Vận động hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác hội

Xác định việc tập hợp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ các tôn giáo tham gia tổ chức hội là một trong những nhiệm vụ then chốt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đã đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, thu hút chị em tích cực tham gia hoạt động, qua đó góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Nhờ được tạo điều kiện để vay vốn và tập huấn kỹ thuật, chị Klong K’Bình mạnh dạn đầu tư trồng dâu nuôi tằm

Nhờ được tạo điều kiện để vay vốn và tập huấn kỹ thuật, chị Klong K’Bình mạnh dạn đầu tư trồng dâu nuôi tằm

Hội LHPN xã Mê Linh có 10 chi hội, trong đó có 4 chi hội thôn đồng bào DTTS, gồm Hang Hớt, Cổng Trời, Buôn Chuối, Thực Nghiệm. Hội viên phụ nữ là đồng bào DTTS chiếm 30% tổng số hội viên toàn xã. Đời sống của chị em phụ nữ, nhất là tại 4 thôn đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Nhận thức của một số chị em còn hạn chế, cần được thay đổi. Do đó, việc vận động phụ nữ tôn giáo và vùng đồng bào DTTS tham gia sinh hoạt hội được Hội Phụ nữ xã quan tâm, chú trọng.

Chị Nguyễn Thị Xuân - Chủ tịch Hội LHPN xã Mê Linh cho biết: Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức hội”, những năm qua, Hội Phụ nữ đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, phụ nữ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, đặc biệt là đã xây dựng được nhiều phong trào, mô hình hiệu quả, phù hợp với từng chi hội để tập hợp phụ nữ tham gia vào Hội.

Hiện nay, toàn xã Mê Linh có 14 mô hình vận động phụ nữ phát triển kinh tế, mô hình phụ nữ với pháp luật. Qua việc thành lập các mô hình, nhất là mô hình vận động phụ nữ tôn giáo tham gia sinh hoạt hội, phụ nữ tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, 100% thành viên đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi hội viên trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong vận động người thân, gia đình sống tốt đời đẹp đạo.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động hội, chi hội phụ nữ ở các thôn trên địa bàn xã Mê Linh đã tập trung tuyên truyền, xây dựng các mô hình như: An toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng cho trẻ em, mô hình tiết kiệm (thôn Thực Nghiệm); mô hình không thách cưới, bóng đá nữ, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm (thôn Hang Hớt); mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (thôn Buôn Chuối); mô hình văn nghệ tại 10/10 chi hội; mô hình kết nghĩa giữa chi hội người Kinh với chi hội người đồng bào dân tộc thiểu số,...

Được thực hiện từ năm 2017, mô hình kết nghĩa giữa phụ nữ Thôn 3 với thôn Hang Hớt đã tạo điều kiện để hội viên hai thôn giao lưu, kết nghĩa, từ đó tạo sự đoàn kết để hỗ trợ các chị em về tinh thần và vật chất. Từ mô hình này, phụ nữ Thôn 3 tuyên truyền, vận động chị em thôn Hang Hớt thay đổi giống cây trồng, hỗ trợ dâu giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, đồng thời kết nối tìm người làm công giữa 2 thôn. Từ đó, mối quan hệ giữa các chị em người Kinh và người đồng bào thân thiết, gần gũi hơn. Việc tuyên truyền, vận động từ đó cũng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

Song song với công tác tuyên truyền, Hội LHPN xã Mê Linh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy nội lực của hội viên phụ nữ DTTS trong xóa đói giảm nghèo, cụ thể như hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm, triển khai hiệu quả phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Đồng thời, Hội Phụ nữ chú trọng thực hiện tốt hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và các nguồn vốn tín dụng khác để tạo điều kiện cho các hội viên, phụ nữ DTTS được tín chấp vay vốn, phát triển kinh tế gia đình.

Trong những năm qua, Hội LHPN xã Mê Linh đã tạo điều kiện cho hơn 300 lượt hội viên, phụ nữ DTTS, tôn giáo vay vốn với số tiền trên 12 tỷ đồng để phát triển kinh tế; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.224 chị tham gia. Nhờ vậy, trong 5 năm, đã có 181 chị thoát nghèo, trong đó có 141 chị là hội viên người đồng bào DTTS. Qua đó, nhiều chị em đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, dần dần xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ti, ỷ lại, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Là một trong những hộ nuôi tằm tiêu biểu ở thôn Hang Hớt, chị Klong K’Bình chia sẻ: “Từ nguồn vốn vay, tôi có điều kiện để trồng dâu, nuôi tằm, biết cách bón phân cho cây dâu, chăm sóc tằm đúng kỹ thuật. Nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn trước, con cái cũng được đến trường đầy đủ”. Tranh thủ sắp xếp công việc nhà và việc sản xuất, K’Bình cũng nhiệt tình tham gia công tác hội để cùng tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm với chị em phụ nữ trong thôn.

Chị Nguyễn Thị Xuân chia sẻ, để thu hút, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt hội, Hội LHPN xã Mê Linh đã chỉ đạo các chi hội thường xuyên xuống tận thôn, tận nhà tuyên truyền, vận động chị em tham gia sinh hoạt hội. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các sân chơi phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế, cùng chia sẻ những kỹ năng, kiến thức,... từ đó, tạo hứng thú cho chị em hội viên.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202107/van-dong-hoi-vien-phu-nu-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tham-gia-cong-tac-hoi-3068078/