Vận hành thị trường điện cạnh tranh, giá điện sẽ giảm?
Theo chuyên gia thị trường điện của Việt Nam đang chỉ có duy nhất 'một chợ' cho EVN độc quyền mua tận gốc, bán tận ngọn. Khi vận hành thị trường điện cạnh tranh, nhiều đơn vị cùng tham gia, chắc chắn người dùng sẽ hưởng lợi.
Xóa bỏ thế độc quyền của ngành điện
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Dự thảo Thông tư này quy định về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (viết tắt là thị trường điện) và trách nhiệm của các đơn vị tham gia thị trường điện.
Theo đó, Nhà máy điện có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện, có công suất đặt lớn hơn 30 MW đấu nối vào hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm hoàn thành thủ tục đăng ký và trực tiếp tham gia thị trường điện.
Nhà máy điện có công suất đặt đến 30 MW đấu nối lưới điện cấp điện áp từ 110 kV trở lên và nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không phải thủy điện có công suất đặt lớn hơn 10 MW được quyền lựa chọn trực tiếp tham gia thị trường điện. Trường hợp lựa chọn trực tiếp tham gia thị trường điện, nhà máy điện có trách nhiệm chuẩn bị cơ sở hạ tầng theo quy định; hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký tham gia thị trường điện; tuân thủ các yêu cầu đối với đơn vị phát điện tham gia thị trường điện theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
PGS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết, thị trường bán điện cạnh tranh hiểu nôm na là nhiều người bán và có nhiều người mua. Còn nếu một người bán nhiều người mua thì cạnh tranh độc quyền bán, nhiều người bán một người mua là cạnh tranh độc quyền mua.
Việc đưa thị trường bán điện cạnh tranh vào cuộc sống đem lại lợi ích cho người sử dụng điện vì nhiều người bán thì sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới việc phản ánh chính xác nhất giá điện thực tế. Chúng ta hiện đang tiến tới thị trường trước hết là bán buôn, sau đó là bán lẻ. Sắp tới, chúng ta bán buôn điện cạnh tranh tức là các đơn vị sản xuất điện tập trung về một mối, bán số lượng lớn cho các đơn vị.
Đề phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng nghĩa thì phải dựa trên yếu tố lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Lợi nhuận thu được dựa trên 2 yếu tố: Yếu tố quan trọng thứ nhất là trên cơ sở giá; yếu tố thứ 2 là trên cơ sở sản lượng điện được phát tối đa và đồng thời mức rủi ro trong đầu tư là cần lưu ý.
Do vậy, để làm được cần phải thay đổi, cần phải có tư duy đột phá. Các đơn vị sản xuất điện phải được quyền đám phá giá với các hộ tiêu dùng điện, giá của ai thấp nhất thì sẽ được cung cấp điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là một trong những đơn vị phân phối điện chứ không phải là duy nhất như hiện nay.
Điều kiện cần để có thị trường điện cạnh tranh
Yêu cầu đặt ra là thiết lập một thị trường bán buôn điện cạnh tranh bình đẳng, cũng như sự minh bạch trong việc huy động nguồn. Những quy định mới về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh quy định: Đối với nhiệt điện thì giá sàn là 1 đồng/kWh, giá trần được xác định hàng năm, điều chỉnh hàng tháng; Đối với thủy điện giá sàn là 0 đồng/kWh, giá trần được xác định hàng tuần… đã tối ưu hóa chi phí mua điện và tăng tính chủ động cho các nhà máy điện khi tham gia thị trường.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), chuyên gia độc lập trong lĩnh vực năng lượng khẳng định, việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh năm 2012 đã mang đến một số kết quả khả quan so với trước đây khi có sự tham gia của một số đơn vị phát điện. Tuy nhiên, thị trường điện của Việt Nam nói chung, thị trường phát điện cạnh tranh về cơ bản chưa hoạt động đúng nghĩa, chưa minh bạch, khi có tới 1/3 sản lượng phát điện không tham gia thị trường.
Theo TS Ngô Đức Lâm, đó là thị trường phát điện cạnh tranh không hoàn hảo, bởi vì tính cạnh tranh cực thấp. Ở các nước thừa điện người ta mới cạnh tranh, còn ở Việt Nam từ trước đến nay ta toàn thiếu điện, vì ta còn mua điện ở nước ngoài nên tính cạnh tranh mang tính hình thức, đặt giá cao cũng phải mua, đặt giá thấp cũng phải mua. Thứ hai, không phải tất cả các nhà máy được tham gia vào thị trường cạnh tranh.
Lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh gồm 3 giai đoạn, thị trường phát điện cạnh tranh cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận là phá bỏ độc quyền phát điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Hiện nay, có thêm nhiều nhà máy phát điện tham gia vào thị trường phát điện bao gồm cả nhà các nhà máy điện có công suất từ 30MW và một số nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh hiện nay chưa được thực hiện theo đúng lý tưởng và thiết kế. Bởi lẽ muốn thực hiện được thị trường điện bán buôn cạnh tranh, phải có nhiều đơn vị có khả năng mua bán buôn để các đơn vị ấy cạnh tranh với nhau. Nhưng hiện nay, tất cả các đơn vị mua bán buôn điện chủ yếu là các đơn vị phân phối của EVN. Nếu mà chúng ta thực hiện theo đúng lộ trình, thì người dân, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
TS Nguyễn Thành Sơn, Đại học Điện lực cho rằng, sau hơn chục năm bỏ lỡ cơ hội, người ta đã nhắc đến thị trường hóa ngành điện từ năm 2006, đến năm 2013 lại có quyết định về lộ trình thị trường hóa ngành điện. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam đang chỉ có duy nhất "một chợ" cho EVN độc quyền mua tận gốc, bán tận ngọn. Trong khi nhà nước chỉ nên độc quyền khâu truyền tải điện, là khâu trung gian giữa phát điện và phân phối điện. Do vậy đã đến lúc phải vận hành thị trường điện cạnh tranh thực sự.
Chính sách giá điện, thị trường điện có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần huy động sự tham gia của các chuyên gia ngành điện tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại toàn bộ hoạt động của thị trường điện lực, chỉ ra những bất cập, tồn tại để sớm đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp, nhằm thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh phát triển theo đúng mục tiêu và lộ trình đã đề ra.