Vai trò của báo chí đối với cộng đồng doanh nghiệp

Trong suốt hành trình gần 100 năm qua, báo chí đã luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong quá trình chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc để tiến lên Chủ nghĩa xã hội và bước vào thời kỳ đổi mới gắn liền với kinh tế thị trường.

Trong quá trình này, báo chí vẫn còn những bất cập nảy sinh, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp chung của dân tộc.

Báo chí là kim chỉ nam

Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với xã hội và cộng đồng DN, đặc biệt là DN BĐS. Bởi báo chí giúp định hướng, thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Báo chí giống như “kim chỉ nam”, qua phương tiện báo chí những thông tin có thể đến với người dân một cách nhanh nhất, giúp định hướng người dân nhận thức vấn đề một cách nhanh nhất.

Đặc biệt, đối với cộng đồng DN, báo chí luôn đồng hành để có chung tiếng nói, là cầu nối giữa Nhà nước với DN, vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối; vừa có những phản biện xã hội mang tính kịp thời, trao đổi theo hướng 2 chiều để Nhà nước kịp thời nắm bắt những vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc từ đó có những sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Còn đối với DN BĐS nói riêng, hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh; có thể khẳng định thời điểm hiện nay thị trường BĐS Việt Nam đang ở giai đoạn hoàng kim. Việc nhanh chóng truyền tải những chủ trương, chính sách của Nhà nước và phản ảnh khó khăn, vướng mắc của DN để Nhà nước kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp với điều kiện thực tế thì báo chí là phương tiện đặc biệt quan trọng và có thể xem là duy nhất.

Báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

Báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

Cùng với đó, khi DN tham gia kinh doanh thì họ cũng rất cần một thông tin chính thống để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của họ đến đông đảo người dân và khách hàng có nhu cầu, từ kênh báo chí khách hàng sẽ dễ dàng đón nhận thông tin, tiếp cận sản phẩm mà họ đang cần. Đây chính là vai trò quan trọng của báo chí, vì nếu như không có chí báo chí thì không thể tuyên truyền rộng rãi được.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam bước vào kinh tế thị trường nên thực tế phát triển luôn đi trước cơ chế chính sách. Có thể khẳng định, kinh tế - xã hội có phát triển được hay không và ngành nghề BĐS nói riêng có phát triển được hay không? Điều đó đều phụ thuộc vào cơ chế, chính sách.

Kể từ khi đổi mới, đặc biệt trong khoảng 20 năm trở lại đây, nền kinh tế đất nước, bộ mặt đô thị, kết cấu hạ tầng và cộng đồng DN không ngừng lớn mạnh, chính là do tác động của cơ chế, chính sách; mà cơ chế, chính sách để đến với người dân, DN một cách rộng rãi, thành công thì phải qua báo chí. Cũng chính từ chức năng phản biện 2 chiều mà báo chí đã giúp Nhà nước dần hoàn chỉnh những cơ chế, chính sách từ việc rút ra bài học thực tế để có cái nhìn dài hạn hơn.

Hơn thế, thời điểm hiện tại đang được xem là bước ngoặt lịch sử, Việt Nam có thể phát triển hơn nữa được không, có thể nâng vị thế đất nước lên một tầm cao mới được không, chính là nhờ những quyết sách liên quan đến cơ chế, chính sách giúp cho nền kinh tế phát triển. Khi xã hội đòi hỏi sự công bằng hơn, tiến bộ hơn, phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế, thì hệ thống chính sách – pháp luật của Nhà nước cần phải được thay đổi, hoàn chỉnh tốt hơn, để làm được điều này cũng rất cần vai trò của báo chí để truyền tải tiếng nói của người dân, cộng cồng DN đến với Nhà nước.

Nói như vậy để có thể lần nữa khẳng định rằng vai trò của báo chí là đặc biệt quan trọng, luôn đồng hành của Nhà nước, DN và Nhân dân, nếu không có báo chí thì không cơ quan nào có thể thay thế để làm được điều đó.

Những vấn đề bất cập

Trong quá trình phát triển, tất cả các ngành nghề, bao gồm cả báo chí cùng có những bất cập. Bất cập đối với báo chí là đôi khi không phản ánh được hết những giá trị thật hoặc ý kiến thật trong xã hội; cũng như việc truyền đạt đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng đôi khi còn chưa đồng bộ. Trên khía cạnh khách quan, ở đây chúng ta không cầu toàn khi đất nước đang phát triển, là giai đoạn chúng ta không thể “đốt cháy”, nên việc xảy ra bất cập, hạn chế là điều tất yếu.

Không phủ nhận trong giai đoạn hiện nay, báo chí xuất hiện nhiều hơn những “góc khuất, tiêu cực”... nhưng có thể khẳng định đây chỉ là phần nhỏ, chứ không phải đại diện cho bộ mặt của nghề. Cũng chính từ những vấn đề này, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận báo chí theo hướng vĩ mô, đó là báo chí đã mang lại rất nhiều giá trị cho xã hội.

Điều này cần phải hiểu rằng nó cũng theo xu thế chung của xã hội, vì trong quá trình phát triển chúng ta phải đánh đổi nhiều, để có một diện mạo đất nước như hiện nay thì chúng ta phải đánh đổi bằng những thứ khác, vì không có thành công nào mà không phải đánh đổi và trên thực tế chúng ta đã được nhiều hơn mất.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trong quá trình phát triển này, thì mỗi chủ thể (Nhà nước, DN, người dân và báo chí) có một cách nhìn nhận thực tế một cách khác nhau, nên chúng ta cần phải có quan điểm “sai đâu sửa đấy”. Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, nếu không xảy ra bất cập, hạn chế thì chúng ta sẽ không có bài học kinh nghiệm và từ việc rút ra bài học kinh nghiệm như vậy thì những gì không phù hợp thì chúng ta sẽ sửa đổi; những gì tốt chúng ta phát huy để hoàn chỉnh và để được hoàn chỉnh thì phải có phản biện từ DN, người dân, chỉ đạo của Nhà nước và trên cơ sở đó báo chí sẽ tiếp thu để tự hoàn chỉnh.

Ngay cả ở những quốc gia phát triển, họ cũng đã mất hàng trăm năm để hoàn chỉnh thể chế, nên hiện nay thế chế của họ đã đi vào ổn định. Còn ở Việt Nam, kinh tế thị trường và những ưu tiên cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng Xã hội chủ nghĩa mới vận hành rõ nét nhất được khoảng hơn 20 năm trở lại đây (gọi là giai đoạn phát triển “vàng”), nên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực cần tiếp tục có thời gian để hoàn chỉnh, cả vấn đề về thể chế, luật pháp cũng cần có thời gian để hoàn chỉnh. Vì vậy, chúng ta không cứng nhắc, yêu cầu một sự phát triển hoàn thiện của tất cả các lĩnh vực ở giai đoạn này bao gồm cả báo chí.

Báo chí là cầu nối thông tin quan trọng đến đông đảo Nhân dân.

Báo chí là cầu nối thông tin quan trọng đến đông đảo Nhân dân.

Xây dựng cách ứng xử phù hợp

Thời gian qua, báo chí đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước, ngoài việc là cầu nối giữa Nhà nước với người dân, DN trong việc truyền tài cơ chế, chính sách, pháp luật, phản biện xã hội. Báo chí còn góp phần tôn vinh những điển hình người tốt, việc tốt trong quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, chung tay vì cộng đồng...

Nhưng trước những vấn đề bất cập, tiêu cực xảy ra đối với báo chí thời gian gần đây thì tôi cho rằng cộng đồng báo chí nói chung nên có cách nhìn xã hội một cách tốt đẹp hơn, sáng hơn, đừng vì một vài điểm tối trong xã hội mà “khoét sâu” làm tư tưởng, tinh thần của người dân, DN bị ảnh hưởng, thậm chí bị mất đi.

Nói như thế không có nghĩa là phải nhìn xã hội toàn bằng “màu hồng”, vì thực ra trong một quá trình phát triển nó có những vấn đề bất cập, có những cái sai... ở mọi tầng lớp chứ không riêng gì ai, như thế mới là xã hội, một xã hội thì nó phải có tính đang dạng.

Từ đó, báo chí nên nêu gương nhiều hơn, chứ không nên tập trung quá nhiều vào những điểm tối, điểm tối thì chỉ nêu vừa đủ để Nhà nước có những cơ chế, chính sách nhằm khắc phục; nếu báo chí cứ phản ánh trên tinh thần phán xét thì sẽ trở thành mâu thuẫn. Tất nhiên, có những vụ việc nghiêm trọng thì chúng ta vẫn phải làm đến cùng, nhưng không lấy đấy là mục tiêu của báo chí, nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến lòng tin của Nhân dân với thể chế đất nước.

Bên cạnh đó, hiện nay với thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin phát triển nên người dân rất nhạy bén, nắm bắt thông tin nhanh nên chỉ cần báo chí có động thái nhỏ là Nhà nước, người dân và DN có thể biết được ngay. Từ đó, báo chí lại càng có vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan... xây dựng cách ứng xử phù hợp, để tránh làm tác động xấu đến tâm lý xã hội.

Phó Chủ tịch CB BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vai-tro-cua-bao-chi-doi-voi-cong-dong-doanh-nghiep.html