Ưu tiên sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát nhằm bảo đảm sửa đổi, bổ sung phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Tập trung ưu tiên sửa đổi những vấn đề cấp bách liên quan đến sắp xếp bộ máy và phát triển khoa học, công nghệ
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung 7 Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với việc triển khai cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phục vụ việc đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực như đầu tư, đấu thầu, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý sử dụng tài sản công.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Tổng Thư ký Quốc hội nêu thực tế, hiện nay, các dự án hợp tác công - tư rất khó triển khai, việc áp dụng quy định pháp luật trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Ngay đối với những dự án hợp tác công - tư trong lĩnh vực mới, như khoa học, công nghệ, hay những lĩnh vực mà trước đây được kỳ vọng là sẽ phát huy phương thức đối tác, hợp tác công tư tốt, như kết cấu hạ tầng, văn hóa, xã hội thì cũng rất khó triển khai.
Xuất phát từ thực tế đó, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, ngay khi Chính phủ đề xuất sửa 7 luật này đã nhận được sự tán thành cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhận thấy, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật rất rộng, tới 7 luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 và các năm tiếp theo. Do vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới cần được rà soát rất kỹ nhằm bảo đảm tính khả thi, để khi triển khai thực hiện thì trong thời gian rất ngắn, những quy định này sẽ đi vào cuộc sống ngay.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật nên tập trung ưu tiên sửa đổi những vấn đề có tính chất cấp bách, cần thiết phải sửa đổi ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, các đơn vị hành chính cũng như là các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cần luật hóa Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ đối với dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, dự thảo Luật có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, dự thảo Luật cần luật hóa Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này và lưu ý cơ quan soạn thảo rà soát nhằm bảo đảm sửa đổi, bổ sung phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng.
Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đối với các chính sách không quy định có "tiền kiểm", thì cần có cơ chế "hậu kiểm", việc quản lý theo kết quả phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí để xác định lượng hóa các kết quả đầu ra; phân cấp, phân quyền phải gắn với trách nhiệm của tổ chức.
Đối với các nội dung liên quan đến Luật Đầu thầu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cân nhắc loại trừ đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị chưa tự chủ tài chính hoặc do ngân sách bảo đảm chi hoạt động thường xuyên, thì vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước; bổ sung các nguyên tắc xác định các trường hợp được chỉ định thầu trước khi giao Chính phủ quy định chi tiết; cân nhắc các quy định có thể áp dụng chào hàng cạnh tranh không bắt buộc đánh giá năng lực, kinh nghiệm, tránh việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực thực hiện.