giỗ chạp mà không có chén rượu ngon dâng lên tiên tổ thì chả ai gọi là cúng giỗ. Hai là phải lấy cái Liên con bà Liễn làm vợ. Ông đã xin cho con từ năm ngoái rồi”. Thảo ôm choàng lấy ông. Anh dụi mặt vào cổ vừa chua vừa mặn vì mồ hôi của người ông thân yêu.

Thảo dừng lại đột ngột. Tôi im lặng chờ đợi. Quả nhiên sau ngụm rượu Thảo tiếp tục kể: “Làng em có nghề nấu rượu cách đây bốn trăm năm. Hồi thuộc Pháp, chúng cho xây một nhà máy rượu trên tỉnh. Rượu của chúng cũng ngon nhưng Tây quá chả giống ta chút nào nên không mấy người Việt dùng. Đến thời ta, thời bao cấp ấy, rượu bị cấm ngặt. Cả làng bỏ nghề. Thế nên ông bà nội em đầu tắt mặt tối quần quật suốt ngày đêm, nào làm ruộng, nào nấu rượu lậu, nào hàng xáo chỉ nuôi có một con. Con chết nuôi cháu đích tôn mà vẫn nghèo. Anh bảo thế có lạ không?”.

Thảo rít một điếu thuốc lào khá sâu, khói bay mù mịt khắp căn phòng. Cả hai như cùng nghĩ về một thời chưa xa. Lát sau Thảo tiếp: “Đến thời kinh tế thị trường thì ôi thôi, cửa vừa hé mở cả thiên thần lẫn quỷ dữ cùng nhảy vào. Rượu đủ các loại tràn ngập thị trường. Thật giả lẫn lộn. Có loại rượu chỉ cần một can nước lã bỏ theo vài viên thuốc lắc lắc mấy cái, thế là chẳng phải đun nấu cho nhọc xác được ngay mấy chục lít rượu có nồng độ cao. Loại này uống vào thường gây hoa mắt nhức đầu, nôn ói dễ bị ngộ độc. Người dùng khi biết thì rượu đã chui vào ruột từ tám hoánh nào rồi. Hai ngày sau rượu trong chai lại hoàn nước lã”. Lại còn thế nữa ư? Thật tàn nhẫn vô lương tâm, rõ là coi “thượng đế” chẳng ra cái quái gì. Tôi hỏi: “Rượu nhà ông ngon thế sao không đầu tư mở rộng?”. Thảo tư lự như đắn đo cân nhắc, giọng ông buồn hẳn: “Nhà còn ai nữa mà mong làm giầu. Ba đứa con đều đỗ đạt, yên bề gia thất, nghề nghiệp ổn định, nhà cửa vững chãi. Có người để chia sẻ, để bấu víu, để hờn dỗi khi ốm khi đau thì mất lâu rồi. Cái cô Liên con gái bà Liễn ấy. Năm đó vợ em ốm nặng lắm, các con còn nhỏ nên em phải xin phục viên về chăm sóc. Cứ nghĩ từ nay vợ chồng sẽ được bên nhau. Nào ngờ mới hơn ba năm cô ấy bỏ em về với tổ tiên”.

Trong bóng đêm tôi lần lần nắm lấy bàn tay Thảo siết chặt.

Cuối cùng Thảo cũng cho tôi biết được những bí quyết của nghề nấu rượu. Rượu phải nấu bằng gạo nếp ngon mới chuội vỏ, nấu thành cơm bằng nồi đồng ủ tro rạ nóng. Dứt khoát phải bằng nồi đồng.

Cơm chín tãi ra nong, cứ một lớp cơm mỏng phải rắc một lớp men. Men rượu do mình “úp” lấy. “Điều này xin giữ bí mật”. Thảo cười. Mỗi người tự mầy mò và có bí quyết riêng. Sau năm đến bảy ngày ủ men tùy từng mùa, rồi cho vào nồi đồng. Lại phải nấu bằng nồi đồng. “Vì sao em không biết”. Đổ nước sạch vào và bắt đầu chưng cất. Cũng tùy theo thời tiết, số rượu lấy ra sẽ tương ứng. Cứ mười cân gạo được từ năm đến bảy lít. Rượu “cất” xong cứ gọi là trong vắt, nổi tăm tròn từ dưới đáy chai lên. Dân sành rượu gọi là “sủi mắt nhãn”. Nồng độ khỏi chê, uống vào thơm ngọt mềm đầu lưỡi.

Thảo kết luận: “Bây giờ nhiều nơi cũng nấu rượu nhưng rượu làng em vẫn là vô địch”. Tôi lại hỏi: “Mỗi ngày em bán được nhiều không?”. Thảo đáp: “Khi nào có người đặt hoặc định mang biếu mới nấu. Bỗng rượu để nuôi lợn. Ấy, lợn được nuôi bằng bỗng này thì chỉ có nhất trở lên. Mỗi năm bán ba lứa, mỗi lứa gần tấn thịt. Chỉ riêng tiền bán lợn em cũng sống thoải mái. Khoản ruộng ngoài đồng ngày mùa thóc đầy ú ụ. Thừa thì cho con cháu".

Đêm ấy, chúng tôi rì rầm nói chuyện. Căn nhà mái bằng không rộng lắm nhưng sao tôi thấy trống trải đến thế. Thảo thủ thỉ: “Có lẽ nghề nấu rượu quê em thất truyền mất thôi. Nghe nói bốn trăm năm trước rượu ở đây dâng lên vua uống. Em đang vận động vài người bạn thân xây dựng rượu làng Phú Lương thành thương hiệu để các nguyên thủ quốc gia trên thế giới được chạm môi một lần".

Chao ôi, một anh nông dân vô danh tiểu tốt sao có cao vọng nhường ấy? Ờ... Mà biết đâu đấy, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

NGUYỄN SỸ ĐOÀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/uoc-mong-nau-ruou-cho-nguyen-thu-quoc-gia-408031.html