USAid giải thể sẽ tác động đến khu vực Thái Bình Dương thế nào?
Ngày 17/2, theo The Guardian, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAid) đang gây ra những hệ lụy đáng kể tại khu vực Thái Bình Dương.

Trụ sở của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAid) tại Washington D.C. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Hàng trăm dự án và chương trình do tổ chức này tài trợ rơi vào tình trạng bất ổn, đẩy nhiều người vào nguy cơ mất việc làm. Dù khu vực này có khả năng thích ứng cao, nhưng việc USAid rút lui không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn người mà còn làm suy yếu mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia, USAid đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm và hỗ trợ cộng đồng tại các quốc gia trong khu vực. Tiến sĩ Lefaoalii Dion Enari - chuyên gia về Thái Bình Dương tại Đại học Công nghệ Auckland - nhận định rằng các dự án do Mỹ tài trợ thường có mức lương cao và đóng vai trò là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình tại Papua New Guinea và các quốc đảo khác.
Dữ liệu từ Viện Lowy cho thấy Mỹ là nhà tài trợ lớn thứ năm của khu vực Thái Bình Dương - sau Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2024, Washington đã cấp tổng cộng 3,4 tỷ USD viện trợ cho khu vực này, trong đó 249 triệu USD được giải ngân vào năm 2022.
Việc cắt giảm USAid đã gây ra tình trạng mất việc làm trên diện rộng. Một nguồn tin từ Papua New Guinea cho biết tổ chức của họ có bốn nhân viên nhưng chưa rõ tương lai sẽ ra sao. Trong khi đó, ước tính khoảng 600 người dân tại các đảo Thái Bình Dương đang làm việc toàn thời gian cho các dự án của USAid và hàng nghìn nhà thầu và đối tác khác mất việc làm.
USAid tài trợ cho hàng loạt sáng kiến về y tế, chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế. Dù USAid không công bố danh sách đầy đủ các dự án được hỗ trợ, nhưng ước tính cho thấy có hơn 100 chương trình lớn nhỏ trên toàn khu vực đang chịu ảnh hưởng từ quyết định này. Nhiều tổ chức đang tìm kiếm nguồn tài trợ thay thế để duy trì hoạt động.
Bên cạnh tác động kinh tế và xã hội, việc rút lui của USAid còn ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vực. Dù trước đó, Washington đã cam kết 600 triệu USD nhằm mở rộng hiện diện ở Thái Bình Dương, như việc mở đại sứ quán tại Tonga và Kiribati, cũng như bổ nhiệm đặc phái viên tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, nhưng nhiều quốc gia cho biết đến nay họ chưa nhận được nguồn tài trợ như đã hứa.
Tiến sĩ Enari nhận định rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Trump được đưa ra mà không có sự tham vấn với các quốc gia trong khu vực. Ông cho rằng điều này đã tác động trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng và có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh: "Lòng tin và sự tôn trọng có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi và quyết định này sẽ được các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương ghi nhớ".