Ván cờ thả bên kia sông

Hôm ấy là lưng lửng buổi, gặp lúc gió mát trời trong đò thư thái vắng, ở bến sông Cồn Rạng, có ba người hớn hở sang ngang với một 'ván cờ' thả bên kia sông.

Câu chuyện của chúng ta hôm nay được kể vào một buổi trưa.

“Đăng Đàn quán” không nhân viên và vắng khách.

Gọi là “vắng” cho oai chứ thực chất không có mống nào. Còn nhân viên dọn dẹp tổng hợp là mụ Sò - mẹ chồng Đàn - thì cũng đã bảo cách đây hơn tuần: Từ rầy chúng bay tự đi mà quét tước, lau dọn. Tao còn phải về cơm nước cho thầy mày chứ cứ để lão ấy suốt ngày ngoài đầm với tre pheo, chim cò, ăn sương nằm gió, mặt rúm như tã chó, nhìn y con ma nước…

Mụ Sò đã nói là làm.

Thế là từ tuần trước, quán chỉ còn có Đàn tổng chỉ huy trên mọi mặt trận. Đăng làm văn thư kiêm phát thanh viên đài truyền thanh xã, giờ Nhà nước, chốc dắt xe đi nhát dắt về, thoắt ẩn thoắt hiện không biết đâu mà lần. Sau đợt nhận giấy khen của huyện về phong trào xã hội hóa truyền thông và lên tivi tỉnh mục điển hình tiên tiến lại càng bấn tợn, thường có mặt ở nhà chỉ đúng giờ ăn.

Thế nên câu chuyện của chúng ta, nếu muốn xuất hiện đủ các nhân vật thì phải kể vào buổi trưa.

Lúc ấy, Đăng đang nằm thẳng cẳng trên dãy năm cái ghế, xếp hàng ngang chắn giữa lối vào quán, mồm vừa dứt câu dạo này sao tự yên mất ngủ thì đã ngáy như công nông chở đá hộc leo dốc đê mùa lũ. Đàn ngồi góc quầy thu, dựa lưng vào tường, mắt cứ nhắm vào một tí lại mở choàng ra, hóng về phía cửa, kiểu như chờ ai, nhưng cũng chỉ được dăm lần rồi tịt hẳn.

Yên ắng một lúc lâu.

Tận đến lúc bên ngoài có tiếng xe máy đỗ, chân chống gạt đánh “uỵch”, rồi người từ đâu bổ nhào vào, vấp phải quãng ghế chắn đâm chúi xuống, cùng với tiếng kêu “Ối giời ơi!” là tiếng ghế đổ thì Đàn mới giật nảy mình. Mở mắt được ra đã thấy ghế trên, người dưới, không bò dậy được như bọn ngã thường, đành rên rỉ, bảo cứu với, kiểu này gãy xương sống rồi. Người vừa vào cũng ngã, nhưng đè lên đống ghế, nghe chừng cáu lắm, quát dập thôi, gãy làm sao được. Mà giường chiếu đàng hoàng không ngủ, tự dưng bắc ghế giữa nhà, nằm lù lù một đống như mả thằng ăn mày như này, không đâm vào mới lạ…

Người quát ấy là Thanh, anh trai Đăng, vừa ra ngoài huyện làm nhiệm vụ đặc biệt về. Người Thanh lấm đầy bùn đất vì đường miền núi toàn đất, cát với ổ trâu.

Đàn xớn xác xốc nách Thanh kéo lê về phía quầy bảo bác ngồi tạm. Hôm nay nóng quá, trong nhà cứ phải bật quạt. Chúng em ra đây đợi bác, vừa thông gió, vừa trông quán, lại đỡ tốn tiền điện. Rồi sực nhớ ra, vơ lấy cái đĩa nhựa để trên mặt quầy quạt lấy quạt để vào mặt Thanh, hỏi bác có nóng không, bác uống gì em lấy? Cafe hay chanh đá? Thanh cau có gạt cái quạt đĩa, vuốt lại tóc, gắt phê pha đá đấm gì? Thím bật cái máy lạnh lên! Quán xá gì như cái lò tôn. Làm ăn cò con kiểu nông dân cày ruộng trũng thế này bao giờ mới tiến được lên làm người?

Trong khi Đăng - lúc này đã bò dậy được, vừa chân lê chân rệt đi về phía cái quạt cây, bật số to nhất, cho thốc thẳng vào mặt Thanh thì Đàn sụt sùi phân trần, bảo nào em muốn thế, nhưng dạo này ế quá, cả ngày ngồi vêu mõm chờ khách như ăn mày chờ phát chẩn, tiền đâu mà nuôi máy lạnh hả bác? Chúng em sắp chết toi rồi…

Thanh giơ tay trấn, bảo chú thím bình tĩnh! Hôm nay tôi ra huyện cũng là vì việc ấy. Đàn thôi khóc, đổi thành hớn hở bảo quên quên, tình hình như nào rồi hả bác? Em thật, nhà mình chỉ có bác khôn cạnh sắc rìa, xin bác vạch đường chỉ lối… Thanh chừng tâm đắc với câu khen, gật gù bảo cứ bình tĩnh. Làm cái gì cũng phải có kế hoạch, có lộ trình. Tôi đã tính hộ chú thím cả rồi. Nhưng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Lúc cần bài nào là giở phát ra ngay, tránh tình trạng trở tay không kịp.

Đăng, Đàn cùng lúc sán đến, đồng thanh hỏi giở như nào, bác chỉ em với!

Thanh kéo cái bàn, rút trong cặp ra cuốn sổ giắt cây bút, cẩn trọng nhìn quanh một lượt. Đàn nhanh ý hiểu ngay, bảo bác yên tâm, sáng giờ quán em chưa có mống khách nào. Thanh gật, cái này nhất thiết phải bí mật, càng trước sau không thấy bóng người càng hay. Tôi lập kế hoạch cụ thể đây cả rồi, tạm gọi là “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, chỉ người trong nhà biết với nhau thôi, không được hở ra ngoài. Giờ tôi nói cho chú thím nghe, buôn bán quán xá kiểu năm xu một xèng mà mật ít ruồi nhiều như này mục kiếp mới giàu. Mà giàu được thì mục kiếp chú thím cũng chỉ là tầng lớp nhân dân phục vụ, gọi dạ bảo vâng với cả đứa trẻ con. Tầng lớp ấy người ta gọi là dưới đáy xã hội đấy! Đàn nghe đến đây vội vã chen ngang, bảo chuẩn rồi, là dưới đáy. Bây giờ chúng em muốn lên được giai cấp trên đỉnh, vừa giàu vừa sai thì làm thế nào? Thanh ngạc nhiên, thắc mắc sao lại “vừa giàu vừa sai”, thím có nhầm không đấy? Đàn lắc, nhầm sao được hử bác? “Sai” ở đây là sai bảo được mọi người! Thanh hiểu ra, gật gù khen thím xác định mục tiêu rõ ràng như thế là tốt. Giờ nghe tôi phân tích nhá! Còn hơn năm nữa là đến kỳ bầu cử HĐND các cấp, tôi kiểu gì cũng phải lên Phó Chủ tịch (cây bút bi trong tay khoanh một vòng, viết chữ “Phó Chủ tịch” như gà bới vào góc phải). Vậy là chân Trưởng ban Văn hóa xã sẽ trống (viết tiếp “Trưởng ban Văn hóa” vào góc trái sau đó gạch chéo). Chú Đăng từ văn thư sẽ phải thế vào (viết chữ “văn thư” rồi đánh mũi tên xiên vào chỗ vừa gạch). Đây chính là kế hoạch dài hơi, nhằm tạo thế chân vạc, đưa người nhà mình lên làm cán bộ. Tôi với chú Đăng là hai chân. Chân thứ ba có thể là mụ nhà tôi, hoặc thím Đàn…

Đàn nghe đến đấy, càng hớn hở tợn, giơ tay bảo em xung phong ra làm thủ quỹ, em chỉ thích giữ tiền. Thanh bảo cái ấy cứ hượm đã, giờ mình tính chuyện bằng cấp trước. Nói chú thím biết, làm cán bộ không phải cứ thích là được. Phải có bằng cấp. Có nghĩa là phải đi học đấy. Đăng giật mình bảo em bao năm không động đến sách vở, quên vãn chữ rồi. Đàn cũng tái mặt hỏi thế làm thủ quỹ chỉ việc đếm tiền cũng phải đi học à...

Rồi ỉu dần, de mông ngồi xê ra xa, tận ngoài mép ghế.

Thanh chừng thông cảm, quay sang an ủi, bảo không lo. Tôi định liệu hết cả rồi. Cái chức sắp tới của chú chỉ cần bằng trung cấp thôi. Học cấp tốc ở chỗ tôi dạo trước, vài tháng là xong. Đơn giản ấy mà. Đăng vẫn băn khoăn hỏi đơn giản thế nào? Có phải chép bài, làm bài tập không? Nếu phải thì thôi. Ngày xưa đi học em có bao giờ chép bài đâu, viết mỏi tay lắm. Thanh nhìn quanh lượt nữa rồi ghé sát xuống, che mồm, thì thào bảo quan trọng nhất là ngồi có mặt. Cũng nên ghi chép vài chữ cho người ta khỏi để ý nhưng không phải làm bài tập về nhà, không phải thi cử gì sất. Có nghĩa là người ta lo cho mình tuốt. Chỗ này uy tín lắm, còn có cả bảo hành và liên thông. Nghĩa là có bằng xong rồi, ý định mình dùng bằng ấy vào việc gì cứ nói, họ lại chỉ lối cho mà đi, không sợ lạc đường. Kiểu như một cửa một dấu ấy… Nhưng muốn thế thì phải đầu tư…

“Nhiều tiền không anh?” - Đăng lo lắng, nhìn quanh, chừng xem có cái gì đáng giá.

Thanh cáu, quát ầm lên, tôi nói cho chú biết, cửa này, tôi đi trước nên mới rõ như thế. Chứ đầy đứa có tiền mà không biết lối kia kìa! Chú thử nghĩ xem nếu ngày xưa tôi không mạnh dạn đầu tư vụ bằng cấp thì có tôi ngày hôm nay không? Hôm nọ, gặp ngoài bến, chú hỏi tôi đã làm Trưởng ban Văn hóa xã rồi còn đi học làm gì nữa, tôi thực chán không muốn trả lời. Đầu chú nảy số đi, học ngày xưa là học sơ cấp, trung cấp, học giờ là đại học, là cao cấp, có thế rồi mới làm chủ tịch, mới ra huyện, lên tỉnh được. Đấy gọi là kế hoạch dài hơi, là tầm nhìn chiến lược, là muốn tiến hóa thành người…

Đăng im thít…

Đàn nghe phân tích đến đây, chừng hiểu ra, cũng gắt theo, anh mau tiến hóa thành người đi, thiếu thì vay. Đầu tư này là hiệu quả nhất, không buôn bán nào bằng đâu! Thanh khen thím nhạy bén đấy! Nếu đã xác định thì nộp tiền giữ chỗ luôn! Nay tôi ra huyện gặp người ta, chỗ thân tín, cũng đã nói qua tình hình của chú. Vừa hay có mấy lớp sắp mở. Học giờ, sang năm dùng bằng là vừa…

Rồi lại ghé sát xuống, hạ giọng, bảo để tôi nói cho mà nghe, mình cứ lên dần dần, theo đúng quy trình, cứ bắt đầu từ cán bộ xã là thuận nhất…

*

“Thầy phán đền Thông cũng bảo đúng 8 giờ là đẹp nhất, làm việc gì cũng thuận!”.

Đàn vừa nhìn chằm chằm cái đồng hồ quả lắc trên tường vừa lẩm bẩm. Đăng gắt biết rồi, giờ ấy là giờ quan văn đi tuần, hợp với hướng mình cầu làm Trưởng ban Văn hóa. Rồi he hé cái bọc vải nãy giờ vẫn ôm khư khư trong lòng, vừa nhòm vừa hỏi Đàn phong bì đâu, chuẩn bị chưa? Chỉ có một cái thôi hử? Đàn gắt lại, bảo không nhớ à? Bác Thanh bảo giang sơn thu về một mối thôi. Chỗ ấy người ta lo một mạch…

Tiếng chuông đồng hồ thong thả điểm tiếng đầu tiên. Đàn giật mình, kêu toáng lên đến rồi, đến rồi! Đăng vội vã mở cái túi, dốc ngược. Mấy tập tiền rơi xuống. Hai vợ chồng đếm ngược đếm xuôi mấy lần, lấy máy tính cộng đi cộng lại, hỏi nhau đủ chưa, để đếm lại lần nữa… nhộn cả lên.

Khi cho mớ tiền vào phong bì, thè lưỡi dán nước bọt xong thì chuông đồng hồ lại thong thả điểm. Ấy là báo đã mất 15 phút. Đàn giục nhanh lên, đi hơn về kém, các cụ đã bảo rồi. Đăng bảo hượm đã, có phải ghi gì ngoài phong bì không? Đàn sực nhớ ra, ừ nhỉ, tí quên. Phải ghi tên họ mình, địa chỉ, điện thoại với ghi các khóa học chứ. Nhưng để chốc bác Thanh bác ấy ghi cho, chữ anh xấu, lại toàn sai chính tả!

Giờ cứ ra bến đã…

*

Bến ở đây chính là bến đò Cồn Rạng. Phải qua sông mới sang được huyện. Các lớp Đăng đăng ký học ở bên ấy cả.

Lúc này là lưng lửng buổi. Gió mát trời trong, đò thư thái vắng, chỉ có ba người hớn hở sang ngang. Thanh bảo sáng giờ chẳng làm được việc gì, toàn ngồi chờ giờ. Việc lớn chưa xong, ăn cái gì cũng không ngon, ruột gan cứ sôi ùng ục. Nhưng cứ nghĩ tầm này sang năm, toàn người nhà mình trấn thế chân vạc ở Cồn Rạng cũng đủ no rồi, chú thím ạ!

Mấy tiếng “chú thím ạ!” chốt cuối câu rơi vào im lặng.

Đăng, Đàn không trả lời vì cả hai đang chúi đầu vào mấy dòng chữ vừa ghi trên phong bì. Đàn bảo học lắm lớp nhỉ? Đăng nhăm nhăm cầm cuốn sổ với cây bút bảo lại chả thế! À mà đi học phải mua cặp sách với cái gì nữa?

Đàn đang mải nâng thử xem cái phong bì nặng nhẹ thế nào nên Đăng phải hỏi đến câu thứ hai mới giật mình trả lời học hử, mua vở. Đăng cắm cúi viết, rồi lại ngẩng lên bảo vở ô li cho dễ viết nhá! Đàn cau mặt gắt dở hơi à? Mua sổ! Bìa đen cho nó sang. Cả thước kẻ…

Đăng gật gù, lại chép. Rồi sực nhớ ra, hớn hở bảo này hay mua tẩy với bút chì. Viết sai thì tẩy luôn. Cho nó sạch…

Lần này không thấy đồng ý hay phản đối vì người được hỏi đang mơ màng nhìn sang bên kia sông, mồm lẩm bẩm: “Bao giờ em được ra xã làm thủ quỹ nhỉ? Lúc ấy đầy tiền…”

*

Hôm ấy là lưng lửng buổi, gặp lúc gió mát trời trong đò thư thái vắng, ở bến sông Cồn Rạng, có ba người hớn hở sang ngang…

Truyện ngắn của NGUYỄN HẢI YẾN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/van-co-tha-ben-kia-song-383516.html