Vận hành hệ thống điện trong bối cảnh 'bùng nổ' năng lượng tái tạo
Vấn đề nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tăng cao trong thời gian qua gây khó khăn và áp lực không nhỏ cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện.
Đây là vấn đề “nóng” được tập trung trao đổi trong buổi làm việc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, môi trường về tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 được tổ chức ngày 04/5.
Áp lực vận hành an toàn, ổn định hệ thống trong bối cảnh “bùng nổ” nguồn NLTT
Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, dự báo nhu cầu sử dụng điện thấp. Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết: Tổng điện năng tiêu thụ năm 2020 là 217 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm trước đó. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện thương phẩm cả nước đạt 71 tỷ kWh, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN, đây là mức tăng trưởng thấp so với những năm trước (trung bình 9-10%/năm).
“Thực tế, nhu cầu điện tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nguồn điện lại tăng đột biến trong 2 năm vừa qua do các nhà đầu tư đã hưởng ứng tích cực các cơ chế, chính sách phát triển NLTT của Chính phủ”, đại diện EVN cho hay.
Vấn đề nguồn NLTT tăng cao trong thời gian qua đã gây khó khăn và áp lực không nhỏ cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (NLDC) cho biết, dù nguồn NLTT đến hết năm 2020 đạt gần 20.000 MW, chiếm tỉ trọng công suất khoảng 30% toàn hệ thống điện nhưng sản lượng chỉ chiếm khoảng 12% toàn hệ thống.
Cùng với đó, hàng loạt khó khăn, vướng mắc được NLDC chỉ ra như: Dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió có sai số lớn do đặc tính bất ổn định của loại nguồn này, hay phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm lớn, hoặc nguồn NLTT được ưu tiên huy động nhưng NLDC vẫn phải bảo đảm vận hành thị trường điện…
Trong giai đoạn hiện nay, tỉ trọng nguồn NLTT chiếm tới gần 1/4 tổng nguồn đã góp phần bảo đảm nguồn cung nhưng do khả năng phát điện phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng sơ cấp tức thời thay đổi thường xuyên, khó dự báo nên việc đảm bảo cung cầu vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng truyền thống.
Thực tế vận hành hệ thống điện cũng cho thấy, thủy điện vận hành linh hoạt hơn nhưng hiện chỉ chiếm 20% công suất hệ thống. Do đặc điểm công nghệ các nguồn điện truyền thống thường vận hành không linh hoạt nhưng vào các giờ cao điểm chiều tối hằng ngày, việc cung cấp điện hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống do lúc này toàn bộ nguồn cung từ điện mặt trời không còn khả năng vận hành phát điện. Chính vì vậy, việc huy động các nguồn điện hằng ngày cần được tính toán hợp lý. Cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng không chỉ để đáp ứng các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn đáp ứng các thay đổi bất thường của chính nguồn NLTT với mức độ thay đổi có thể lên tới hàng nghìn MW chỉ trong vài giây.
Trước thực tế này, việc tiết giảm khả năng phát nguồn NLTT trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn trong vận hành hệ thống và cung cấp điện.
Trao đổi về vấn đề này, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân khẳng định, việc tiết giảm nguồn NLTT cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn. Đồng thời ông Nhân cho biết, là doanh nghiệp Nhà nước được giao vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo điện cho quốc gia, EVN sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và liên tục.
Năm 2021, EVN dự kiến huy động 26,3 tỷ kWh điện mặt trời
Báo cáo của EVN cho biết với sự bùng nổ rất lớn của NLTT, trong năm 2020, Tập đoàn đã huy động 12,1 tỷ kWh điện NLTT, tăng khoảng 2 tỷ so với kế hoạch ban đầu. Trong đó có gần 10,8 tỷ kWh điện mặt trời, cao hơn kế hoạch 1,168 tỷ kWh. Trong năm 2021, EVN dự kiến sẽ huy động 26,3 tỷ kWh điện mặt trời, gấp hơn 2,5 lần năm 2020.
Tính đến hết tháng 4/2021, cả nước có 17.000 MW điện mặt trời trang trại và 7.700 MW điện mặt trời mái nhà. Cùng với đó, hiện nay hệ thống hiện đang có 612 MW điện gió đã đi vào vận hành. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, hệ thống điện quốc gia sẽ có thêm gần 4000 MW điện gió đang chạy đua xây dựng để hưởng cơ chế giá ưu đãi.
Những số liệu thực tế này cho thấy, trong bối cảnh đối mặt với những khó khăn và áp lực trong công tác vận hành hệ thống điện trước sự phát triển bùng nổ của NLTT, để bảo đảm hệ thống vận hành an toàn và ổn định là nỗ lực rất lớn của EVN.
Theo ông Nguyễn Đức Ninh, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc ưu tiên huy động tối đa nguồn NLTT, nhất là điện mặt trời, công tác điều độ thời gian qua đã có nhiều thay đổi theo phương thức giảm phát các nguồn điện truyền thống, dù đây là các nguồn điện có giá rẻ hơn và chất lượng ổn định hơn.
Cụ thể, theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt, trong năm 2021, EVN sẽ huy động sản xuất gần 126 tỷ kWh nhiệt điện than trong tổng số 260 tỷ kWh của toàn hệ thống. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 4/2021 cho thấy sản lượng điện than huy động trong năm nay sẽ giảm khoảng 8 tỷ kWh, tương đương giảm khoảng 6%.
Trong 4 tháng đầu năm 2021 cũng có khoảng 8000 MW của tất cả các nhà máy thủy điện lớn tại khu vực miền Trung và miền Nam đã ngừng phát vào giờ cao điểm từ 11-12h trưa. Sự điều chỉnh này nhằm mục đích huy động cao hơn nguồn NLTT.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: "EVN đã cho thấy sự nỗ lực và vai trò rất lớn của mình trong thời gian qua để đảm bảo vận hành hệ thống điện".
Đánh giá về những nỗ lực của EVN trong việc tăng huy động nguồn NLTT, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Viện Kinh tế và Quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “EVN đã chủ động cắt giảm nguồn điện truyền thống và tăng tối đa nguồn NLTT, đó là những nỗ lực rất lớn để giảm bớt phần nào thiệt hại khi phụ tải giảm xuống quá sâu và không thể huy động được tất cả nguồn NLTT đã đầu tư đến thời điểm này”.