Ưu tiên ủng hộ sản phẩm quê hương
Sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân khắp nơi tin dùng. Tuy nhiên, để góp phần thúc đẩy đầu ra sản phẩm, rất cần những giải pháp và ý thức cộng đồng trách nhiệm của chính người dân Cà Mau, như: ưu tiên sử dụng sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh nhà; làm sản phẩm biếu tặng và mỗi người dân trở thành kênh quảng bá tốt nhất cho sản phẩm quê hương; lấy sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tạo điểm nhấn quảng bá, thu hút du lịch...
Sau 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với tinh thần trách nhiệm cao từ các ngành, sự nỗ lực của từng chủ thể, đến nay tỉnh Cà Mau đã có 138 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 109 sản phẩm đạt 3 sao, 29 sản phẩm đạt 4 sao của 64 chủ thể; 18 sản phẩm đã hết hạn công nhận và đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại trong năm 2024. Thời gian qua, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân ưu tiên mua sắm, sử dụng các sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh trong gia đình, kể cả làm quà biếu, tặng... Tuy vậy, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thực tế kết quả chưa được như mong muốn.
Chị Mai Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Tài Thịnh Phát Farm (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn), cho biết: "HTX hiện có 4 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao. Sau 6 năm tham gia chế biến sản phẩm đặc trưng của tỉnh và sau 2 năm tham gia sản phẩm OCOP, năng lực sản xuất được nâng cao rất nhiều từ chất lượng sản phẩm, đến hình thức. Ðến nay, sản phẩm của HTX xuất bán ra thị trường khá ổn định và vào được hệ thống một số siêu thị khó tính trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay là sản phẩm OCOP tiêu thụ trong tỉnh khá hạn chế, hoặc trong các phần quà Tết của tỉnh ít thấy các sản phẩm OCOP. Thiết nghĩ, tới đây, tỉnh cần ưu tiên sản phẩm OCOP để chính người Cà Mau được thưởng thức sản phẩm chất lượng của quê hương và thành kênh quảng bá sản phẩm của tỉnh".
Anh Khưu Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại SK NONI, cho biết: "Năm 2023, sản phẩm nước cốt nhàu của công ty được nâng hạn từ 3 sao lên 4 sao. Thời gian qua, lượng sản phẩm tiêu thụ tại địa phương còn rất hạn chế; đa phần là quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, công ty đã chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu, đang đầu tư trên 1 tỷ đồng cho nhà xưởng, lắp hệ thống sản xuất đạt chuẩn theo quy định để đủ tiêu chuẩn đưa sản phẩm đi xa hơn. Ðồng thời, tăng cường tham gia các buổi hội chợ thương mại trong, ngoài tỉnh cũng như tham quan, kết nối với nước ngoài để nắm bắt cơ hội. Bản thân tôi mong muốn tỉnh quan tâm, ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh đưa vào các phần quà biếu khi các đơn vị ngoài tỉnh đến thăm, cũng như quà Tết... góp phần quảng bá và tăng lượng đầu ra sản phẩm OCOP của tỉnh".
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, người tiêu dùng cho rằng, dĩ nhiên người Cà Mau cũng mong muốn thưởng thức, ưu tiên sản phẩm uy tín, chất lượng. Tuy nhiên, thực tế, có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh trùng lắp, tương tự và tạo sự cạnh tranh ngay chính "sân nhà". Ðó là các sản phẩm quen thuộc, như: tôm khô, bánh phồng tôm, chả cá phi, ba khía, mắm tôm... So về giá, sản phẩm OCOP hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn nên giá cao hơn sản phẩm bình thường là điều tất nhiên. Tuy nhiên, vì những năm gần đây tình hình kinh tế khó khăn, nên người tiêu dùng cũng khá cân nhắc khi lựa chọn và thường ưu tiên hàng hóa phù hợp với túi tiền.
Cùng với đó, việc hạn chế về khâu bảo quản thực phẩm (phải bảo quản lạnh), hạn sử dụng có thời gian ngắn... cũng là nguyên nhân các sản phẩm OCOP của tỉnh ít xuất hiện trong các phần quà gửi đi xa.
Tại Hội nghị đánh giá, kết quả thực hiện chương trình OCOP gắn với lễ công bố trao giấy chứng nhận cho 26 sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh năm 2023, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị: "Năm 2023, tỉnh Cà Mau có 138 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, với số lượng nêu trên, tỉnh Cà Mau xếp thứ 8/13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sản phẩm được công nhận OCOP. Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2024 là công nhận thêm 30 sản phẩm từ 3 sao trở lên, mục tiêu này khá mạnh về mặt số lượng, nhưng phải nhìn về khả năng phát triển đường dài của sản phẩm để cân nhắc trước khi công nhận, tránh trùng lặp sản phẩm, tạo sự cạnh tranh ngay trên sân nhà".
Chị Trần Thị Xa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Ba khía Ðầm Dơi, cho biết: "Với mong muốn phát triển hoàn thiện sản phẩm hơn đến người tiêu dùng, chúng tôi đã nỗ lực nâng hạn OCOP sản phẩm ba khía Ðầm Dơi từ 3 sao lên 4 sao. Bên cạnh nỗ lực của bản thân, đổi mới hình thức quảng bá phát triển thêm kênh bán hàng qua YouTube, đổi mới nhãn mác, mẫu mã sang trọng, tìm tòi nghiên cứu phương pháp chế biến ngon, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng thì chúng tôi cũng rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành chức năng và cả người dân Cà Mau ưu tiên dùng sản phẩm của tỉnh Cà Mau"./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/uu-tien-ung-ho-san-pham-que-huong-a31366.html