Vận động Nhân dân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh

Phú Thọ - vùng Đất Tổ, miền đất cội nguồn dân tộc, nơi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam nằm ở trung tâm của nền văn minh sông Hồng, nơi đây lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống gắn liền với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là nguồn lực để Phú Thọ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện mọi mặt đời sống Nhân dân.

Các thế hệ của phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ.

Các thế hệ của phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ.

Phú Thọ hiện có 1.372 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ, trong đó 326 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến Hát Xoan, 5 bảo vật Quốc gia.

Toàn tỉnh có trên 650 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đã được kiểm kê, nhận diện và phân loại, trong đó nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đình Đào Xá, Lễ hội Đình Thạch Khoán, Lễ hội Đền Lăng Sương, Lễ hội Đền Du Yến, hội Trò Trám Tứ Xã, hội Xoan Kim Đức, Phượng Lâu... Đặc biệt có 2 DSVHPVT đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ.

Phú Thọ cũng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ DSVHPVT “Mo Mường” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp và DSVHPVT “Nghệ thuật Chèo” vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại.

Hoạt động kiểm kê, rà soát, đánh giá hiện trạng di tích lịch sử văn hóa, lập hồ sơ, dự án đề nghị xếp hạng, đầu tư, tôn tạo, tu bổ di tích được thực hiện thường xuyên. Văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống đẹp của đồng bào đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ.

Một số đơn vị cấp huyện đã ban hành các nghị quyết, đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thực tiễn địa phương như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy... Xây dựng, ban hành đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, huy động các nguồn lực tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.

Đồng bào Mường huyện Thanh Sơn tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đồng bào Mường huyện Thanh Sơn tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đến nay, Phú Thọ đã có 1.064 di tích được kiểm kê, 205/326 di tích đã được xếp hạng được đề xuất tu bổ. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn có di tích xếp hạng đã thành lập ban quản lý di tích cấp xã. Đây là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tiềm năng để xây dựng thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều phương thức tuyên truyền đã được thực hiện hiệu quả, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ. Phát huy hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động quảng bá di sản văn hóa, xây dựng hệ thống mã QR nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách trên các nền tảng thông tin; duy trì và hoàn thiện website: https://www.ditichphutho.vn đăng tải thông tin di tích lịch sử văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình thanh niên tham gia chuyển đổi số phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu các địa chỉ đỏ, địa chỉ văn hóa, du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh.

Trong hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, phát huy hiệu quả vai trò các nghệ nhân trong việc truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ Hát Xoan, hát dân ca Phú Thọ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của Hát Xoan trong cộng đồng, khơi dậy tình yêu trong thế hệ trẻ, tạo lực lượng kế cận, sức lan tỏa mạnh mẽ của

Hát Xoan trên địa bàn tỉnh. 100% các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản”.

Công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa được chỉ đạo thường xuyên, theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường. Vận động Nhân dân có trách nhiệm trong việc bảo tồn, phục dựng, phát huy các di sản văn hóa; vận động xã hội hóa bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích đạt kết quả tích cực; cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã bảo tồn, giữ gìn di tích, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Kịp thời ngăn chặn việc xâm hại di tích lịch sử văn hóa, hạn chế việc lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan và các hành vi thiếu văn hóa khi tham gia hoạt động lễ hội tại di tích.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Đất Tổ, song song với vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, cần tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của Nhân dân.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm giới thiệu vùng Đất Tổ gắn với phát huy giá trị DSVHPVT “Tín ngường thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, “Hát Xoan Phú Thọ” trong vùng Thủ đô và cả nước để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vùng Đất Tổ, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Thọ - Về với cội nguồn dân tộc”. Chú trọng giáo dục lịch sử, văn hóa quê hương cho học sinh thông qua học tập, tham quan, các hoạt động trải nghiệm tại các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nhân rộng các mô hình, điển hình, kịp thời biểu dương khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa vùng Đất Tổ.

Phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng, ngăn chặn kịp thời việc lấn chiếm, xâm hại hành lang bảo vệ di tích, xâm hại di tích. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các di tích. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường; ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát triển Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-dong-nhan-dan-tham-gia-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-gop-phan-xay-dung-tinh-giau-dep-van-minh-220833.htm