Uống aspirin hàng ngày có phòng ngừa đột quỵ?

Các chuyên gia y tế cho rằng việc mọi người truyền tai nhau việc uống aspirin hàng ngày để phòng đột quỵ là chưa hoàn toàn chính xác.

Theo thống kê của ngành y tế, trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất - tức nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.

Không phải ai cũng có thể dùng aspirin để phòng ngừa đột quỵ (ảnh minh họa).

Không phải ai cũng có thể dùng aspirin để phòng ngừa đột quỵ (ảnh minh họa).

Chính vì lẽ đó, các biện pháp phòng ngừa đột quỵ được nhiều người quan tâm; trong đó không ít người truyền tai nhau về việc dùng thuốc aspirin hằng ngày để phòng ngừa đột quỵ.

Trước thông tin này, thượng tá BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng cho biết: Aspirin là một loại thuốc phòng ngừa đột quỵ nhưng dành riêng cho trường hợp phòng ngừa kết tập tiểu cầu, tức là chống bám dính hình thành cục máu đông trong động mạch, giảm biến chứng của xơ vữa động mạch. Lợi ích của nó được chứng minh rõ ở những người từng bị đột quỵ (nhồi máu não), đã có hiện tượng mạch máu bị tổn thương nhiều, hoặc có bệnh mạch vành, bệnh về tim (nhồi máu cơ tim…).

Theo BS Hoàng, để sử dụng thuốc aspirin liều thấp phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ sẽ tùy theo nguyên nhân mà kê toa, thường được dùng cho những trường hợp xác định có nguy cơ rất cao và có liên quan đến những bệnh lý như xơ vữa động mạch hoặc các bệnh nhân từng có bệnh lý đột quỵ nhồi máu não.

Một số trường hợp như đột quỵ xuất huyết, chảy máu não thì chắc chắn không được dùng, vì theo lý giải của BS Hoàng, ngoài tác dụng chống đông, loại thuốc này có cũng khiến dễ chảy máu hơn. Tác dụng phụ của aspirin làm nguy cơ chảy máu đối với các trường hợp có xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết dạ dày, xuất huyết não…

"Chính vì vậy, aspirin là thuốc dùng để phòng ngừa đột quỵ nhưng phải được uống theo đúng chỉ định của bác sĩ, nhằm tránh tác dụng phụ đáng tiếc như tăng nguy cơ chảy máu ở người vốn có các bệnh lý gây xuất huyết...", BS Hoàng cho biết.

Cùng quan điểm, TS. BS Trần Chí Cường, chuyên gia điều trị đột quỵ cho rằng, đột quỵ bao gồm xuất huyết não (20%) và nhồi máu não (80%). Vì việc uống thuốc aspirin chỉ ngăn sự hình thành cục máu đông trong lòng mạch máu. Nên thuốc aspirin chỉ có tác dụng điều trị cục máu đông chứ không có vai trò phòng ngừa xuất huyết não và dị dạng mạch máu não. Đây là loại thuốc khá phổ biến, có hiệu quả trong phòng ngừa đột quỵ nhồi máu não và nhồi máu cơ tim.

Nếu bệnh nhân muốn sử dụng thuốc aspirin lâu dài thì phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để đánh giá mức độ lợi, hại trên từng người bệnh. Ví dụ, bệnh nhân đang bị bệnh có liên quan đến gia tăng nguy cơ xuất huyết như phình mạch máu não, dị tật mạch máu não. Nếu sử dụng aspirin lâu dài, chẳng may vỡ túi phình, vỡ dị dạng mạch máu não thì nguy cơ đột quỵ nặng sẽ gia tăng. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng thuốc aspirin, không phải tất cả mọi người đều có thể sử dụng.

"Trước khi sử dụng aspirin chúng ta nên loại trừ những bệnh lý nguy hiểm như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, bệnh trĩ xuất huyết, bệnh nhân nhạy cảm với aspirin; vì có thể gây gia tăng xuất huyết trên bệnh lý nền", BS Cường khuyến cáo.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/uong-aspirin-hang-ngay-co-phong-ngua-dot-quy-192250401153758788.htm