Vaccine phòng bệnh bạch hầu hiệu quả trong bao lâu?

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine, bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh khi được phát hiện sớm.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), vaccine phòng bệnh bạch hầu được điều chế từ độc tố vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) trong môi trường nuôi cấy và đã qua xử lý bằng formaldehyde.

Vaccine bạch hầu được phát triển vào năm 1923. Đến năm 1985, Việt Nam chính thức đưa vaccine bạch hầu vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cùng với 5 bệnh khác là lao, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.

Các loại vaccine hiện nay có chứa thành phần bạch hầu tại Việt Nam

- DPT: (DTwP) có 3 thành phần bạch hầu, uốn ván và ho gà toàn tế bào.

- ComBeFive và SII có 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.

- Adacel và Boostrix: (DTaP) có 3 thành phần bạch hầu, uốn ván và ho gà vô bào.

- Td: có 2 thành phần bạch hầu và uốn ván.

- Tetraxim: có 4 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào và bại liệt.

- Pentaxim: có 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.

- Infanrixhexa và Hexaxim: có 6 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.

Trong các vaccine trên, ComBeFive, SII, DPT là các vaccine của chương trình Tiêm chủng mở rộng, được Chính phủ chi ngân sách mua để tiêm chủng miễn phí cho tất cả trẻ em trong độ tuổi quy định.

 Vaccine phòng bệnh bạch hầu nên được tiêm nhắc lại sau 10 năm để tăng hiệu quả bảo vệ. (Ảnh minh họa)

Vaccine phòng bệnh bạch hầu nên được tiêm nhắc lại sau 10 năm để tăng hiệu quả bảo vệ. (Ảnh minh họa)

Các vaccine còn lại phải trả phí khi tiêm chủng. Infanrix Hexa, Hexaxim và Pentaxim là những vaccine có thể lựa chọn để tiêm chủng các mũi cơ bản theo lịch Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Lịch tiêm chủng bắt buộc và lịch tiêm khuyến cáo

Lịch tiêm chủng bắt buộc vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu gồm 3 liều cách nhau ít nhất 1 tháng bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi và 1 liều tiêm nhắc thứ tư lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Mũi tiêm nhắc là rất cần thiết vì nó giúp kéo dài hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu ít nhất 5 năm. Liều lượng thuốc trong mỗi lần tiêm là 0,5ml và được tiêm bắp ở vị trí 1/3 giữa mặt ngoài đùi.

Ngoài lịch tiêm chủng bắt buộc nêu trên, vaccine bạch hầu được khuyến cáo tiêm nhắc vào các độ tuổi từ 4-7 tuổi, từ 12-15 tuổi và sau đó tiêm nhắc mỗi 10 năm bằng các vaccine DTaP, Td, Tda.

G.THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vaccine-phong-benh-bach-hau-hieu-qua-trong-bao-lau-post799934.html