Vai trò của 'Ủy ban sáng kiến' trong sáng lập tổ chức tiền thân của Xứ ủy Bắc Kỳ
Đến giữa năm 1935, hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương dần được khôi phục.
Đại hội đại biểu lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (từ ngày 25-7 đến 21-8-1935 tại Moscow) công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đem đến những phấn khởi cho các chiến sĩ cộng sản Việt Nam, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên một bước mới.
Trong số cán bộ gây dựng lại cơ sở Đảng lúc bấy giờ, phần lớn là những chính trị phạm mãn hạn tù hoặc vượt ngục trốn tù ra. Trong đó, có những đảng viên cộng sản từ trước, có cả những người ở các đảng phái cách mạng khác được giác ngộ ở “trường học cách mạng” (trường học nhà tù), đứng trên lập trường giai cấp công nhân, đấu tranh cho lý tưởng cách mạng.
1. Nguyễn Văn Cừ, Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh - những "yếu nhân" đầu tiên thành lập “Ủy ban sáng kiến”
Những cuộc "khủng bố trắng" của thực dân Pháp sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh trong những năm 1931-1934, đã làm cho các cơ sở cách mạng ở Hà Nội và các địa phương ở Bắc Kỳ bị tổn thất nặng nề.
Đến giữa năm 1935, trước sự khủng bố, đàn áp dã man của kẻ thù, như trong Báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư của Đảng tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản đã viết: “Một thời kỳ thất bại nặng nề và đau đớn kế tiếp cao trào [1]. Dưới sự khủng bố của địch, xứ Đông Dương nhỏ bé của chúng tôi đã có hơn 16.000 tù chính trị… Đảng chúng tôi đã bị tổn thất nặng nề. Bộ máy của Đảng bị phá hủy, liên lạc bị đứt mối, các tổ chức tan tành, những chiến sĩ cộng sản ưu tú bị cầm tù. Chỉ còn lại từng người cộng sản hoặc nhóm cộng sản riêng lẻ” [2].
Trước tình hình trên, Trung ương Đảng đã hết sức chú trọng chỉ đạo việc bắt liên lạc, gây dựng lại cơ sở ở Hà Nội và các địa phương.
Tháng 5-1936, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp. Một trong những khẩu hiệu là đòi ban hành luật đại xá chính trị phạm ở Đông Dương. Trước áp lực, Chính phủ Mặt trận Bình dân của Thủ tướng Léon Blum mặc dù không ban hành luật đại xá, nhưng đã ân xá cho nhiều chính trị phạm.
Với những lý luận và kinh nghiệm công tác sẵn có, các chiến sĩ cộng sản được ra tù, tỏa về các địa phương từ Bắc tới Nam, tùy điều kiện và khả năng, hoạt động công khai hoặc bí mật, nửa bí mật.
Giữa năm 1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình, đòi trả tự do cho tù chính trị phát triển mạnh, buộc thực dân Pháp phải ân xá cho nhiều tù chính trị ở Đông Dương.
Cuối tháng 7-1936, khoảng 30 trong số gần 70 tù chính trị ở nhà tù Sơn La được ân xá đợt đầu, số còn lại về đợt sau. Đồng chí Đặng Việt Châu, trong hồi ký “Trường học cuộc đời” viết: “Tôi được về chuyến đầu, còn đồng chí Cây Xoan (Trường Chinh) và Trần Quý Kiên về chuyến sau” [3].
Tháng 8-1936, đồng chí Đinh Xuân Nhạ, Đặng Xuân Khu và hàng trăm tù chính trị khác được trả tự do. Sở Mật thám Hà Nội và các tỉnh, thành khác tuyên bố lệnh quản thúc, rồi cho tù chính trị được trở về quê hương.
Sách Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000) cũng nói về thời điểm này: “Sau khi được trả tự do, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều chiến sĩ cộng sản trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động, như: Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu... Từ nhà tù Sơn La về, có các đồng chí: Đặng Xuân Khu, Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên), Bùi Vũ Trụ...” [4].
2. “Ủy ban sáng kiến” - Cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ
Nửa cuối năm 1936, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh tổ chức họp tại một địa điểm ở Gia Lâm (Hà Nội), bàn kế hoạch khôi phục cơ sở Đảng, thúc đẩy phong trào cách mạng.
Tại cuộc họp, các đồng chí đánh giá tình hình phong trào ở Hà Nội và các vùng lân cận, cho rằng khi chưa đủ điều kiện thành lập Xứ ủy, cần thành lập một tổ chức "làm chức năng của Xứ ủy".
Từ đó, các đồng chí nhất trí thành lập "Ủy ban sáng kiến", do đồng chí Nguyễn Văn Cừ phụ trách, làm việc như một Ban Cán sự Đảng của Xứ ủy Bắc Kỳ - cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội” [5].
Sau khi thành lập, Ủy ban sáng kiến phân công nhau bắt liên lạc với các cơ sở đảng ở nhiều địa phương, khôi phục tổ chức đảng và phong trào cách mạng: Đồng chí Tô Hiệu công tác tại Hải Phòng, Quảng Ninh; đồng chí Hoàng Văn Thụ về các vùng dân tộc thiểu số phía Bắc; các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh, Trần Quý Kiên phụ trách công tác móc nối liên lạc với Trung Kỳ, đồng thời trực tiếp tham gia khôi phục, phát triển các cơ sở đảng ở Hà Nội và các vùng phụ cận.
Ủy ban sáng kiến mở một hiệu buôn bán thực phẩm, lấy tên là “Sống”, tại số 16 phố Hàng Da (Hà Nội) làm địa điểm liên lạc, chắp mối với các nơi, đưa đón tù chính trị [6].
Sau đó, Ủy ban sáng kiến được bổ sung nhiều cán bộ từ các nhà tù được ân xá về, tích cực chuẩn bị cho việc thành lập ban lãnh đạo cấp Xứ.
Năm 1937, Ủy ban sáng kiến tổ chức thành hai bộ phận, một bộ phận hoạt động công khai, một bộ phận hoạt động bí mật. Sau thời gian bị khủng bố, phong trào cách mạng hồi phục mạnh mẽ. Tổ chức đảng ở Hà Nội và một số địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định) được lập lại. Số lượng đảng viên tăng lên, lực lượng của Đảng ngày càng lan rộng.
3. Tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ
Tháng 3-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức được lập lại, gồm các đồng chí: Hoàng Tú Hưu (Hoàng Văn Nọn, Thiết) làm Bí thư [7], Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ) [8].
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm đại diện Xứ ủy đi họp Hội nghị Trung ương (từ ngày 25-8 đến 4-9-1937) và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 9-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức họp tại một căn nhà ở phố Hàng Bột (Hà Nội), bàn biện pháp thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít, chống chiến tranh; tích cực phát triển tổ chức Đảng, lập Xứ ủy chính thức, gồm các đồng chí: Hoàng Văn Nọn, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu, Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang...
Đồng thời, Thành ủy Hà Nội cũng được tái lập, do đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Bí thư. Tham gia Thành ủy có các đồng chí: Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Mạnh Đạt, Tạ Quang Sần, Nguyễn Trọng Cảnh (Trần Quốc Hoàn).
Phạm vi lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội lúc này gồm cả Sơn Tây và Hà Đông.
Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ 25-8 đến 4-9-1937), theo phân công của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo phong trào cách mạng Bắc Kỳ. Đồng chí đã bắt tay ngay vào việc thành lập Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Trung Kỳ (bao gồm các tỉnh Bắc Kỳ và 3 tỉnh Trung Kỳ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Cuối năm 1937, Hội nghị thành lập Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Trung Kỳ khai mạc tại nhà của đồng chí Tô Hiệu (thuê ở phố Hàng Bột, Hà Nội). Hội nghị đặt ra nhiệm vụ khôi phục và phát triển hệ thống tổ chức của Đảng, từ Xứ ủy đến các địa phương, đề ra biện pháp đấu tranh và các hình thức hoạt động công khai, nửa công khai của Đảng.
Tại Hội nghị, Ban Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung Kỳ được bầu, gồm các đồng chí: Thiết (Hoàng Văn Nọn, tức Tú Hưu, nhiều tài liệu chép là Hoàn Văn Nõn), Nguyễn Văn Minh, Tô Hiệu, Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên)... do đồng chí Thiết (Hoàng Văn Nọn) làm Bí thư.
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngay sau khi thành lập lại, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương bắt tay vào xây dựng phát triển cơ sở đảng; vận động quần chúng tích cực chắp mối liên lạc; điều động cán bộ, đảng viên vào các xí nghiệp, nhà máy; về các vùng nông thôn ngoại thành. Thành ủy thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, kết nạp đảng viên mới.
Năm 1938, cơ quan lãnh đạo Thành ủy được kiện toàn: Đồng chí Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ) làm Bí thư; bổ sung 2 đảng viên (Nguyễn Văn Trân, Văn Tiến Dũng) vào Thành ủy” [9].
Lúc này, Trung ương, Xứ ủy và Thành ủy có chủ trương đấu tranh đòi thành lập các hội ái hữu, để họ đoàn kết lại, tranh đấu chống áp bức bóc lột, đòi quyền lợi thiết thực hằng ngày [10].
Nhiều hội ái hữu được thành lập ở Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, các hội ái hữu được Nghiệp đoàn ái hữu trực tiếp chỉ đạo. Phong trào đấu tranh của nhân dân lao động Hà Nội lên rất cao.
Tháng 4-1938, theo quyết định của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương (tháng 3-1938), Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập. Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ giải thể. Xứ ủy Bắc Kỳ được lập lại, đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư.
Từ giữa năm 1938, khi Chính phủ Pháp ngày càng ngả về phía hữu, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương bắt đầu thực hiện chính sách khủng bố những hoạt động dân chủ. Xứ ủy Bắc Kỳ chịu nhiều tổn thất. Ngày 29-12-1938, đồng chí Nguyễn Văn Minh bị bắt tại Hà Nội.
Tháng 5-1939, Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức hội nghị bàn về công tác xây dựng tổ chức Đảng, đặc biệt là ở những địa phương tập trung công nhân, mở rộng huấn luyện chính trị, xuất bản sách, báo.
Tháng 8-1939, Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức hội nghị đại biểu các đảng bộ trong xứ, tại bãi Phúc Xá (Hà Nội), bàn biện pháp tiếp tục mở rộng Mặt trận dân chủ, chuẩn bị đề phòng chính quyền thuộc địa đàn áp.
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ nói chung và vai trò của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh nói riêng, từ buổi đầu là Ủy ban sáng kiến, tổ chức Đảng đã được thiết lập tại 17/29 tỉnh, thành phố ở Bắc Kỳ [11].
Xứ ủy Bắc Kỳ còn chỉ đạo thành lập các đoàn thể quần chúng yêu nước, tiến bộ, như: Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ dân chủ, Đoàn Thanh niên dân chủ, Nghiệp đoàn báo giới Bắc Kỳ, Hội Truyền bá chữ quốc ngữ... tập hợp, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ; lựa chọn các quần chúng tích cực, bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Chính nhờ thành công của công tác xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, trong đó có vai trò của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh, đã chuẩn bị tốt công tác đề phòng, chuẩn bị tình hình xấu diễn ra. Các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Bắc Kỳ đã đóng vai trò chủ chốt trong tái lập cơ quan Trung ương ở giai đoạn sau này.
Như vậy, qua 4 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy ban sáng kiến, với vai trò hạt nhân, nòng cốt ban đầu của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh, đã lãnh đạo tái thiết, xây dựng, tổ chức phong trào cách mạng từng bước đi lên.
Trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra (năm 1939), Đảng đã chuẩn bị một bộ phận rút vào bí mật. Do đó, sau cuộc đàn áp của thực dân Pháp, Đảng đã có thể tập hợp cán bộ và nhân dân chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới, với chiến thuật mới, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, phù hợp với tình hình.
Phong trào (dân chủ 1936-1939) công khai bị thực dân Pháp hạ màn; những quyền lợi của nhân dân vừa giành được bị bọn phản động thuộc địa cướp giật lại. Nhưng, nó đã đẩy cuộc đấu tranh cách mạng tiến lên một bậc, để lại những hạt giống tư tưởng của chủ nghĩa xã hội gieo rắc rộng rãi nhiều nơi, chờ ngày trổ hoa kết quả, mà một cơn mưa gió nặng nề do thực dân Pháp gây ra không thể tàn phá hết được [12].
NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
1. Cao trào 1930-1931, 1932-1935 hay được gọi là thoái trào.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.322.
3. Ngày 16-9-1936, báo Le Travail (Lao Động) ra mắt bạn đọc và đặt trụ sở tại số 28 phố Nguyễn Trãi (nay là Nguyễn Quang Bích (Hà Nội).
4. Sau này là Chánh án Tòa án dân sự, Tòa án Nhân dân tối cao.
5. Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.62.
6. Trần Trọng Thơ, Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với cách mạng Việt Nam những năm 1936-1941, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7-2022, tr.8.
7. Viện Lịch sử Đảng, Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930 - 9/1945), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.273.
8. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, tập 1 (1926 -1945), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.142.
9. Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.70.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.154
11. Xây dựng cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương, Xứ ủy của đảng thời kỳ 1930 - 1945, Sđd, tr.150.
12. Trần Huy Liệu, Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, Quyển thứ hai, tập thượng, Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, 1958, tr.154.