Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Ngày 22/4, tại phiên họp thứ 32, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại phiên họp thứ 32.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại phiên họp thứ 32.

Những điểm mới được đề cập trong dự thảo Luật

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn.

Bộ trưởng cho biết: Pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (quy hoạch nông thôn và khu chức năng) hiện nay được quy định chủ yếu tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Chương II Luật Xây dựng năm 2014 (quy định về quy hoạch nông thôn và các khu chức năng), ngoài ra còn một số Luật khác liên quan, trong đó có Luật Quy hoạch năm 2017.

Qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đề xuất kế thừa và hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy định về quy hoạch xây dựng (gồm quy hoạch nông thôn, khu chức năng) tại Chương II Luật Xây dựng vào trong 01 Luật với tên gọi là “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”.

Phạm vi điều chỉnh của Luật đề xuất là: “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tờ trình dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tờ trình dự án Luật.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều. Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên cơ sở quan điểm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; Kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; Nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập; Bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm, kiểm soát, giám sát việc thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua với 03 chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đề cập những điểm mới cơ bản dự thảo Luật đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Thứ nhất, quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật); Tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch; Thứ hai, tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Thứ ba, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ tư, bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước;

Thứ năm, bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; Thứ sáu, bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch; Thứ bảy, bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; sự tham gia của các cơ tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Thứ tám, bổ sung quy định về Hợp tác quốc tế và quy định trách nhiệm của Chính phủ theo hướng xác định rõ việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; Thứ chín, bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh một số điểm mới của dự thảo Luật.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh một số điểm mới của dự thảo Luật.

Việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một Luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.

Về định hướng nội dung xây dựng Luật, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Cần bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; Lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; Kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, cần gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn; Bảo đảm định hướng gắn kết giữa đô thị và nông thôn, phù hợp với thực tiễn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; gắn với mô hình phát triển đô thị, thể hiện được đặc thù của những mô hình đô thị mới.

Cần làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.

Phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp…

Cùng với đó, cần thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện gắn với đề cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.

Cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế…

Rà soát mối quan hệ của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch và các luật chuyên ngành liên quan

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự phù hợp giữa dự thảo Luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật; sự phù hợp, tương thích của luật với các luật có liên quan; Tính khả thi thực tế và cụ thể các điều khoản quy định trong dự thảo luật; Điều khoản thi hành, quy định chuyển tiếp; Hình thức, nội dung văn bản trong hồ sơ dự án luật, kết cấu dự án Luật…

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng: Đây là dự án Luật quan trọng. Bên cạnh dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, dự án Luật này sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị: Cần rà soát quy định về khu chức năng trong Luật Xây dựng, Luật Đất đai để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời góp ý về một số nội dung như sự quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Chủ nhiệm đề nghị: Bổ sung quy định về nội dung này trong dự thảo Luật; Đối chiếu, rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, căn cứ thế nào và ban hành ra sao, rà soát mối quan hệ của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch và các luật chuyên ngành liên quan.

Về hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy hoan nghênh Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng nội dung này rất tốt, có một Cổng thông tin xây dựng quy hoạch đô thị Việt Nam trên Internet. Đây là cơ sở, căn cứ góp phần xây dựng hệ thống đô thị thông minh trong thời gian tới, kết nối với việc phát triển bền vững xanh, thông minh, môi trường, chất lượng dịch vụ, con người, chất lượng cuộc sống…

Về kinh phí của nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, không chỉ cần kinh phí của Nhà nước mà còn cần khuyến khích tư nhân cùng hỗ trợ thêm để cung cấp thêm thông tin, chia sẻ thêm các dữ liệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, đảm bảo tiến độ, yêu cầu theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện một số báo cáo, hồ sơ cụ thể trong hồ sơ dự án luật trước khi trình Quốc hội...

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cũng bày tỏ thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật song đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để xác định mức độ chi tiết và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, đảm bảo phân định rõ vai trò, chức năng của từng loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, qua đó tránh sự trùng lặp, chồng chéo giữa các loại quy hoạch.

Về tên gọi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng tên gọi dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác với tên gọi đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lý giải rõ hơn vấn đề này để báo cáo Quốc hội xem xét.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá công tác chuẩn bị dự án Luật công phu, trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội thống nhất cách tiếp cận của dự án Luật là kế thừa Luật Quy hoạch đô thị hiện hành, cùng với đó là cụ thể hóa các nội dung, bổ sung một số quy định mới, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn bất cập và bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, cụ thể hóa hơn quan điểm, nguyên tắc trong các văn kiện của Đảng đã nêu. Dự án luật cần có rà soát để làm rõ, giải quyết mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; Mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị; Quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; Tiêu chí tiêu chuẩn quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng để tính toán cân bằng phát triển đô thị theo chiều rộng và phát triển đô thị theo mô hình TOD; Tiêu chí thiết yếu trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật Luật này với các Luật liên quan…

Cần giải trình rõ, cụ thể hơn việc thay đổi tên gọi của luật

Tiếp thu, giải trình làm rõ nội dung được nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, ý kiến của Ủy ban thẩm tra, nhất là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội… từ tên gọi, phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thông pháp luật đến các quy định cụ thể…

Bộ sẽ rà soát, tiếp thu, cụ thể hóa các nội dung và dự kiến có báo cáo giải trình rõ thêm các vấn đề liên quan đến các điểm mới, phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất đồng bộ, đối tượng điều chỉnh…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Để đảm bảo chất lượng dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu những ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra, bổ sung đầy đủ các hồ sơ chi tiết còn thiếu, đánh giá tác động đầy đủ các chính sách mới so với luật hiện hành, giải trình rõ, cụ thể hơn việc thay đổi tên gọi của Luật.

Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam, xây dựng hoàn thiện quy hoạch đô thị và nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế với các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, gắn kết không gian đô thị và nông thôn, hỗ trợ sự phát triển của các vùng trên cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024).

Minh Hằng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-doi-voi-luat-quy-hoach-do-thi-va-quy-hoach-nong-thon-374033.html