Vai trò và sự đồng hành của báo chí với doanh nghiệp khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Báo chí đóng vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ là cầu nối thông tin mà còn là một phần hỗ trợ phát triển. Báo chí và doanh nghiệp (DN) là mối quan hệ hai chiều, mang tính tương hỗ, trong đó cả hai bên đều có lợi và có trách nhiệm với nhau. Hiện nay, khi đất nước đang vương mình để bước vào 'kỷ nguyên mới', mối quan hệ này càng trở nên gắn kết hơn, cùng đồng hành vì sự phát triển bền vững.

Báo chí - cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, với những cải cách toàn diện về thể chế, số hóa nền kinh tế, cải tổ bộ máy hành chính và hiện đại hóa sản xuất nhằm gia tăng năng suất lao động. Mục tiêu được xác định rõ ràng: vươn lên trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ XXI. Đây là hành trình đầy khát vọng nhưng cũng chất chứa vô vàn thách thức.

Trong hành trình đó, DN chính là lực lượng tiên phong. DN không chỉ là trung tâm tạo ra của cải vật chất, việc làm, và sáng tạo, mà còn là đối tượng được Nhà nước ưu tiên bảo vệ và phát triển. Sự phát triển của đất nước phải bắt đầu từ sự phát triển của DN. Nếu muốn Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, thì trước tiên DN Việt phải vươn ra được thị trường khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, kỷ nguyên mới cũng đồng nghĩa với nhiều biến động: áp lực cạnh tranh toàn cầu, tác động của địa chính trị, chuyển dịch chuỗi cung ứng, xu hướng bảo hộ thương mại, và đặc biệt là sự chống phá từ các thế lực thù địch trong và ngoài nước thông qua thông tin sai lệch, kích động, và bóp méo thực tiễn phát triển. Trong bối cảnh đó, báo chí không chỉ là người đưa tin mà còn là “vệ tinh dẫn đường” của cộng đồng DN, là “cánh tay nối dài” của Nhà nước trong việc đồng hành, hỗ trợ, dẫn dắt DN vượt qua thử thách và khai thác cơ hội.

Trong đó, báo chí củng cố niềm tin và tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, bởi trong kỷ nguyên số, thông tin là tài sản chiến lược. Báo chí chính thống là lực lượng tuyến đầu trong việc định hướng dư luận, bảo vệ giá trị thật và chống lại tin giả. Khi DN hoạt động trong một môi trường thông tin lành mạnh, minh bạch và tích cực, họ có cơ sở để đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Báo chí là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với cộng đồng DN.

Báo chí là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với cộng đồng DN.

Báo chí còn là cầu nối hai chiều giữa Nhà nước và DN, những cải cách thể chế, chính sách phát triển kinh tế vĩ mô cần được lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp một cách kịp thời, rõ ràng và dễ hiểu – đó là vai trò của báo chí. Đồng thời, báo chí cũng giúp Nhà nước lắng nghe DN, phản ánh các rào cản, bất cập trong chính sách hoặc thực thi để có sự điều chỉnh phù hợp.

Báo chí giúp DN nâng tầm thương hiệu và sức cạnh tranh, trong thế giới truyền thông toàn cầu, một DN mạnh không chỉ nhờ sản phẩm tốt, mà còn nhờ năng lực truyền thông và xây dựng hình ảnh. Báo chí giúp DN quảng bá thương hiệu, xây dựng uy tín với đối tác, nhà đầu tư, người tiêu dùng, và cả với chính quyền.

Không chỉ vậy, báo chí còn là kênh thông tin lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bằng việc kể lại những câu chuyện thành công, hành trình vượt khó, báo chí truyền cảm hứng và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng doanh nhân mới, và cho cả những người đang chật vật tìm hướng đi. Vai trò động viên, khích lệ tinh thần ấy có giá trị to lớn trong bối cảnh cần một làn sóng DN đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Báo chí là một dạng “quyền lực mềm” hỗ trợ DN

Có thể khẳng định, trong suốt hành trình phát triển cùng dân tộc, báo chí và DN đã xây dựng được mối quan hệ hai chiều, mang tính tương hỗ, trong đó cả hai bên đều có lợi và có trách nhiệm với nhau, thông qua một số khía cạnh: Quan hệ hợp tác – hỗ trợ, DN cần báo chí để quảng bá thương hiệu, truyền thông sản phẩm, xây dựng hình ảnh, xử lý khủng hoảng truyền thông; báo chí cần DN để có nguồn thông tin để cung cấp cho độc giả và DN cũng là đối tác quan trọng của báo chí trong các hoạt động hợp tác tổ chức sự kiện, tài trợ, quảng cáo...

Quan hệ giám sát – phản biện, ở khía cạnh này báo chí có vai trò giám sát các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các vấn đề về đạo đức, pháp luật, môi trường và DN chịu sự giám sát đó, cần minh bạch, trung thực, đặc biệt khi có khủng hoảng truyền thông; Quan hệ xây dựng hình ảnh - thương hiệu, DN cần báo chí để xây dựng hình ảnh tích cực thông qua các bài viết, phóng sự, talkshow... Báo chí sẽ đóng vai trò định hướng dư luận về thương hiệu và giá trị DN;

Quan hệ dựa trên niềm tin, đạo đức nghề nghiệp, mối quan hệ này chỉ phát triển bền vững khi cả hai bên tôn trọng sự thật, minh bạch, giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Nếu báo chí thiếu khách quan, hoặc DN thao túng truyền thông, mối quan hệ này dễ dẫn đến hệ quả tiêu cực; Ngoài ra, báo chí và DN còn có mối quan hệ cạnh tranh – chọn lọc bởi DN trong thời đại số hiện nay có nhiều lựa chọn truyền thông, không chỉ báo chí truyền thống mà còn mạng xã hội, KOLs, influencer... Do đó, báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung, giữ uy tín để duy trì được mối quan hệ với DN.

Báo chí cũng cần phải đổi mới và thích ứng với thời đại cộng nghệ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của cộng đồng DN và người dân.

Báo chí cũng cần phải đổi mới và thích ứng với thời đại cộng nghệ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của cộng đồng DN và người dân.

Câu chuyện thành công của Hàn Quốc trong vài thập niên qua là ví dụ tiêu biểu, cho việc sử dụng truyền thông và báo chí như một loại “soft power”. Thương hiệu quốc gia Hàn Quốc được lan tỏa mạnh mẽ qua làn sóng văn hóa Hallyu – từ các nhóm nhạc đình đám như BTS, BlackPink, đến các biểu tượng văn hóa đại chúng như Gangnam Style, phim ảnh, ẩm thực, mỹ phẩm…

Bên cạnh đó là sự hậu thuẫn truyền thông cho các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte, giúp nâng tầm thương hiệu và củng cố vị thế cạnh tranh toàn cầu. Dù chất lượng sản phẩm không vượt trội hơn quá nhiều so với các quốc gia khác, nhưng Hàn Quốc đã thành công nhờ chiến lược truyền thông khôn khéo, bài bản và kiên định.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này: không chỉ phát triển kinh tế dựa trên năng suất, chi phí, mà cần xây dựng hình ảnh quốc gia và doanh nghiệp thông qua sức mạnh báo chí và truyền thông. Đây chính là vũ khí cạnh tranh trong thời đại kinh tế cảm xúc và truyền thông lan tỏa.

Báo chí Việt Nam cần “chuyển mình” để đáp ứng kỳ vọng

Nếu muốn thực sự trở thành “vệ tinh dẫn đường” cho DN, báo chí Việt Nam cần tự làm mới chính mình. Không chỉ dừng lại ở vai trò đưa tin, phê phán hay tường thuật, báo chí cần chuyển sang mô hình đồng hành và kiến tạo, bao gồm: Hiểu DN hơn, lắng nghe sâu hơn, mỗi phóng viên, biên tập viên cần tăng cường tiếp cận doanh nghiệp thực tế, hiểu môi trường kinh doanh, ngôn ngữ thị trường và bối cảnh quốc tế để đưa tin chính xác, chuyên sâu và gợi mở giải pháp.

Chủ động lan tỏa giá trị tích cực, thay vì chạy theo giật gân, tiêu cực: Việc báo chí tập trung khai thác khía cạnh tiêu cực mà thiếu góc nhìn xây dựng khiến hình ảnh DN và môi trường kinh doanh bị bóp méo. Báo chí nên dẫn dắt tinh thần cải cách, thay vì chỉ phê bình; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ truyền thông mới: Trong thời đại AI, Big Data, báo chí không thể đi sau. Báo chí cần biết phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng, tương tác đa nền tảng, và đưa thông tin cá nhân hóa, chuyên biệt hơn tới từng nhóm độc giả doanh nghiệp.

Tóm lại, báo chí không còn là người đứng bên lề quan sát doanh nghiệp, mà là bạn đồng hành thiết yếu. Sự phát triển của DN trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số, kỷ nguyên hội nhập sâu rộng và kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo – phụ thuộc phần lớn vào khả năng thích ứng thông tin, xử lý truyền thông, và kể câu chuyện giá trị.

Báo chí là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước, là “vệ tinh dẫn đường” cho DN, là người bảo vệ lẽ phải trong môi trường thông tin và là kiến trúc sư của niềm tin xã hội. Trong giai đoạn Việt Nam bứt phá để trở thành nước phát triển, không thể thiếu vai trò chủ lực của báo chí cùng DN. Báo chí không chỉ là người đưa tin – mà là người kiến tạo tương lai nói chung, người đồng hàng cùng DN trong kỷ nguyên mới nói riêng.

TS Trần Xuân Lượng – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vai-tro-va-su-dong-hanh-cua-bao-chi-voi-doanh-nghiep-khi-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi.673094.html