Ủy ban mặt trận tổ quốc các cấp: Phát huy vai trò của tổ chức tư vấn

– Trong thời gian qua, hoạt động của các tổ chức tư vấn đã trở thành một kênh quan trọng, giúp ủy ban mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác phản biện xã hội (PBXH), góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Thành viên Hội đồng tư vấn về Kinh tế của Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu ý kiến tại hội thảo phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức

Thành viên Hội đồng tư vấn về Kinh tế của Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu ý kiến tại hội thảo phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức

Hiện nay, tổ chức tư vấn của ủy ban MTTQ được thành lập ở cấp tỉnh và cấp huyện. Hầu hết thành viên là cán bộ nghỉ hưu, nhiều người nguyên là lãnh đạo các sở, ngành, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành chủ trương, chính sát với thực tiễn và có tính khả thi.

Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của đội ngũ tư vấn

Ông Lê Công Thắng, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh, hiện ông là Phó Chủ nhiệm của Hội đồng tư vấn về Dân chủ – Pháp luật của Ủy ban MTTQ tỉnh. Với kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành thanh tra, trong những cuộc hội thảo PBXH do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, ông là một trong những người đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn.

Ông Thắng cho biết: Trước các cuộc hội thảo PBXH, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo văn bản kết hợp nghiên cứu văn bản pháp luật hiện hành, chủ động nắm bắt dư luận, tình hình thực tiễn để đưa ra ý kiến phản biện sâu sắc, chất lượng, góp phần để các chủ trương, kế hoạch của tỉnh ban hành đảm bảo tính khoa học, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đơn cử, hồi tháng 2/2023, tham gia hội thảo phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ Nhân dân tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tôi và thành viên các hội đồng tư vấn đã phản biện về các số liệu, mức hỗ trợ Nhân dân nêu trong dự thảo và bổ sung một số nội dung để dự thảo hoàn chỉnh hơn như: chế độ khen thưởng, việc hỗ trợ người dân bị thương tích, gặp tai nạn, rủi ro khi tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn… Các ý kiến đã được lãnh đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh giải trình làm rõ và tiếp thu để nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh dự thảo.

Cũng là một trong số những người tích cực trong các hội thảo PBXH do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, ông Hoàng Văn Páo, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Với vốn kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, cộng với sự chủ động nghiên cứu từ lý luận đến thực tiễn, chúng tôi luôn cố gắng để công tác tư vấn có chất lượng, mang lại hiệu quả cao, góp phần hiến kế xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương đảm bảo đúng đắn, phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Trong 5 năm trở lại đây, tôi và các thành viên của hội đồng đã tham gia góp ý, phản biện đối với 45 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh. Các ý kiến đều được cơ quan tham mưu soạn thảo văn bản đánh giá cao và tiếp thu đầy đủ và có ý kiến phản hồi tích cực.

Tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh được thành lập từ năm 2008, ban đầu có 2 hội đồng tư vấn; đến năm 2013 phát triển lên 4 hội đồng tư vấn về các lĩnh vực: dân tộc – tôn giáo; văn hóa – xã hội; dân chủ – pháp luật; kinh tế, với tổng số 25 thành viên. Không chỉ cấp tỉnh, đến nay, ủy ban MTTQ 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn đã thành lập được ban tư vấn, với tổng số 13 ban tư vấn về các lĩnh vực, số lượng 66 thành viên.

Tính từ năm 2018 đến nay, các hội đồng tư vấn ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia góp ý, phản biện đối với trên 100 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, từ nghị định, thông tư đến các dự án luật, bộ luật; dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh. Ban tư vấn của ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã tham gia góp ý, phản biện đối với 27 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cùng cấp, với tổng số 440 ý kiến, được cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu đầy đủ.

Ông Dương Văn Vịnh, Trưởng Ban Tổ chức – Tuyên giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thành viên các hội đồng, ban tư vấn đều là các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, người làm công tác lãnh đạo quản lý (đã nghỉ hưu) trên các lĩnh vực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiều kinh nghiệm, am hiểu pháp luật và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc thành lập các tổ chức này nhằm quy tụ, tập hợp họ tư vấn, tham mưu giúp MTTQ triển khai thực hiện tốt các mặt công tác, đặc biệt là công tác giám sát và PBXH.

Nâng chất lượng phản biện xã hội

Để đội ngũ tư vấn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện để các tổ chức tư vấn hoạt động hiệu quả, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương.

Theo đó, đối với công tác PBXH, hằng năm, ủy ban MTTQ các cấp phối hợp thống nhất nội dung, xây dựng kế hoạch thực hiện, gửi thông tin, tài liệu cần thiết cho thành viên các tổ chức tư vấn nghiên cứu khoảng 15 ngày trước khi tổ chức hội thảo phản biện. Các bước, quy trình PBXH được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sau phản biện, MTTQ sẽ tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến và đề nghị cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản giải trình và trả lời bằng văn bản. Thêm vào đó, kinh phí hỗ trợ thành viên các tổ chức tư vấn tham gia phản biện được thực hiện theo đúng quy định.

Bà Hoàng Thị Huyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Lạng Sơn cho biết: Ủy ban MTTQ thành phố đã thành lập Ban Tư vấn về Dân chủ – Pháp luật từ năm 2019, với 7 thành viên. Để phát huy vai trò, hiệu quả của ban tư vấn, hằng năm, từ cuối năm đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức PBXH cho năm sau. Theo đó, đơn vị thống nhất với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn về các nội dung phản biện; xây dựng kế hoạch, thời gian tổ chức thích hợp. Mỗi cuộc PBXH, MTTQ đều “đặt bài” trước với các thành viên ban tư vấn, các chuyên gia lĩnh vực liên quan để góp ý cho các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo các văn bản điều chỉnh các nội dung đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và hợp lòng dân, tạo sự đồng thuận xã hội…

Không chỉ hệ thống MTTQ, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cũng rất quan tâm phối hợp để các cuộc PBXH đem lại hiệu quả cao, trưng cầu được nhiều ý kiến từ những người có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực, nội dung đưa ra phản biện. Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo PBXH đối với dự thảo văn bản của UBND tỉnh do sở tham mưu xây dựng. Để hội thảo thành công, trước đó Ủy ban MTTQ tỉnh và sở phối hợp cung cấp đầy đủ tài liệu, hệ thống dự thảo các văn bản để thành viên các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh, các chuyên gia góp ý, giúp đơn vị hoàn chỉnh các dự thảo. Chẳng hạn, ngày 11/8/2023, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội thảo PBXH dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đơn giá cây trồng, vật nuôi áp dụng trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, do sở tham mưu soạn thảo. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, giúp chúng tôi điều chỉnh các nội dung đảm bảo khoa học, logic và đúng quy định, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả khi trình ban hành thực hiện.

“Chúng tôi đánh giá cao những giải pháp, cách làm nhằm phát huy hiệu quả hoạt động các tổ chức tư vấn của ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Lạng Sơn. Đây là cơ sở để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bổ sung vào “kho” giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức này để phổ biến đến các địa phương vận dụng thực hiện”.

Ông Nguyễn Văn Hanh,
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam

Tính từ năm 2018 đến nay, các hội đồng tư vấn ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia góp ý, phản biện đối với trên 100 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, từ nghị định, thông tư đến các dự án luật, bộ luật; dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh. Ban tư vấn của ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã tham gia góp ý, phản biện đối với 27 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cùng cấp, với tổng số 440 ý kiến, được cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu đầy đủ.

Có thể khẳng định, thành viên của các tổ chức tư vấn thời gian qua đã dành nhiều tâm sức, trí tuệ cho việc nghiên cứu, tư vấn giúp ban thường trực ủy ban MTTQ tỉnh, huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là công tác giám sát và PBXH. Ý kiến đóng góp, tư vấn của thành viên các tổ chức tư vấn đã góp phần thiết thực vào công tác hoạch định, xây dựng thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, được các cơ quan chức năng tiếp thu, ghi nhận.

HOÀNG HUẤN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/628827-uy-ban-mat-tran-to-quoc-cac-cap-phat-huy-vai-tro-cua-to-chuc-tu-van.html