Văn chương không phải là cuộc chơi hay cuộc đua
Nhà văn Trần Thùy Mai gây ấn tượng với độc giả, trong đó có tôi, với những truyện ngắn trước hết xuất hiện trên các tờ báo uy tín, sau rồi đứng chung trong những tập truyện ngắn của bà, như 'Thập tự hoa', 'Thị trấn hoa quỳ vàng', 'Trăng nơi đáy giếng', 'Thương nhớ hoàng lan'... Nhiều truyện ngắn trong các tập sách này đã từng được dựng thành những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn.
Có thể nói, trong số những tác giả văn chương xuất hiện từ thời kỳ Đổi mới đến nay, Trần Thùy Mai là một giọng điều khó lẫn, nếu không muốn nói bà đã tạo ra một giá trị thẩm mỹ qua những sáng tác của mình. Không chỉ viết truyện ngắn, dấu ấn của Trần Thùy Mai để lại ngay trong tiểu thuyết đầu tay “Từ Dụ thái hậu” xuất bản năm 2019.
Cú rẽ sang viết tiểu thuyết của bà cũng khiến nhiều độc giả bất ngờ. Vậy nhưng, ngay từ bộ sách dày gần 1.000 trang này, Trần Thùy Mai tiếp tục khẳng định sự “chung thủy” với đề tài lịch sử. Có một điều thú vị, nếu những truyện ngắn nổi tiếng của bà được viết trong không gian của Huế, thì bộ tiểu thuyết đầu tay được ra đời trong một không gian hoàn toàn khác. Đó là San Francisco (Mỹ) - nơi bà đang sống cùng chồng. Và điều vui, “Từ Dụ thái hậu” đã được trao giải Sách Hay năm 2020; và cũng trong năm đó, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhất cho tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu”.
Với tôi, văn chương là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc nhưng đây không phải là công việc khiến tôi mệt mỏi, vì đó là niềm yêu thích của tôi. Văn chương cho tôi thêm nhiều bạn bè, nhất là những người bạn gái, họ đến và kể cho tôi nghe những tâm tình của họ… Tôi không bao giờ chán nản hay bỏ cuộc, vì tôi không quan niệm văn chương là cuộc chơi hay cuộc đua, nó là một phần tình yêu và niềm vui sống. Dù biết viết văn là một lao động phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, nhưng mình không thể từ bỏ nó, như không thể từ bỏ niềm vui sống của mình.
Tháng 1/2023, nhà văn Trần Thùy Mai tiếp tục ra mắt tiểu thuyết lịch sử "Công chúa Đồng Xuân" hơn 700 trang, với hai tập chia làm 66 chương.
Nhiều người viết đã từng xác định, văn chương là một cuộc chơi. Với Trần Thùy Mai thì không. Văn chương, với bà, là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc, nhưng nó là một phần tình yêu và niềm vui sống…
* Truyện ngắn là thể loại có kích thước nhỏ nhưng dung lượng lớn, một kiểu “nén”, bởi mỗi lần viết một truyện chỉ vài ngàn chữ là phải bắt đầu một thế giới mới. Bởi vậy một nhà văn đã nói: “Khi có nhiều thời gian, tôi viết truyện ngắn, khi có ít thời gian, tôi viết tiểu thuyết”. Tuy vậy khi cầm bút viết cuốn “Từ Dụ thái hậu” - tiểu thuyết đầu tay của mình, tôi hiểu đó chỉ là một cách nói thôi. Bởi tôi đã viết “Từ Dụ thái hậu” cật lực trong 2 năm. Trong đời viết văn của tôi, chưa bao giờ tôi bỏ sức nhiều và lâu như thế. Viết tiểu thuyết đòi hỏi một cách làm việc khác hẳn, phải nuôi dưỡng cả cảm hứng và cả sự kiên trì.
* Trong truyện ngắn, tôi chọn viết về những gì tôi đã biết, đã cảm xúc và nếm trải. Mỗi truyện là một lát cắt của cuộc sống, tác giả có thể dễ dàng lướt qua những gì mình không biết, không thích. Trái lại trong tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết lịch sử, không thể như thế được. Cái gì mình không biết thì phải tìm hiểu cho đến khi biết thật tường tận. Ví dụ đến đoạn nhân vật nam bắn cung thì người viết phải tìm hiểu về cung đạo, nhân vật nữ được tuyển vào hầu vua thì người viết phải tìm hiểu về luật lệ tiến cung. Về nhân vật có thực, phải tìm đến quê quán, lăng mộ, tìm hiểu qua những giai thoại trong dân gian quanh vùng.
* Lịch sử, đặc biệt là lịch sử các vương triều ở Huế, là đề tài tôi muốn viết từ lâu. Trong chính sử, các sử gia thường ghi rất sơ lược về nhân vật, thậm chí có những phần bị giấu nhẹm, nhưng qua những dòng chữ còn lại đó ta có thể thấy những số phận, những tình cảnh rất con người. Tôi muốn phục dựng lại những chỗ bị lướt nhòa đó bằng cách bổ sung những giai thoại trong dân gian, trí tưởng tượng và suy lý lịch sử. Tôi cho rằng trong lịch sử luôn có những bài học lặp đi lặp lại, những câu chuyện nhân văn rất gần gũi với con người hiện tại.
* Tiểu thuyết lịch sử vẫn là tiểu thuyết, mục đích chính của nó không phải là tranh giành công việc của nhà sử học. Văn học vẫn luôn là Nhân học: tiểu thuyết lịch sử nêu lên một phát hiện, một suy ngẫm về con người. Tuy nhiên, tiểu thuyết lịch sử làm khơi dậy sự hứng thú tìm hiểu về lịch sử. Câu chuyện về Từ Dụ thái hậu trước hết là một chuyện về tình yêu, sự bao dung và lòng dũng cảm. Câu chuyện đó có thể chia sẻ với người đọc một thông điệp mang tính nhân văn, đồng thời làm dậy lên niềm hứng thú muốn tìm hiểu về một phần của lịch sử nước nhà. Từ Dụ thái hậu đến kinh đô dưới thời Gia Long Hoàng đế và mất vào đời vua Thành Thái, vị chi sống qua mười đời vua, cuộc đời bà cũng chính là câu chuyện của phần lớn triều đại nhà Nguyễn. Qua góc nhìn từ hậu cung, người đọc thấy được một giai đoạn nhiều sóng gió, nhìn nhận lại về vai trò và phẩm chất của những vị vua : Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…
* Từ Dụ Thái hậu là bà Hoàng được trọng vọng nhất trong các hậu phi của triều Nguyễn. Đúng như tên hiệu Từ Dụ, cả cuộc đời vị Thái hậu này là một câu chuyện của tình thương và sự bao dung. Từ một cung tần non trẻ bước vào chốn cung đình, bị giằng xé giữa những âm mưu, bà đã vượt qua sóng gió để đạt đến ngôi vị vinh quang nhất. Điều vinh quang hơn nữa, bà luôn có được tình yêu và sự kính nể của hai vị vua: vua chồng và vua con, Hoàng đế Thiệu Trị và Hoàng đế Tự Đức.
* Tôi có 10 năm giảng dạy môn Văn học ở Trường Đại học sư phạm Huế, mỗi mùa hè nhiệm vụ của tôi là dẫn sinh viên đi vào các làng mạc để sưu tầm dân ca và chuyện kể dân gian. Sau đó lại thêm 10 năm chuyển sang làm việc ở NXB Thuận Hóa, được tham gia in lại một số bộ sử của triều Nguyễn. Những gì thu thập được trong hai giai đoạn đó giúp tôi tạo một cái nền sự kiện để xây dựng câu chuyện đời bà Từ Dụ. Đề tài này là một phần của hình ảnh Huế mà tôi luôn mang theo trong tâm tưởng lúc đi xa.
Khi viết “Từ Dụ thái hậu”, tôi có đọc nhiều bộ sử triều Nguyễn như: “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam Hội Điển sự lệ”, các nguồn tư liệu bổ sung như tập san “Những người bạn của Cố đô Huế”, gia phả Nguyễn Phước tộc, gia phả họ Trương, họ Phạm…). Đồng thời tôi cũng đọc thêm các giai thoại truyền tụng quanh vùng Huế và Gò Công (quê hương của bà Từ Dụ), trong đó có một số giai thoại đã ghi trong sưu tập của các nhà nghiên cứu Huế…
* Trí tưởng tượng là điều vô cùng quan trọng. Dựa trên sự kiện và lời nói được ghi chép mà suy đoán và phục dựng lại tính cách, nội tâm của từng nhân vật…
Sử liệu vê các triều vua ở Việt Nam thường rất đơn sơ, bởi bị mất mát nhiều qua chiến tranh và các lần thay đổi triều đại. Các bộ sử triều Nguyễn là còn lại đầy đủ nhất. Tuy vậy đã là sử thì phải chính xác nên chỉ có thể dừng lại ở những ghi chép tương đối khô khan. Vì vậy Alexandre Dumas - nhà văn Pháp, tác giả “Ba người lính ngự lâm” và nhiều bộ truyện lịch sử khác - đã nói: “Lịch sử chỉ là những cái đinh để tôi treo những bức tranh của tôi”. Những bức tranh ấy đến từ trí tưởng tượng của nhà văn: Chúng làm cho sự kiện buồn tẻ trở thành những đoạn phim sống động, biến nhân vật lịch sử thành những con người với nội tâm sâu thẳm, khiến người đọc có thể thấy chính mình trong câu chuyện.
* Làm sao cho tuổi trẻ hứng thú tìm hiểu những nhân vật, những bài học trong sử nước nhà, đó là trách nhiệm của các nhà văn hóa. Các nhà văn, nhà làm phim cần phải góp tay vào việc đó, nếu không thì khó mà trách tại sao nhiều thanh thiếu niên của mình thuộc làu làu những chuyện về Đường Cao Tổ, Võ Tắc Thiên, mà biết rất lờ mờ về Hai Bà Trưng hay Quang Trung - Nguyễn Huệ. Do vậy, khi viết tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” tôi đã cố tránh những từ ngữ cổ, những từ Hán Việt (tất nhiên có cân nhắc giữ lại một số từ cần thiết, để phù hợp với cung cách ăn nói của người xưa). Tôi cố gắng viết bằng ngôn ngữ mà bạn đọc trẻ có thể hiểu và cảm nhận được một cách dễ dàng, qua đó tôi rất muốn hướng tác phẩm của mình đến các bạn đọc trẻ.
* Những cuộn xoáy trong cuộc đời cầm bút của mỗi người, có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ thôi: một mối tình, một chuyến đi, gặp gỡ một người bạn hay đọc được một cuốn sách mang tính khai ngộ. Tóm lại là một điều gì đó làm cho mình thích sống và viết hơn bao giờ hết.
* Với tôi, văn chương là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc nhưng đây không phải là công việc khiến tôi mệt mỏi, vì đó là niềm yêu thích của tôi. Văn chương cho tôi thêm nhiều bạn bè, nhất là những người bạn gái, họ đến và kể cho tôi nghe những tâm tình của họ… Tôi không bao giờ chán nản hay bỏ cuộc, vì tôi không quan niệm văn chương là cuộc chơi hay cuộc đua, nó là một phần tình yêu và niềm vui sống. Dù biết viết văn là một lao động phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, nhưng mình không thể từ bỏ nó, như không thể từ bỏ niềm vui sống của mình.
* Thế hệ của tôi đã mất nhiều thời gian trong con đường sáng tác. Năm 22 tuổi tôi còn là một cây bút bắt đầu viết, chỉ nghĩ đến việc được đăng là vui. Mà trong 10 năm sau chiến tranh, văn chương thường viết quanh mấy đề tài: lao động, sản xuất, chiến đấu. Toàn những “món” không phải sở trường...
Hồi đó tôi viết về cái nghèo và nỗ lực của con người để thương yêu nhau trong cảnh nghèo. 20 năm sau tôi chọn viết về khát vọng sống của con người vượt qua những thành kiến xã hội. Tôi cho rằng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc là điều mà ai cũng quan tâm. Khát vọng đó thể hiện dưới nhiều hình ảnh khác nhau, mà tình yêu là một dạng thể hiện gần gũi và dễ cảm nhận nhất. Viết về cái gì thì bắt đầu cũng là từ thương yêu, và kết thúc là thương yêu. Cả đời cầm bút, tôi viết nhiều đề tài, cách viết theo thời gian có thể khác đi, nhưng xu hướng đó thì không thay đổi.
* Phân biệt nhà văn chuyên nghiệp với nhà văn không chuyên là một việc khó khăn và cũng không cần thiết mấy. Cái quan trọng là tác phẩm được người đọc đón nhận hay không mà thôi.