Uống nhầm hóa chất tẩy rửa: Hậu quả khôn lường

Mặc dù các bác sĩ đã có cảnh báo rõ ràng về mức độ độc hại của hóa chất dùng trong gia đình với sức khỏe để người dân hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, do bất cẩn, nhiều trường hợp đã vô tình uống nhầm hóa chất dẫn đến hậu quả nguy hiểm.

Bỏng họng vì uống nhầm hóa chất tẩy rửa

Vừa qua Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc hóa chất tẩy rửa.

Đó là bệnh nhân P.N.L. (52 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện với biểu hiện đau rát nhiều vùng miệng, họng, nuốt đau, nghẹn. Trước đó, bệnh nhân uống nhầm hóa chất tẩy rửa sàn và nôn ra ngay.

Cấp cứu tại bệnh viện, bệnh nhân được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng. Kết quả nội soi tai mũi họng xác định tình trạng trợt nông phủ giả mạc trắng, xung huyết đỏ vùng hầu họng, nội soi thực quản – dạ dày có viêm niêm mạc dạ dày.

Qua khai thác thông tin người bệnh và kết quả thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bỏng hầu họng, theo dõi bỏng thực quản, dạ dày do hóa chất. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, giảm đau, bù dịch, thải độc theo phác đồ. Sau 24 giờ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, các chỉ số xét nghiệm gan, thận bình thường.

Bác sĩ Lê Tiến Dũng – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, mức độ tổn thương nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thể loại, liều lượng, nồng độ của hóa chất người bệnh uống phải, thời gian đến bệnh viện sớm hay muộn. Biểu hiện đầu tiên khi ngộ độc hóa chất là tình trạng bỏng rát, đỏ, trợt, loét niêm mạc miệng, họng.

Bệnh nhân ngộ độc hóa chất tẩy rửa được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân ngộ độc hóa chất tẩy rửa được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: BVCC.

Tổn thương nặng nề hơn là bỏng thực quản, dạ dày gây biến chứng xuất huyết, thủng dạ dày, về lâu dài có thể bị hẹp thực quản khó nuốt, hẹp môn vị kèm tắc nghẽn dạ dày, co rút, dày dính các bộ phận của đường tiêu hóa, suy giảm chức năng gan, thận… thậm chí tử vong do hoại tử thực quản, dạ dày, suy đa tạng.

Trường hợp bệnh nhân P.N.L. may mắn vì uống nhầm hóa chất với liều lượng rất nhỏ, được cấp cứu thải độc tích cực tại bệnh viện nên không mắc biến chứng nặng.

Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy từng cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực cho không ít trường hợp người lớn, trẻ nhỏ bị ngộ độc hóa chất tẩy rửa.

Tương tự, khoảng cuối tháng 3/2023, Bệnh viện trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng đã phẫu thuật nội soi tạo hình thực quản bằng đại tràng cho nam bệnh nhân bị biến chứng sau khi uống nhầm hóa chất tẩy rửa.

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, anh T.Q.T. (35 tuổi) vô tình uống nhầm chất tẩy rửa bồn cầu và được đưa vào bệnh viện địa phương sơ cứu, bơm rửa dạ dày. 15 ngày sau, anh T. có triệu chứng nôn ói sau ăn, kèm sụt cân nhiều, khoảng 17 kg/tháng.

Anh T. đến Bệnh viện trường Đại học Y Dược Cần Thơ khám và được chẩn đoán bị hẹp môn vị do hóa chất, dạng biến chứng thường gặp với bệnh nhân sau ngộ độc chất ăn mòn.

Theo các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện trường Đại học Y Dược Cần Thơ, ngộ độc chất tẩy rửa rất nguy hiểm do những biến chứng muộn về sau. Bệnh nhân T. gặp cả biến chứng hẹp thực quản khó nuốt và hẹp môn vị kèm tắc nghẽn dạ dày, gây tình trạng nôn ói, không ăn uống được, sụt cân nhanh chóng…

Các biến chứng thường xảy ra 5 - 6 tuần sau khi uống hóa chất, thậm chí có thể xuất hiện sau vài năm. Cần hết sức đề phòng và đến bệnh viện ngay sau khi xảy ra sự cố.

Biến chứng nặng nề

Trong khoảng tháng 2/2023, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ cũng đã tiếp nhận bệnh nhi 3,5 tuổi uống nhầm thuốc tẩy mốc quần áo.

Trước đó, tháng 6/2021, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã điều trị cho bệnh nhân nữ, 22 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội bị ngộ độc chất ăn mòn do “uống nhầm” nửa chai nước tẩy rửa bồn cầu Okay của Thái Lan.

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trên toàn thế giới, 80% số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ. Đây thường là những vụ tai nạn với một lượng nhỏ và thường lành tính.

Ở người lớn, ngộ độc hóa chất ăn mòn thường do tự tử với số lượng lớn và đe dọa đến tính mạng. nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn và lỏng và chất tẩy rửa nhà vệ sinh.

Bệnh nhân ngộ độc hóa chất ăn mòn thường bị bỏng, xuất huyết, thủng dạ dày, về lâu dài rất dễ bị hẹp thực quản, co rút, dày dính các bộ phận của đường tiêu hóa. Đã có một vài ca do bỏng hóa chất gây hoại tử dạ dày, đại tràng và tử vong. Việc chữa trị cũng kéo dài và khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.

Qua đó, TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo cần có những cảnh báo rõ ràng về hóa chất sử dụng trong gia đình, mức độ độc hại của chúng với sức khỏe để người dân hạn chế sử dụng và nếu sử dụng phải có phương tiện phòng hộ đầy đủ.

Các sản phẩm nhập khẩu cần có thông tin đầy đủ về hướng dẫn sử dụng, mức độ an toàn và các khuyến cáo khi sử dụng. Các hóa chất này cũng cần để xa tầm với của trẻ em và người già.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng lưu ý, khi phát hiện người bệnh ngộ độc hóa chất tẩy rửa cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời, tuyệt đối không áp dụng các biện pháp gây nôn để tránh nguy cơ sặc hóa chất hoặc hóa chất lan rộng, làm tổn thương nặng nề hơn.

Lưu ý đựng các hóa chất trong bình chứa riêng, có nhãn ghi chú để tránh gây nhầm lẫn với người lớn và đặt ở nơi kín đáo, xa tầm tay trẻ nhỏ.

Đặc biệt các chuyên gia y tế cảnh báo, thời gian qua, rất nhiều trẻ nhỏ uống nhầm nước lau kính, dầu hỏa, dung dịch acetone, các chất tẩy rửa… dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Với trường hợp trẻ uống phải các chất tẩy rửa có thể gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, suy hô hấp.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần để xa tầm tay trẻ em những hóa chất, chất tẩy rửa tại gia đình; không nên đựng trong các loại chai dễ nhầm lẫn với nước uống. Ngay khi phát hiện trẻ uống nhầm chất tẩy rửa cần cho trẻ uống thật nhiều nước hoặc uống sữa để làm loãng lượng dung dịch và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/uong-nham-hoa-chat-tay-rua-hau-qua-khon-luong.html