Vải thiều Bắc Giang vào vụ: Mỗi quả vải là 'đại sứ' nông sản Việt

Mùa vải thiều năm 2025 của Bắc Giang bắt đầu với kỳ vọng lớn: không chỉ bội thu về sản lượng mà còn 'bứt phá' về chất lượng xuất khẩu và giá trị thương hiệu. Trong chuyến công tác ngày 11/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trực tiếp kiểm tra vùng trồng và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những nút thắt cốt lõi.

Năm nay, Bắc Giang bước vào mùa thu hoạch vải thiều với diện tích trồng lên tới gần 30.000 ha, sản lượng ước đạt 165.000 - 170.000 tấn, tăng 8% so với năm trước, trong đó vải sớm chiếm khoảng 8.000 ha. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch chỉ gói gọn trong hai tháng từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7, khiến áp lực tiêu thụ trở thành thách thức lớn.

Mùa vàng 165.000 tấn và bài toán tiêu thụ trong “cửa sổ 2 tháng”

Dù sản lượng tăng, giá trị kinh tế mang lại cho người dân có thể đạt 6.000 - 7.000 tỷ đồng, nhưng tính mùa vụ cao, áp lực xuất khẩu và phụ thuộc lớn vào thị trường truyền thống như Trung Quốc khiến nguy cơ ùn ứ luôn hiện hữu.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra vườn vải tại xã Phúc Hòa, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: KHƯƠNG TRUNG

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra vườn vải tại xã Phúc Hòa, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: KHƯƠNG TRUNG

Để vượt qua khó khăn đó, không thể chỉ dựa vào sản lượng lớn hay chất lượng cải thiện, mà cần kịch bản tiêu thụ linh hoạt, sát thực tế, mở rộng các kênh phân phối từ chợ truyền thống, siêu thị đến sàn thương mại điện tử. Việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua tận vườn cũng là một mắt xích quan trọng.

Tại buổi làm việc ngày 11/5 với lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu: “Tỉnh phải xây dựng kịch bản tiêu thụ linh hoạt, cập nhật thường xuyên. Không để ‘trúng mùa rớt giá’, càng không để thương lái thao túng thị trường tại vườn”.

Bộ trưởng Duy nhấn mạnh nếu tổ chức tốt tiêu thụ và mở rộng thị trường, đặc biệt tại các quốc gia khó tính như Mỹ, Nhật, EU, thì vải thiều Bắc Giang hoàn toàn có thể đóng góp từ 500 - 600 triệu USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Để làm được điều đó, sản phẩm phải đạt chuẩn từ gốc: vùng trồng phải được giám sát chặt chẽ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải đạt chuẩn quốc tế, khâu đóng gói - bảo quản phải theo quy trình truy xuất minh bạch.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ rõ, hạ tầng logistics và bảo quản sau thu hoạch là “hạ tầng mềm” quyết định khả năng cạnh tranh của quả vải. Địa phương cần sớm đầu tư vào hệ thống kho lạnh, trung tâm sơ chế tại chỗ để kéo dài thời gian bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Về lâu dài, chế biến sâu là hướng đi tất yếu. Việc đầu tư vào công nghệ chiếu xạ, sấy lạnh, đóng gói hiện đại không chỉ giúp tăng giá trị gia tăng mà còn giúp vải thiều “thoát mùa vụ”, trở thành sản phẩm thương mại quanh năm. Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh mở rộng hệ thống phân phối ở siêu thị, chợ đầu mối đến các sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, Bắc Giang vẫn đang phụ thuộc vào cơ sở chiếu xạ tại Hà Nội - vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu vào Mỹ, Úc. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ hỗ trợ xây dựng thêm một trung tâm chiếu xạ tại miền Bắc để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Mỗi quả vải là “đại sứ nông sản Việt”

Trong dài hạn, chế biến sâu là hướng đi tất yếu. Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp đồng thuận rằng cần tăng cường hỗ trợ tín dụng và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ chế biến, giúp kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm lệ thuộc vào thị trường tươi sống và ứng phó hiệu quả với biến động xuất khẩu.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao đổi với chủ vườn vải - Ảnh: KHƯƠNG TRUNG

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao đổi với chủ vườn vải - Ảnh: KHƯƠNG TRUNG

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty AMEII Việt Nam cho rằng: “Chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị mà còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự linh hoạt trước biến động thị trường.”

Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng các chính sách giá sàn, giá nhiên liệu và xử lý chất thải trong chế biến đang là rào cản với doanh nghiệp. Theo đó, cần có cơ chế linh hoạt và hỗ trợ rõ ràng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn.

Ông Nguyễn Tất Hưng, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu Toàn Cầu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định vị rõ nông sản hữu cơ và minh bạch thị trường nội địa, từ đó mở đường cho tiêu thụ phụ phẩm, tối ưu hóa chuỗi giá trị.

Ngoài sản xuất, chế biến và tiêu thụ, công tác truyền thông được Bộ trưởng đặc biệt lưu ý. “Vải thiều Bắc Giang cần được định vị là sản phẩm xanh - sạch - chất lượng cao, được người tiêu dùng tin chọn vì giá trị chứ không chỉ vì thời vụ,” ông Duy nhấn mạnh.

Việc phối hợp giữa địa phương và các cơ quan báo chí để kể câu chuyện quả vải - từ vùng nguyên liệu, quá trình sản xuất đạt chuẩn, đến hành trình vươn ra thế giới - sẽ là chìa khóa để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản.

Tầm nhìn dài hạn được Bộ trưởng xác định rõ: tái cơ cấu vùng nguyên liệu, điều chỉnh mùa vụ hợp lý, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh và chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Việc ký kết các hợp tác chiến lược về khoa học - công nghệ, hỗ trợ tín dụng ưu đãi và ban hành cơ chế cảnh báo sớm với biến động thị trường cũng là yêu cầu cấp thiết để ngành vải thiều phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh kiến nghị cần đánh giá lại chất lượng đất theo từng vùng trồng, đồng thời kêu gọi Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thị trường ngày càng lớn.

Từ một địa phương chủ yếu cung cấp nông sản thô, Bắc Giang đang dần chuyển mình trở thành hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại - với vùng nguyên liệu được quy hoạch bài bản, sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu và hệ sinh thái doanh nghiệp tham gia chế biến, tiêu thụ ngày càng năng động.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành để đưa Bắc Giang không chỉ là “thủ phủ vải thiều” mà còn trở thành điển hình trong chiến lược nâng cao giá trị nông sản Việt. “Mỗi quả vải sẽ là một đại sứ của nông sản Việt trên thị trường toàn cầu” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận.

Trung Việt

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/vai-thieu-bac-giang-vao-vu-moi-qua-vai-la-dai-su-nong-san-viet-1106697.html