Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao quy định cấm mua bán bào thai
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần quy định cấm hành vi mua bán bào thai, song có những quan điểm khác nhau về việc quy định mua bán bào thai là mua bán người…
Sáng 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Trình bày tóm tắt báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương, 67 điều (tăng 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vừa qua).
Một nội dung có nhiều ý kiến quan tâm là quy định về hành vi mua bán bào thai. Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trước tình hình mua bán bào thai đang diễn biến phức tạp và việc xử lý hành vi mua bán bào thai chưa được pháp luật điều chỉnh, vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, Điều 3 của dự thảo Luật được bổ sung 01 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.
Đối với chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5 của dự thảo Luật), một số ý kiến ĐBQH đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp và khu vực biên giới. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật đã được bổ sung nội dung “địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp”.
Về đối tượng và chế độ hỗ trợ (Điều 38 của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo đảm quyền lợi tốt nhất dành cho trẻ em, Điều 38 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân, trừ hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.
Bà Lê Thị Nga cho biết, quy định này đã được cân nhắc kỹ để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước. Các chế độ hỗ trợ khác dành cho trẻ em thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em…
Thảo luận về dự luật này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành bổ sung quy định cấm hành vi mua bán bào thai và thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. Theo ông Cường, về mặt sinh học, bào thai đến một giai đoạn nhất định có thể coi là con người, có khác là môi trường tồn tại là trong bụng mẹ. Tuy vậy, ông cũng đề nghị thay vì cấm mua bán bào thai thì nên quy định là cấm “hành vi mua bán người thành thai”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết thêm, vấn đề bào thai khi nào được gọi là người cũng là vấn đề được tranh cãi trên thế giới. Cá nhân bà tán thành với tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo.
Bà Thúy Anh nêu quan điểm, cần cấm hành vi mua bán bào thai, song không thể quy định bào thai là người, vì nếu như vậy thì việc nạo, phá thai sẽ được coi là giết người.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng cũng cho rằng, nếu xác định mua bán bào thai là mua bán người sẽ rất khó cho cơ quan chức năng, khi khái niệm bào thai có phải là người không vẫn còn đang tranh cãi. "Tôi đồng ý thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai thuộc phạm vi mua bán người nhưng đưa cả mua bán bào thai vào thì rất khó để thực hiện" - ông Dũng nói.
Cũng đồng tình với việc cần nghiêm cấm việc mua bán bào thai, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần phải quy định sao cho thật cụ thể, dễ hiểu. Ông đề nghị viết quy định này thành: cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai.
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đối với các ý kiến tại phiên họp, dưới sự chủ trì của Ủy ban Tư pháp, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, tránh việc nhiều cách hiểu khác nhau; thống nhất để hoàn thành dự thảo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.