Ưu tiên đầu tư, chú trọng hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao
Làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sáng 25.8, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mong muốn Thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư cho văn hóa nói chung, các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng, trong đó chú trọng hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí.
100% địa phương quy hoạch quỹ đất cho thiết chế văn hóa, thể thao
Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, những năm qua, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo; vốn bố trí cho các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao cấp Thành phố tăng dần qua các năm, góp phần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao bảo đảm mục tiêu đề ra.
Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 5.249 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao. Trong đó, 4.656 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt thôn, tổ dân phố; 84 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 125 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 27 thiết chế văn hóa, thể thao thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Ngoài ra còn có 6 thiết chế văn hóa do UBND Thành phố trực tiếp quản lý; 4 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao thuộc Thành đoàn quản lý; 59 thiết chế, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao do Liên đoàn Lao động Thành phố quản lý; 290 thiết chế, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao thuộc Công an Thành phố và Bộ tư lệnh Thủ đô.
Các nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố ở nội thành đều có diện tích nhỏ, do chủ yếu tận dụng phần đất dôi dư hay những hạng mục phải chuyển đổi mục đích. Số thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt là 794, trong đó 50 thôn, 744 tổ dân phố, tập trung ở các quận trung tâm do không bố trí được quỹ đất.
UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, thống kê, đánh giá, báo cáo thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, các thôn còn thiếu nhà văn hóa làm căn cứ trình HĐND Thành phố dành nguồn ngân sách hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện.
Theo bà Trần Thị Vân Anh, việc quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của Thành phố Hà Nội đã cơ bản bám sát quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg, gắn với phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương và phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố.
“100% địa phương đã hoàn thành quy hoạch dành quỹ đất cho xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đồng thời, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập của nhân dân. Các thiết chế văn hóa từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, khang trang, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho các tầng lớp Nhân dân Thủ đô”, bà Trần Thị Vân Anh cho biết.
Nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị không đồng bộ
Mặc dù được quan tâm đầu tư song hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên địa bàn Thành phố hiện nay cơ sở vật chất nhiều nơi xuống cấp, trang thiết bị phục vụ hoạt động chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao. Một số thiết chế văn hóa cấp Thành phố, nhất là các nhà hát, tình trạng xuống cấp nhanh, trang thiết bị thiếu, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Một số rạp xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động như rạp Kim Đồng, Đại Đồng. Một số thiết chế không có sân khấu biểu diễn, thiếu trang thiết bị. Nhiều thiết chế được xây dựng từ lâu, việc cải tạo, sửa chữa chưa thực sự khắc phục được hoàn toàn các hạn chế của công trình, nên gặp khó khăn trong khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động.
Các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp hạn chế. Vẫn còn địa phương chưa bố trí được quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao hoặc đã có quy hoạch đất nhưng triển khai chậm hoặc thực hiện không bảo đảm theo quy định. Công tác quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở một số địa phương thiếu tính liên kết.
Nguồn kinh phí chi cho tổ chức các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra; kinh phí cấp không đủ chi cho các hoạt động thường xuyên, chế độ thù lao cho hoạt động quần chúng còn thấp so với mặt bằng chung nên không thu hút được diễn viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên…
Ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao
Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, cần nhận diện lại, phát huy nội lực của thiết chế đó, con người làm trong thiết chế đó, con người đến hưởng thụ thiết chế đó.
Bên cạnh những giải pháp của thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP làm cơ sở triển khai thực hiện việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết đảm bảo phù hợp thực tiễn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành văn bản quy định về khai thác, sử dụng, tổ chức và hoạt động của nhà văn hóa tổ dân phố ở khu vực đô thị. Tham mưu cho Chính phủ có chính sách ưu tiên đầu tư chi cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở bảo đảm đạt tiêu chuẩn.
Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL và Thông tư số 14/2016/TT-BVHTTDL để phù hợp với điều kiện tình hình mới ở các quận nội thành trong việc quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, trang thiết bị thể dục thể thao.
Có văn bản hướng dẫn cụ thể cơ chế quản lý, khai thác và sử dụng đối với các thiết chế văn hóa, thể thao thống nhất với việc quản lý tài sản công theo quy định của Luật quản lý và sử dụng tài sản công.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội. Khi quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì có quy hoạch khu nhà ở công nhân và các công trình phụ trợ kèm theo, trong đó có nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí cho công nhân lao động…
Đánh giá thực trạng, chú trọng hiệu quả hoạt động
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, thời gian qua Hà Nội cũng đi đầu về các chính sách dành cho văn hóa, gần đây là Chương trình số 06 của Thành ủy về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Ghi nhận và đánh giá cao điều này, Đoàn khảo sát mong muốn Thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư cho văn hóa nói chung, các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.
Nhấn mạnh hiệu quả hoạt động là quan trọng nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị Hà Nội rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn, phân loại cụ thể theo loại hình, quy mô, tính chất, địa bàn… từ đó kiến nghị Trung ương có các quy định phù hợp với thực tiễn, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tập luyện thể thao của người dân Thủ đô.
Đoàn khảo sát cũng mong muốn Hà Nội nghiên cứu kết nối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương, các bộ, ngành, trên địa bàn; có chính sách đặc thù đối với đội ngũ làm văn hóa, đặc biệt là các nghệ nghệ nhân, nghệ sĩ để họ phát huy sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của văn hóa Hà Nội và cả nước; đồng thời gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch để khai thác các thế mạnh của nhau…