Ước mong Sông Lẫm

Người dân vùng cao Sông Lẫm bao đời nay luôn trông đợi con đường nối trung tâm xã được rải nhựa để nông sản làm ra không bị tư thương ép giá, để những bước chân trẻ nhỏ đến trường được gần hơn và hơn thế nữa có thể đuổi cái nghèo khỏi bản làng nơi đây.

Những căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Nùng ở Sông Lẫm.

Những căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Nùng ở Sông Lẫm.

Mỗi lần lên Sông Lẫm - thôn xa và khó khăn nhất xã Tả Củ Tỷ (Bắc Hà) - thời gian đi lại của chúng tôi được rút ngắn một chút. Lần đầu đến cách đây chục năm, chiếc xe máy chỉ đi được nửa đường rồi gửi lại nhà dân để tiếp tục cuốc bộ. Lần thứ 2, xe máy đến gần thôn hơn, nhưng vẫn phải để xe lại bên suối do cây cầu tạm vừa bị lũ cuốn trôi. Lần này, trước khi đi, Chủ tịch UBND xã Vàng Văn Thiên bảo đi nhanh vẫn kịp về trong buổi sáng, nhưng nào có giản đơn vậy, cơn mưa rào bất chợt khiến tuyến đường đang thi công dang dở trở nên trơn trượt. Những thác nước ven đường ngày thường khô cạn bỗng ào ào đổ nước làm chúng tôi không dám liều mình đi qua. Rón rén chờ những người bản địa dò đường mất gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được điểm trường Sông Lẫm nằm trên đỉnh đồi giữa thôn.

Tôi mường tượng lại những lần trước đặt chân đến đây. Vẫn những tràn ruộng bậc thang xa tít tắp tận chân trời, những căn nhà sàn của đồng bào Nùng quần tụ ở hai khu dân cư nép bên sườn núi, thác sông Lẫm ầm ào tuôn chảy giữa cánh rừng nguyên sinh. Những năm qua, “luồng gió” từ chương trình xây dựng nông thôn mới giúp cho xã có thêm các tuyến đường nội thôn được đổ bê tông, nhiều căn nhà khang trang mọc lên, điện lưới quốc gia cũng đã kéo về xóa đi hình ảnh của những chiếc máy thủy điện mini đặt khắp các khe nước.

Đường lên Sông Lẫm còn lắm gian nan.

Đường lên Sông Lẫm còn lắm gian nan.

Thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ, bản làng vùng cao thanh bình và những người dân hồn hậu tạo ấn tượng đẹp trong lòng những ai lần đầu đặt chân đến đây. Vậy nhưng bao trùm khung cảnh nơi đây vẫn là gam màu trầm bởi đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trưởng thôn Sông Lẫm Lù Seo Thành cho biết: Thôn có 64 hộ thì khoảng 70% số hộ thuộc diện nghèo, đường xuống trung tâm xã khó khăn nên chẳng mấy khi bà con đi chợ, cuộc sống tự cung, tự cấp vẫn diễn ra qua bao thế hệ.

Bà Lèng Thị Bé (58 tuổi) nói: Có khi cả tháng tôi mới xuống trung tâm xã 1 - 2 lần vì chẳng có nhu cầu mua bán gì, đường đi khó phải đi bộ nên ngại đi. Cũng do giao thông cách trở, mỗi khi có nhu cầu mua sắm máy móc nông nghiệp, người dân chọn cách sang chợ Cốc Pài (Hà Giang) cho tiện thay vì đi ra Lùng Phình hay thị trấn Bắc Hà.

Anh Hoàng Văn Lưu, quê ở Văn Bàn là thầy giáo duy nhất cắm chốt ở phân hiệu mầm non Sông Lẫm, cũng có chút buồn bởi bây giờ học sinh lớp 1 đã về học tại trường chính, điểm trường không còn đông vui như trước. Nhưng anh bảo như thế học sinh sẽ được chăm lo học hành tốt hơn, dù mình buồn chút cũng không sao, khi đường đi thuận lợi thì từ đây về trường chính có thể đi về trong ngày.

Thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ tại Sông Lẫm.

Thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ tại Sông Lẫm.

Trước mong mỏi của người dân, cuối năm 2021, huyện Bắc Hà đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư tuyến đường từ trung tâm xã Tả Củ Tỷ lên thôn Sông Lẫm và một tuyến đường kết nối từ trục đường này với đường Tả Củ Tỷ - Bản Liền (sau được điều chỉnh tuyến). Qua gần một năm thi công, tuyến đường đã hiện hữu vắt ngang triền núi. Những khúc cua hẹp cheo leo bên vực sâu nay được mở rộng để đảm bảo an toàn, phía taluy dương dễ sạt lở cũng đã được gia cố bằng kè bê tông, nhiều đoạn bị ngăn trở bởi khe nước nay đã đúc cống hộp với khẩu độ rộng. Đoạn đường chỉ chừng 6 cây số nhưng địa hình, địa chất quá phức tạp khiến tổng mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. Hôm chúng tôi lên, mặt đường vừa được đơn vị thi công lu lèn xong đã bị nước xối thành rãnh sâu, xe công trình cũng không thể vận chuyển được vật liệu.

Chủ tịch UBND xã Tả Củ Tỷ Vàng Văn Thiên cho biết: Tuyến đường phục vụ nhu cầu đi lại của hàng trăm hộ thuộc các thôn Sả Mào Phố, Sảng Mào Phố, Sín Chải và Sông Lẫm. Riêng Sông Lẫm đang được huyện định hướng phát triển du lịch cộng đồng, nơi đây có cảnh quan thiên nhiên yên bình với ruộng bậc thang đặc trưng, đặc biệt là thác sông Lẫm vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ sẽ là tuyến du lịch tiềm năng.

Thu hái chè cổ thụ ở Sông Lẫm.

Thu hái chè cổ thụ ở Sông Lẫm.

Trưởng thôn Lù Seo Thành cho biết thêm: Sông Lẫm còn có hơn chục ha chè cổ thụ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân và cũng hứa hẹn nếu được quảng bá tốt với khách du lịch.

Tuyến đường hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Nhiều ý tưởng, nhiều dự định của người dân và chính quyền địa phương chỉ chờ tuyến đường thi công xong để triển khai.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360983-uoc-mong-song-lam