Vaccine ung thư da làm giảm 44% quá trình tái phát
Loại vaccine mới được thử nghiệm dựa trên công nghệ mRNA của hãng dược Moderna (Mỹ) và kết hợp với liệu pháp miễn dịch Keytruda của Merck đã giúp giảm được 44% nguy cơ tái phát ung thư da.
Ảnh minh họa
Tại một cuộc họp mới đây của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ ở Orlando, Florida (Mỹ), tiến sĩ Jeffrey Weber của Trung tâm Ung thư NYU Langone Perlmutter, cho biết: "Các phát hiện cho thấy rằng việc bổ sung vaccine ung thư được cá nhân hóa dựa trên công nghệ mRNA vào Keytruda, giúp tăng cường phản ứng miễn dịch, có thể kéo dài thời gian bệnh nhân không bị tái phát hoặc tử vong.
Tiến sĩ Ryan Sullivan, một chuyên gia về khối u ác tính tại Mass General Cancer, người đã thực hiện nghiên cứu, cho biết: "Từ quan điểm điều trị ung thư nói chung, đây là một bước đột phá lớn tiềm năng.
Sự hợp tác giữa Keytruda của Merck và vaccine của Moderna có tên mRNA-4157/V940, là một trong số các loại thuốc mạnh kết hợp giúp giải phóng hệ thống miễn dịch, để nhắm mục tiêu ngăn chặn ung thư bằng công nghệ vaccine mRNA.
Vaccine của Moderna được chế tạo tùy chỉnh dựa trên phân tích khối u của bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt bỏ. Vaccine được thiết kế để đào tạo hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công các đột biến cụ thể trong tế bào ung thư.
Thuốc Keytruda của Merck, được phê duyệt để điều trị khối u ác tính và nhiều loại ung thư khác, thuộc nhóm liệu pháp miễn dịch được sử dụng rộng rãi được gọi là chất ức chế điểm kiểm soát được thiết kế để vô hiệu hóa PD-1, hoặc protein chết theo chương trình 1, giúp ung thư trốn tránh hệ thống miễn dịch.
Được biết, thử nghiệm dành cho lứa tuổi trung niên cả nam và nữ có nguy cơ cao bị khối u ác tính quay trở lại.
Theo kết quả thử nghiệm vaccine mRNA-4157/V940 và Keytruda, trong số 107 bệnh nhân đã nhận được liệu trình kết hợp, 24 người bị tái phát ung thư (tỉ lệ 22%). Trong số 50 người chỉ dùng Keytruda, có 20 trường hợp tái phát (tỉ lệ 40%). Thời gian theo dõi chung cho cả 2 nhóm là 2 năm. Việc kết hợp này không làm tăng đáng kể các tác dụng phụ thường thấy của Keytruda mà giúp tăng mạnh tác dụng ngừa tái phát đã được chứng minh trước đó.
Cũng trong báo cáo của các nhà khoa học tại cuộc họp trên, mệt mỏi là tác dụng phụ phổ biến nhất trên các bệnh nhân đã thử nghiệm loại vaccine này.
Merck và Moderna không phải là hai đơn vị hợp tác duy nhất trong việc điều trị kết hợp, nhằm khai thác sức mạnh của hệ miễn dịch trong việc tấn công tế bào ung thư bằng công nghệ vaccin mRNA.
Hiện tại, hãng dược BioNTech SE và Gritstone Bio Inc cũng hợp tác, đang nghiên cứu các loại vaccine ung thư cạnh tranh dựa trên công nghệ mRNA.
Nguồn: Reuters