V-League tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cho ngoại binh, CLB nào dẫn đầu?
'Đắt không xắt ra miếng', nhiều thương vụ tiền tỷ của các CLB đổ vào thị trường chuyển nhượng không đem lại hiệu quả như mong đợi.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_20_51419281/730ea1ab98e571bb28f4.jpg)
V-League vẫn phụ thuộc vào ngoại binh, đó là thực tế không thể chối cãi. Chính vì vậy, sắm ngoại binh tốt để “gánh” đội vẫn là chiến lược xuyên suốt của các CLB. Điều này khiến cho V-League trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động mua sắm, chuyển nhượng cầu thủ ngoại.
Dẫn đầu các đội bóng chịu chi nhất cho ngoại binh ở V-League những năm qua phải kể đến một số cái tên như Thép Xanh Nam Định, CLB Hà Nội, CAHN hay Đà Nẵng, Thanh Hóa…Nam Định mùa giải năm nay nổi bật nhất, một phần do đội bóng của HLV Vũ Hồng Việt phải thi đấu nhiều đấu trường.
Theo thống kê, Nam Định đã thay đổi khoảng gần 30 cầu thủ ngoại nếu tính trong 5 năm gần đây. Mới nhất để bù lấp khoảng trống do tiền đạo Nguyễn Xuân Son để lại và cùng với việc vắng Silva, Mpande, Nam Định đã trình làng 2 gương mặt mới. Đó là tiền đạo Brenner Marlos và tiền vệ phòng ngự Romulo da Silva Machado.
![Nguyễn Xuân Son là thương vụ thành công của Nam Định và ĐTVN, nhưng không phải lúc nào chất lượng cầu thủ ngoại cũng tương xứng số tiền bỏ ra.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_20_51419281/2796f033c97d2023796c.jpg)
Nguyễn Xuân Son là thương vụ thành công của Nam Định và ĐTVN, nhưng không phải lúc nào chất lượng cầu thủ ngoại cũng tương xứng số tiền bỏ ra.
Ngoại binh đóng góp lớn vào thành tích của Nam Định các mùa qua, nổi bật với 2 cầu thủ trên hàng công Nguyễn Xuân Son và Hendrio. Nguyễn Xuân Son là Vua phá lưới V-League mùa giải trước, trong khi Hendrio cũng có hiệu suất ghi bàn thuộc tốp đầu.
Cùng mua sắm ngoại binh khá mạnh tay là CLB Hà Nội của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Tuy nhiên trái với Nam Định, chất lượng cầu thủ ngoại CLB Hà Nội gần đây không tốt, dẫn đến việc họ liên tục phải thay đổi. Hà Nội vì vậy tốn khá nhiều tiền cho việc chấm dứt hợp đồng cầu thủ ngoại. Nhìn kết quả gần đây của đội bóng, bầu Hiển hẳn cũng không thể vui. Dân bóng đá vì vậy nói vui, bầu Hiển mà buồn phiền thì…ví tiền nhiều người ở CLB Hà Nội lại đau.
Cầu thủ ngoại của CLB Hà Nội đến từ khá nhiều nguồn khác nhau, châu Âu có, châu Phi có và Nam Mỹ cũng có. Tuy nhiên chưa gương mặt nào để lại dấu ấn như những tên tuổi thời trước ở Hà Nội, như Samson, Moses hay Cristiano Roland…Đội bóng của bầu Hiển 5 năm qua cũng thay đổi khoảng hơn 20 cầu thủ ngoại. Nhiều hợp đồng được bắn tin lên đến cả triệu đô, nhưng hiệu quả lại khá hạn chế.
“Đắt không xắt ra miếng”
Đông Á Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng hay Bình Dương, Thể Công Viettel cũng là những đội bóng hoạt động mua sắm ngoại binh tấp nập. Việc mua sắm cầu thủ ngoại khá phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm và phải rất thạo việc. Nhiều trường hợp mua hớ, cầu thủ về đội lộ chấn thương không thể thi đấu, hoặc chất lượng không tốt như trong hồ sơ, video…
Số tiền các đội bóng đổ vào thị trường chuyển nhượng ngoại binh nói riêng, nhẩm tính hàng chục tỷ đồng mỗi mùa giải. Nếu tính nhiều năm, con số có thể lên tới cả trăm tỷ đồng. V-League trở thành mảnh đất màu mỡ cho “cò” bóng đá hoạt động.
![Mua sắm ngoại binh trở thành vấn đề của CLB Hà Nội khi chưa có những bản hợp đồng chất lượng phục vụ cuộc đua ở tốp đầu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_20_51419281/b1b567105e5eb700ee4f.jpg)
Mua sắm ngoại binh trở thành vấn đề của CLB Hà Nội khi chưa có những bản hợp đồng chất lượng phục vụ cuộc đua ở tốp đầu.
Ngoài yếu tố chuyên môn, lý do khiến nhiều thương vụ chuyển nhượng bị đẩy giá lên rất cao, theo dân trong nghề, còn bởi những quan hệ “zic-zac” bên ngoài. Một “cò” khá tên tuổi chia sẻ, nhiều hợp đồng của các CLB V-League thông qua đầu mối Brazil bị thổi giá chóng mặt, nhưng chất lượng lại không tương xứng. Điều này khiến cho V-League tốn khoản tiền khủng vào thị trường chuyển nhượng, trong khi hoạt động đầu tư cho đào tạo trẻ không được chú tâm. Đây là sự lãng phí lớn, khiến bóng đá Việt Nam không phát huy được tiềm năng.
Nhiều đội bóng tiền đầu tư cao nhưng đào tạo trẻ lại gần như bị bỏ trống hoặc không quan tâm đúng mức. Những đội bóng kiểu này thường dễ tổn thương khi gặp các biến động xấu. Đào tạo trẻ yếu nếu khi cần, để đảm bảo quy định của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), nhiều đội phải đi mượn quân khi tham dự các giải trẻ.