Vẫn còn lúng túng trong định giá đất

Ngày 14-6, Báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo 'Định giá đất: Đúng và đủ', với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ TN-MT, Sở TN-MT TPHCM, các chuyên gia kinh tế và một số doanh nghiệp bất động sản khu vực Nam bộ.

Tại hội thảo, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng tiền sử dụng đất, chi phí thực tế khi doanh nghiệp phát triển đất làm dự án bị bỏ quên trong dự thảo Nghị định quy định về giá đất, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.

Theo ông Nghĩa, hiện có tình trạng dự án bị tắc do không có đơn vị tư vấn: "Tại sao không chọn được đơn vị tư vấn? Cần tháo gỡ chỗ này để tìm ra đơn vị tư vấn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan Nhà nước".

Ngoài ra, liên quan tiền sử dụng đất, ông Nghĩa nhấn mạnh sự thường xuyên phát sinh mâu thuẫn, ở chỗ cơ quan Nhà nước luôn tìm cách làm sao cho doanh thu ở mức lớn nhất, chi phí thấp nhất để ra tiền sử dụng đất lên cao nhất; ngược lại, doanh nghiệp chứng minh chi phí hợp lệ, doanh thu phù hợp. Hai bên ngược nhau dẫn đến đơn vị tư vấn không giải quyết được vấn đề.

 Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, phát biểu ý kiến tại hội thảo

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, phát biểu ý kiến tại hội thảo

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đến nay, dù các cơ quan chức năng cố gắng, song ước tính vẫn còn hơn 58.000 sổ hồng chưa được cấp khiến người dân không yên tâm, chủ đầu tư không thu được 5% số tiền còn lại của hợp đồng; thị trường không giao dịch được và thậm chí phát sinh những giao dịch ngầm...

Trong 6 nhóm nguyên nhân khiến việc cấp sổ hồng vướng mắc thì dẫn đầu là do tắc ở khâu định giá đất. Nghị định 44/2014 của Chính phủ quy định về giá đất đã quy định các phương pháp định giá đất. Tuy nhiên, thực tế các tiêu chí để thực hiện định giá đất bị vướng. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 44 nhưng vấn đề then chốt mà Hiệp hội góp ý vẫn chưa được đưa vào về định giá đất.

 Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN-MT chia sẻ thẳng thắn những thiếu sót của hệ thống quy định liên quan giá đất. Ông cho biết, trong quá trình sửa đổi từ Nghị định 44 tới Nghị định 10, Nghị định 12 và đến nay - khi soạn thảo quy định Nghị định về giá đất, Bộ TN-MT rất nỗ lực, cố gắng bám sát thực tế. Tuy nhiên, "mũ" là Luật Đất đai vẫn chưa xử lý hết nên thực tế, quy định vẫn còn nhiều bất cập.

Đơn cử, quá trình tính giá đất, vẫn còn tình trạng lúng túng trong việc chọn phương pháp định giá. Cùng với đó, lực lượng thực hiện còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Các đơn vị tư vấn không dám làm vì cơ sở dữ liệu yếu, nhân lực mỏng... dẫn đến kết quả cuối cùng không khách quan, trung thực.

 Huyện Củ Chi, vùng ngoại thành TPHCM còn quỹ đất nông nghiệp rộng lớn

Huyện Củ Chi, vùng ngoại thành TPHCM còn quỹ đất nông nghiệp rộng lớn

Theo ông Nguyễn Đắc Nhẫn, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về giá đất, hướng dẫn thi hành luật Đất đai 2024, Bộ TN-MT đã đồng hành rất sát cùng các bộ, ngành nhằm xử lý các vấn đề đang tồn tại. Trong đó, phương pháp định giá đất đã được đưa vào luật, cụ thể trường hợp nào áp dụng phương pháp nào, điều kiện nào... giúp các đơn vị không còn lúng túng; các số liệu đầu vào, chất lượng, tính trung thực cũng được hướng dẫn đầy đủ.

Ngoài ra, các quy định về hội đồng thẩm định giá đất được bổ sung chi tiết, bao gồm đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng làm công tác định giá đất; tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo định giá viên...

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-con-lung-tung-trong-dinh-gia-dat-post744580.html