Tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu" được xây dựng dựa trên dấu mốc lịch sử, khi Bác Hồ tới thăm khu tự trị Thái Mèo tại Thuận Châu (Sơn La), gặp gỡ các cán bộ lão thành cách mạng và đại diện đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu vào tháng 9/1959.
Trung tâm tượng đài là Bác Hồ bên cạnh đại diện lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Thái, Hà Nhì cùng các cháu thiếu nhi.
Người dân tỉnh Lai Châu tự hào đứng dưới dòng chữ vàng in trên đá: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" của Bác.
Bên phải tượng đài là cụm phù điêu kể lại lịch sử hình thành Lai Châu, xuất phát từ tích “Quả bầu mẹ” sinh ra các dân tộc Lai Châu.
Bên cạnh đó còn bao gồm hình ảnh vua Lê Thái Tổ thân chinh đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Đèo Cát Hãn vào thế kỷ 15. Trước khi hồi kinh, nhà vua có làm bài thơ khẳng định chủ quyền dân tộc khắc trên vách núi Pú Huổi Chỏ.
Ngoài ra còn có các hình ảnh thể hiện sự phát triển của Lai Châu, từ khi thành lập tỉnh năm 1909 tới nay, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em.
Bên trái tượng đài là cụm phù điêu về văn hóa, khắc họa đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của 20 dân tộc sinh sống trên mảnh đất Lai Châu bên dòng sông Đà hùng vĩ.
Tượng đài Bác Hồ được làm từ chất liệu đá xanh Thanh Hóa, khắc tạc kỳ công.
Toàn cảnh Tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu" tại khu vực Quảng trường Nhân dân, niềm tự hào của nhân dân tỉnh Lai Châu.
Thanh Hải - Trọng Tài