Ươm rừng

Nhiều năm qua, người dân Tiến Bộ (Yên Sơn) cần mẫn ươm rừng để giữ mãi màu xanh của đại ngàn. Họ đưa việc gây rừng vào hương ước, trở thành lời thề gắn bó thủy chung với rừng, để rồi nhân lên giá trị của rừng…

Tiếng gọi rừng xanh

Năm nào cũng vậy, vào cuối tháng Giêng, đúng dịp cầu mùa, người Nùng Đèo Trám đoàn tụ bên nhau cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho rừng mãi xanh. Ai nấy đều khắc ghi lời già làng Hoàng Văn Sán đại diện cho người Đèo Trám thề với thần linh giữ màu xanh của rừng, chỗ đất nào còn trống thì đem mầm cây mà ươm xanh. Ai nấy đều làm theo, làm một cách tự nguyện, bởi người ta hiểu, chỉ có rừng mới xua đi cái nghèo, mang lại cuộc sống sung túc.

Người Nùng từ Hà Giang về gắn bó với Đèo Trám từ năm 1976. Họ phát rừng lau, bỏ cây tạp trồng lúa nương, cái đói dần được đẩy lùi. Nhưng lúa nương thì chỉ đủ ăn thôi, vì thế cái nghèo cứ bám mãi. Thế rồi họ tính chuyện thoát nghèo, lo cho cháu con được học hành đủ đầy. Người Đèo Trám tỏa đi học ươm rừng ở nhiều nơi trong tỉnh để về áp dụng ở đất đồi quê hương. Những triền lúa nương nhường đất lại cho cây keo. Lúa gieo xuống đồng, rừng xanh trùng điệp bén khắp núi này núi kia. 43 hộ dân là 43 khoảnh rừng mọc lên san sát, từng nếp nhà sàn nhấp nhô màu xám bạc đan vào màu xanh vô tận của rừng. Họ ươm rừng, giữ rừng như giữ nguồn cội để làm nền móng cho bao thế hệ. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đèo Trám Sèn Văn Nam bảo rằng, toàn thôn có khoảng 350 ha rừng, nhà ít thì 4 ha, nhiều có tới 12 ha rừng. Những hộ có rừng khai thác hàng năm thu về từ 50 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng đấy. Giờ thu nhập của thôn đạt bình quân 3,4 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nịnh Văn Lìn (đội mũ), Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) cùng hộ dân thăm rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC.

Anh Nịnh Văn Lìn (đội mũ), Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) cùng hộ dân thăm rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC.

Tiến Bộ có trên 3.400 ha rừng, phong trào trồng rừng ở đây được lan tỏa từ chí lập nghiệp của những người lãnh đạo xã trưởng như Bí thư Đảng ủy xã Vũ Quang Đảm hay Chủ tịch UBND xã Trần Quyết Cường. Họ là những người đã bỏ bao tâm huyết, làm cho những quả đồi trọc xưa kia hồi xanh trở lại. Tâm huyết đó tỏa tới từng hộ dân như gia đình ông Tạ Văn Trịnh người thôn Cả với 19 ha rừng; gia đình ông Vũ Văn Hòe, thôn Đèo Tượng với 27 ha rừng; gia đình ông Trần Văn Vĩnh, thôn Tân Biên 2 có 20 ha rừng… Và việc thành lập Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy, thôn Tân Biên 2 do anh Nịnh Văn Lìn, giám đốc trẻ người dân tộc Cao Lan cũng không nằm ngoài ý tưởng cho cây rừng xanh mãi.

Rừng có “Visa”

Từ năm 2015, toàn xã Tiến Bộ đã có trên 720 ha rừng được trồng mới, trung bình mỗi năm người dân và các hợp tác xã khai thác khoảng 150 ha rừng, tổng sản lượng khai thác gỗ từ năm 2015 đến nay đạt trên 90.156 m3, doanh thu đạt khoảng 162,2 tỷ đồng. Vươn tới những giá trị cao hơn, năm 2016, khi huyện Yên Sơn triển khai dự án trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC tại xã đã có 13 hộ đủ tiêu chuẩn tham gia với diện tích trên 218 ha.

Hiệu quả được khẳng định khi rừng được áp dụng theo chuẩn FSC, giá trị của gỗ được nâng tầm, sau khi trừ chi phí người dân sẽ thu về khoảng 150 triệu đồng/ha, cao hơn từ 10 đến 15 triệu đồng/ha so với trồng rừng thông thường. Các anh Nịnh Văn Lìn, Giám đốc Hợp tác xã và ông Vũ Văn Hòe, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy là những người tiên phong trong trồng rừng FSC. Anh Nịnh Văn Lìn khi ấy mới 30 tuổi nhưng lại là một trong những người đi đầu trồng rừng. Anh bảo, cả khu Khe Lan lúc bấy giờ chỉ toàn bãi đất bỏ trống, những cục đất vón lại cỏ dại cũng chả mọc nổi. 20 ha đất, anh cải tạo, phát dọn thực bì và bắt đầu ươm những mầm xanh đầu tiên trên đất Tiến Bộ này.

Những khoảnh rừng xanh ở xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Những khoảnh rừng xanh ở xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Thời điểm 2008, giống cây còn khan hiếm, anh tìm tới Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương mời cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn làm vườn ươm ngay tại địa phương, phủ màu xanh khắp xã. Người dân ai cũng chặc lưỡi vì nghĩ cây sắn trồng đầu năm cuối năm thu chứ cây rừng biết bao giờ mới cho thu. Đến 4 năm sau, khi phong trào trồng rừng lan tỏa khắp tỉnh, người dân mới gật gù điều chàng trai trẻ này làm trước đây thật đúng. Anh Lìn hiện có hơn 30 ha rừng, khát vọng làm giàu từ rừng của anh đã lan tỏa khắp xã, cây sắn nhường lại cho những khoảnh rừng xanh tốt, đang vào tuổi khai thác.

Anh Lìn, ông Hòe đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, mời chuyên gia về xã để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC cho các thành viên của hợp tác xã tổ chức cho người dân đi thăm rừng FSC ở nhiều nơi. "Vốn thạo nghiệp rừng ai nấy đều hào hứng lắm. Từ việc chọn nguồn cây giống đảm bảo, phòng nấm bệnh, không đốt thực bì như trước nữa để bảo đảm cho hệ thực vật phát triển, rồi vỏ bao bì phân bón được thu gom đúng quy định, người dân không dùng thuốc bảo vệ thực vật để trừ cỏ, phòng bệnh cho cây rừng nữa. Từ bỏ được những thói quen đấy là cả một sự nỗ lực lớn về nhận thức" ông Vũ Văn Hòe, Phó Giám đốc HTX chia sẻ.

Hiện nay, hợp tác xã thành lập 13 nhóm chứng chỉ rừng với sự tham gia của 26 thành viên tại các thôn. Các thành viên trong nhóm chứng chỉ rừng được các hộ trồng rừng trong xã ủy quyền để quản lý việc hướng dẫn, vận động, quản lý cấp chứng chỉ rừng đối với trên 600 hộ trồng rừng trong xã. Hiện xã có 1.719 ha rừng đã được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC với 668 hộ tham gia. Xã cũng đã liên kết cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa và Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Sau khi được cấp chứng chỉ, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thu mua toàn bộ gỗ rừng có chứng chỉ để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ông Trần Quyết Cường, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ cho biết, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC thì nay xã hướng tới thực hiện thí điểm mô hình cấp chứng chỉ cho gỗ thành phẩm CoC. CoC là chuỗi quá trình nhận dạng gỗ từ khu rừng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn FSC cho tới khi sản phẩm đến được với người tiêu dùng. Mục đích cuối cùng của chuỗi hành trình sản phẩm FSC - CoC là nhằm cung cấp chứng cứ xác thực để chứng minh các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ khu rừng đã đạt tiêu chuẩn FSC. Đây được coi là xưởng vệ tinh để chế biến gỗ đầu vào cung cấp cho Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Từ phát triển kinh tế lâm nghiệp, thu nhập bình quân của xã hiện đạt 36 triệu đồng/người/năm, là tiền đề để xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2020.

Phóng sự: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/uom-rung-130677.html