Uống rượu bia quá nhiều sẽ dẫn đến các bệnh nào?

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc uống rượu bia làm tăng đáng kể nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư miệng, họng, gan, vú và trực tràng.

Theo Times Now, uống rượu bia là một phần phổ biến của các buổi tụ tập xã hội và cuộc sống hàng ngày đối với nhiều người trên khắp thế giới. Mặc dù uống rượu bia ở mức độ vừa phải thường được coi là vô hại hoặc thậm chí có lợi, nhiều nghiên cứu đã thiết lập mối liên hệ giữa việc tiêu thụ rượu bia và nguy cơ mắc ung thư tăng cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), tiêu thụ rượu bia là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với nhiều loại ung thư. Nguy cơ tăng lên cùng với lượng rượu bia tiêu thụ, nhưng ngay cả khi uống rượu bia vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Do đó, điều cần thiết là phải giảm lượng rượu tiêu thụ và áp dụng lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ này.

 Ngay cả việc uống rượu bia vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thông qua các cơ chế như sản xuất acetaldehyde, stress oxy hóa và thay đổi nội tiết tố. Ảnh: iStock

Ngay cả việc uống rượu bia vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thông qua các cơ chế như sản xuất acetaldehyde, stress oxy hóa và thay đổi nội tiết tố. Ảnh: iStock

Tiêu thụ rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào?

Tiến sĩ Raman Narang, Bác sĩ Ung thư Nội khoa tại Bệnh viện Ung thư Andromeda giải thích rằng rượu bia làm tổn hại đến chức năng của nhiều bộ phận cơ thể và làm tăng nguy cơ ung thư.

Tổn thương DNA

Rượu bia và chất chuyển hóa của nó, acetaldehyde, có thể gây tổn thương trực tiếp đến DNA trong tế bào. Tổn thương này có thể dẫn đến đột biến thúc đẩy sự phát triển của ung thư.

Mất cân bằng nội tiết tố

Rượu bia có thể làm tăng nồng độ của một số hormone nhất định, chẳng hạn như estrogen. Nồng độ estrogen tăng cao có liên quan đến nguy cơ ung thư vú tăng cao.

Tổn thương gan

Uống rượu bia mãn tính có thể gây xơ gan, đây là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Xơ gan dẫn đến tổn thương gan lâu dài, làm tăng khả năng biến đổi thành ung thư.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Rượu bia có thể cản trở quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt làm suy yếu khả năng ngăn ngừa và phục hồi tổn thương tế bào của cơ thể.

Tăng hấp thụ chất gây ung thư

Rượu bia có thể hoạt động như một dung môi, làm tăng hấp thụ chất gây ung thư từ các nguồn khác, chẳng hạn như thuốc lá.

Các loại ung thư liên quan đến việc tiêu thụ rượu bia

Tiến sĩ Raman Narang giải thích rằng theo nghiên cứu, ngay cả việc tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Ung thư miệng và họng

Rượu bia là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư miệng, họng và thanh quản. Nguy cơ tăng theo lượng rượu bia tiêu thụ và thậm chí còn cao hơn đối với những người cũng sử dụng thuốc lá.

Ung thư thực quản

Có hai loại ung thư thực quản chính gồm ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến. Uống rượu bia, đặc biệt là uống nhiều rượu, có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản tăng cao.

Ung thư gan

Uống rượu bia lâu ngày có thể dẫn đến viêm gan, bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan, tất cả đều làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư gan.

Ung thư vú

Ngay cả việc tiêu thụ rượu bia ở mức độ vừa phải cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Rượu bia có thể làm tăng mức estrogen, có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư ở vú.

Ung thư đại tràng

Tiêu thụ rượu bia có liên quan đến nguy cơ ung thư đại tràng và trực tràng tăng cao. Nguy cơ này có ở cả nam và nữ, mức tiêu thụ cao hơn tương quan với nguy cơ lớn hơn.

Ung thư dạ dày

Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc uống rượu bia có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư dạ dày trên gần thực quản.

NHẬT LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/uong-ruou-bia-qua-nhieu-se-dan-den-cac-benh-nao-post798992.html