Ưu tiên phân bổ ngân sách cho vùng khó khăn thực hiện công tác phòng, chống mua bán người

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người... Do đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã dành nhiều sự quan tâm, tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm của dự án Luật.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Ảnh: Bích Ngọc

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Ảnh: Bích Ngọc

Xác định rõ đối tượng, nội dung tuyên truyền, giáo dục trong dự án Luật

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể hơn, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; đồng thời, xác định rõ đối tượng tuyên truyền, hình thức tuyên truyền, bổ sung nhóm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm cần được tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, nội dung dự thảo quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người còn chung chung. Tại khoản 2, Điều 7 quy định về nội dung thông tin tuyên truyền, giáo dục, nhưng không xác định rõ đối tượng tuyên truyền tập trung vào đối tượng nào, hình thức tuyên truyền, giáo dục cụ thể ra sao.

Đại biểu cho biết, theo báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới, ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 đến 20 tuổi, phần lớn là nữ giới. Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy, việc tuyên truyền phải nhằm tới những đối tượng cụ thể là trẻ em, phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới.

Qua báo cáo thống kê, hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12, vì vậy, đại biểu đề xuất dự thảo Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa, mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Góp ý về quy định tuyên truyền, vận động giáo dục, tư vấn phòng ngừa mua bán người theo Điều 7, Điều 8 của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thực trạng các địa phương hiện nay có nơi phong tục tập quán, tảo hôn, cưới hỏi dễ bị lợi dụng, biến tướng, thậm chí có người vì hoàn cảnh gia đình chấp nhận mua bán người thân, lao động nam, nữ thanh niên nghe lời đi làm việc nước ngoài việc nhẹ, lương cao, bị lôi kéo bán hàng ở nhà hàng, karaoke, cà phê nhưng thực chất là bán dâm, bảo kê. Tình trạng các đối tượng lợi dụng hôn nhân nước ngoài, cho, nhận con nuôi, mang thai hộ, hiến mô, tạng... diễn biến tương đối phức tạp, cho nên cần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, phòng ngừa, tuyên truyền cho mọi đối tượng để thông hiểu về phòng ngừa sai phạm hoặc nhận thức đúng đắn về đạo đức, lối sống.

Ưu tiên phân bổ ngân sách cho vùng khó khăn

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH đóng góp cho dự án Luật là cần có sự ưu tiên phân bổ ngân sách cho địa phương khó khăn, khu vực biên giới thực hiện công tác phòng, chống mua bán người.

Để công tác phòng, chống mua bán người được thực hiện hiệu quả, đại biểu Chamaleá Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định về các chính sách của dự án Luật này cho phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định pháp luật khác. Ví dụ như tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, ở khu vực biên giới, tình hình mua bán người cũng xảy ra nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp nên cần bổ sung khu vực này vào khu vực được ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước hằng năm.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung khu vực biên giới được hưởng chế độ ưu tiên, được Nhà nước bố trí ngân sách hằng năm cho công tác phòng, chống mua bán người. Bởi lẽ, ở khu vực biên giới có nhiều xã, thôn, buôn vẫn không phải là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để thụ hưởng chính sách này. Mặt khác, ở khu vực này, nhiều nơi trình độ dân trí còn thấp, tình trạng di cư trái pháp luật đến chiếm tỉ lệ khá cao, làm cho công tác quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này.

Đề nghị chỉnh lý một số nội dung về quản lý về an ninh, trật tự quy định tại Điều 9

Quan tâm đến nội dung về quản lý về an ninh, trật tự quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, khoản 4 tại Điều này quy định “việc tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, lối mở, khu vực biên giới, hải đảo và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên không gian mạng”.

Đại biểu cho rằng, trên thực tế đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, ngoài lợi dụng cửa khẩu, chúng còn triệt để lợi dụng các yếu tố địa hình, địa vật. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý lại theo hướng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo và trên biển để đảm bảo bao quát đầy đủ và phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, khoản 5 Điều này quy định: “Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu”.

Về nội dung này, đại biểu Hoàng Hữu Chiến nêu rõ, tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng không chỉ lợi dụng cuộc gọi quốc tế để hoạt động, mà còn triệt để lợi dụng các trang bị, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế ở các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, lối mở, lối thông quan được chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua biên giới để hoạt động, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Do đó, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu chỉnh lý nội dung này theo hướng không chỉ quy định riêng với cửa khẩu quốc tế mà cần quy định chung cho các loại cửa khẩu mới phù hợp. “Vì khái niệm cửa khẩu đã bao gồm cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không và trong cửa khẩu có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ” - đại biểu khẳng định.

Cho ý kiến về khoản 1, Điều 50 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong công tác tuyên truyền, phòng, chống mua bán người ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cũng cho biết, đối với nội dung này tại Điều 6, Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật xác định ở Trung ương do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phổ biến, giáo dục pháp luật; bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; UBND các cấp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chủ trì, phối hợp với BĐBP, Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật và phù hợp với Điều 54, Điều 60 dự thảo Luật này về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và UBND các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Gia Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/uu-tien-phan-bo-ngan-sach-cho-vung-kho-khan-thuc-hien-cong-tac-phong-chong-mua-ban-nguoi-post477588.html