Uống nhầm thuốc diệt chuột giống si rô, một bé trai tử vong

Nhặt được ống nhựa có nước màu đỏ, 2 bé trai ở Đồng Nai tưởng si rô nên đã uống, dẫn đến ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, trong đó một bé đã tử vong.

Ống thuốc diệt chuột có hình dáng giống nước si rô

Ngày 29/3, Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai xác nhận vừa cấp cứu cho 2 bệnh nhi ngộ độc nghi do uống thuốc diệt chuột. Trong đó, 1 bệnh nhi 8 tuổi đã tử vong, 1 bệnh nhi 7 tuổi vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Trước đó, vào tối ngày 27/2, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận 2 bé trai là L.H.P (7 tuổi) và V.N.Đ.Q. (8 tuổi, học sinh một trường cấp tiểu học ở TP Biên Hòa), được chuyển tới từ Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark.

Lúc tiếp nhận, bé P. có biểu hiện co giật toàn thân, diễn tiến nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Còn bé Q. biểu hiện lơ mơ nhưng vẫn nói chuyện được.

Để cứu chữa 2 bé, các bác sĩ đã thực hiện các bước cấp cứu, thải độc... theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bé P. do ngộ độc quá nặng nên đã tử vong vào rạng sáng 28/3, còn bé Q. may mắn được cứu sống, hiện sức khỏe tạm ổn định.

Theo lời kể của bé Q., trong lúc 2 bé chơi với nhau ở gần nhà thì thấy 2 ống nhựa trong suốt lớn hơn ngón tay, bên trong có nước màu hồng. Nghĩ là nước si rô nên 2 bé đã chia nhau uống, bé P. uống nhiều hơn. Sau khi uống, cả hai bé phải cấp cứu tại Bệnh viện Đại Học Y Dược Shing Mark.

Theo hình ảnh chai nước người thân cung cấp, các bác sĩ xác định đây là thuốc diệt chuột có xuất xứ từ Trung Quốc, nhìn bằng mắt thường rất giống nước si rô trẻ em thường uống.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa khám bệnh cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, so sánh hình ảnh xác định lọ thuốc trên phù hợp với nhóm thuốc diệt chuột florua acetate.

Theo bác sĩ Sửu, nhóm thuốc diệt chuột này xuất xứ từ Trung Quốc, đã cấm sử dụng từ lâu. Đây là loại thuốc rất độc, triệu chứng ngộ độc xảy ra rất sớm, sau 10 phút. Biểu hiện đầu tiên ở đường tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Tiếp theo biểu hiện kích thích, co giật, nặng hơn là hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp và tử vong.

Cũng theo bác sĩ Sửu, thuốc diệt chuột có 2 nhóm. Ngoài nhóm florua acetate của Trung Quốc, còn nhóm thuốc diệt chuột sinh học được lưu hành tại Việt Nam. Loại thuốc này độc tính nhẹ hơn, thường gây rối loạn đông máu (kháng đông). Khi uống nhầm sẽ không biểu hiện ngay mà thường sau 3 ngày mới xuất hiện triệu chứng chảy máu mũi, máu răng.

Bác sĩ Sửu cho hay, bệnh nhân uống nhầm thuốc diệt chuột nhóm kháng đông tại bệnh viện từng gặp một số trường hợp nhưng tiên lượng tốt hơn, nếu được chữa trị kịp thời. Riêng trường hợp ngộ độc diệt chuột Trung Quốc rất hiếm gặp và tiên lượng thường rất nặng.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/uong-nham-thuoc-diet-chuot-giong-si-ro-mot-be-trai-tu-vong-post125480.html