Uống nước ngọt hằng ngày, bé trai chạm mốc 110kg
Trung bình mỗi bữa, N.G.H (Hà Nội) ăn khoảng 3 bát cơm, mỗi ngày uống 1 lon nước ngọt và ăn 2 gói bim bim cỡ đại. Chỉ một thời gian sau đại dịch Covid-19, cậu bé 15 tuổi rơi vào tình trạng béo phì, nặng tới 110kg.

(Ảnh minh họa)
Cảnh báo tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ
Trong vòng 3 tháng gần đây, H. tăng hơn 20kg một cách mất kiểm soát. Lo lắng về tình trạng này, gia đình đưa H. đến thăm khám tại Phòng khám đa khoa Medlatec Thanh Xuân.
Tại đây, bác sĩ ghi nhận chiều cao của cháu H. là 176cm, cân nặng 110kg, cho chỉ số BMI 35,5kg/m², thuộc ngưỡng béo phì mức độ nặng.
Tình trạng tăng cân của H. đã kéo dài suốt 4 năm qua, đặc biệt tăng nhanh sau thời gian giãn cách xã hội do Covid-19. Trong thời gian đó, trẻ chủ yếu học tập và sinh hoạt tại nhà, ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh và uống nước ngọt có gas. Hiện tại, trung bình mỗi bữa H. ăn khoảng 3 bát cơm, mỗi ngày uống 1 lon nước ngọt và ăn 2 gói bim bim cỡ đại.
Bên cạnh thăm khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm của trẻ còn ghi nhận các chỉ số đường huyết và acid uric cao, cùng với tình trạng thiếu hụt vitamin D. Trẻ được chẩn đoán béo phì, tiền đái tháo đường và thiếu vitamin D - một hệ lụy điển hình từ chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới, điều tra Dinh dưỡng Quốc gia 2010-2020 cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng rất nhanh, trong đó nhóm trẻ dưới 5 tuổi tăng từ 5,6 lên 11,1%; trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5 lên 19%; người trưởng thành tăng từ 12 lên 19,6%. Tỷ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành đã tăng gần gấp đôi từ 4,1% lên 7,1% từ 2015 tới 2021.
Còn theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, sử dụng thường xuyên đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như: bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, gút...; sử dụng thường xuyên đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (giữa) chia sẻ về tác hại của tiêu thụ đồ uống có đường.
"330ml đồ uống có đường có ga thường chứa khoảng 35g đường, cung cấp khoảng 140kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng (Tổ chức Y tế thế giới). Một chai nước cam ép 455ml thông thường sẽ chứa khoảng 15 thìa cà-phê đường. Tiêu thụ đường là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ béo phì trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Thừa cân, béo phì là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cả người lớn và trẻ em ở Việt Nam", bà Thủy chia sẻ.
Với tình trạng hiện tại của bé trai, bác sĩ nhấn mạnh việc điều trị cần có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của gia đình và đội ngũ y tế. Theo đó, cháu H. được xây dựng chế độ ăn kiểm soát năng lượng, bắt đầu cắt giảm 150 kcal/ngày và tăng dần đến 500 kcal/ngày, mục tiêu giảm 0,5kg/tháng.
Đồng thời, trẻ cần loại bỏ nước ngọt ra khỏi thực đơn, chuyển sang dùng sữa không đường, hoặc sữa tách béo một phần. Việc luyện tập thể chất cũng được khuyến khích thực hiện đều đặn từ 30-60 phút/ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
Chủ quan với béo phì, trẻ gặp nhiều hệ lụy về sức khỏe
Béo phì ở trẻ em là tình trạng cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, Chuyên Khoa Nhi, Phòng khám đa khoa Medlatec Thanh Xuân, cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì ở trẻ em, trong đó phổ biến nhất là mất cân đối dinh dưỡng, do di truyền, thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
Trẻ ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo (đồ chiên rán, thức ăn nhanh) và bột đường (bánh ngọt, nước ngọt, bim bim...), khiến năng lượng nạp vào vượt xa năng lượng tiêu hao, dẫn tới tích tụ mỡ thừa trong cơ thể.
Về yếu tố di truyền, trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ, anh chị em mắc béo phì sẽ có nguy cơ cao hơn so với trẻ không có tiền sử gia đình mắc bệnh. Áp lực học tập, căng thẳng, hay tổn thương tâm lý khiến trẻ dễ tìm đến thức ăn, đặc biệt là đồ ngọt như một cách xoa dịu cảm xúc.
Việc vừa ăn vừa xem tivi, lười vận động, ngồi/ nằm lâu, thiếu ngủ... cũng là những yếu tố gia tăng nguy cơ béo phì ở trẻ.
Qua thực tế thăm khám cho các trẻ mắc béo phì, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc chia sẻ, nhiều phụ huynh không nhận ra con mình đã thừa cân, hoặc đánh giá thấp mức độ so với thực tế. Phần lớn cha mẹ chỉ đưa trẻ đi khám khi con kêu đau chân, đau xương, hay lo ngại về chiều cao.
Béo phì ở trẻ em không chỉ gây dậy thì sớm, mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như đái tháo đường, tim mạch, thậm chí ung thư trong tương lai. Về mặt tâm lý xã hội, trẻ béo phì dễ bị kỳ thị, cô lập, mất tự tin, dẫn đến các vấn đề như trầm cảm, stress và kết quả học tập suy giảm.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần kiểm tra cân nặng của trẻ định kỳ và theo dõi sát sự phát triển qua biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn do bác sĩ chuyên khoa cung cấp.
Do cơ thể trẻ em còn đang trong quá trình tăng trưởng, bởi vậy nguyên tắc điều trị béo phì ở trẻ không phải là “ép cân” mà là kiểm soát tốc độ tăng cân - giúp trẻ duy trì cân nặng ổn định, hoặc giảm từ từ, song song với việc phát triển chiều cao.
Quá trình điều trị béo phì ở trẻ cần đồng bộ theo 3 nhóm giải pháp chính: Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, giảm lượng năng lượng nạp vào nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu lứa tuổi.
Bữa ăn nên cân đối đủ 4 nhóm chất thiết yếu (chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất). Các thực phẩm như rau xanh, trái cây tươi, sữa chua ít đường… nên được ưu tiên, đồng thời hạn chế thực phẩm giàu năng lượng rỗng như đồ chiên rán, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas...
Cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vận động phù hợp độ tuổi; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, duy trì thói quen ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ cho trẻ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/uong-nuoc-ngot-hang-ngay-be-trai-cham-moc-110kg-post876842.html