Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể lần thứ 21

Sáng 07/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên họp, năm 2024, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó có 12 chỉ tiêu vượt). Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Trung ương và Quốc hội, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây là nền tảng vững chắc để nước ta bước vào năm 2025, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh VOV)

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh VOV)

Theo đó, để đạt được kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên thì tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%....

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước…

Đồng thời, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thảo luận nội dung này, đa số các đại biểu đều nhất trí với đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8%. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ cần chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp rõ ràng, chi tiết, cụ thể hơn, đặc biệt phải xác định được đâu là động lực mũi nhọn để tập trung đầu tư.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, cần phải làm rõ hơn nữa các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, về giải pháp ngắn hạn, cần tính toán kỹ các biện pháp kích thích sản xuất, tiêu dùng. Về giải pháp thể chế, giảm thuế là biện pháp hiệu quả để tăng trưởng, có thể cần giảm thuế sử dụng đất thời gian tới. Đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để đề ra giải pháp cụ thể, khả thi nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

Đánh giá cao giải pháp của Chính phủ về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật. Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ lưu ý trong quá trình thực thi cũng như xác định các nội dung trong tâm cụ thể trong xây dựng thể chế. Tham gia đóng góp ý kiến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cho rằng, cần có sự quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường tính khoa học trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt là trong việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc tinh gọn bộ máy cần được coi là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, và Nghị quyết 57 cần được cụ thể hóa trong quá trình xây dựng thể chế.

Một số đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế gắn với thúc đẩy thương mại, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các quốc gia mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện; nhanh chóng đàm phán, kết thúc đàm phán FTA với các nước Trung Đông, Thụy Sỹ, Na Uy, Phần Lan… để tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng.

Diệu Huyền - Nguyễn Duyên

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=92495