Văn hóa ẩm thực và sự di chuyển tại Việt Nam trong phát triển công nghiệp văn hóa

Buổi Chia sẻ C asean Vietnam 2024: Góc nhìn về văn hóa ẩm thực và sự di chuyển tại Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện quy tụ các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực bao gồm đơn vị đánh giá ẩm thực quốc tế, liên minh hiệp hội nhà hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, các đầu bếp và nhà sáng lập nhà hàng.

Trong bối cảnh ẩm thực Việt Nam đang được công nhận và ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới, buổi chia sẻ tập trung thảo luận về những cơ hội phát huy văn hóa ẩm thực Việt Nam, đồng thời tận dụng các xu hướng di chuyển và du lịch của thời đại để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt ra quốc tế.

Các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực bao gồm đơn vị đánh giá ẩm thực quốc tế, liên minh hiệp hội nhà hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, các đầu bếp và nhà sáng lập nhà hàng chia sẻ tại sự kiện

Các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực bao gồm đơn vị đánh giá ẩm thực quốc tế, liên minh hiệp hội nhà hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, các đầu bếp và nhà sáng lập nhà hàng chia sẻ tại sự kiện

Tại sự kiện, ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Chi hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) và Liên minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN (ARAA), chia sẻ rằng với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những Kinh đô Ẩm thực mới của Thế giới đến 2030, Chi hội nhà hàng Việt Nam đang tập trung vào ba trụ cột chính bao gồm Phát triển nguồn lực và hợp tác; Truyền thông và Phát triển Kinh tế Ẩm thực. Với tư cách là nước Chủ tịch của Liên minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN vào năm 2024 – 2025, các dự án và sáng kiến của Chi hội Nhà hàng Việt Nam sẽ tập trung vào (1) Các cuộc thi ẩm thực, (2) Thúc đẩy thương mại ẩm thực giữa các nước ASEAN và thế giới, (3) Các chương trình đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả vận hành cho các nhà hàng vừa và nhỏ, (4) Thúc đẩy du lịch Ẩm thực trong khối ASEAN.

Bên cạnh các hoạt động tăng cường hợp tác phát triển trong khối ASEAN, Việt Nam cũng hợp tác chiến lược với các tổ chức hàng đầu thế giới như Hiệp hội Siêu đầu bếp Thế giới (WAMC); Hiệp hội Nhà hàng Mỹ (NRA) và đặc biệt là Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới (WFTA) đặc biệt với 2 giải thưởng tăng cường công nhận của Thế giới trong lĩnh vực Nhà hàng và Du lịch Ẩm thực gồm Giải thưởng Global Culinary Travel Awards dành cho 7 loại hình doanh nghiệp trong chuỗi giá trị Du lịch Ẩm thực và Giải thưởng Culinary Capitals cho thành phố tiềm năng của Vietnam.

Ông Ahmad Faiez Mohamed Pisal, Tổng Giám đốc Michelin Việt Nam, đã giới thiệu về lịch sử phát triển trong hơn 130 năm của Thương hiệu Michelin. Bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới, Michelin đang hướng tới mục tiêu xây dựng chiến lược trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới các vật liệu và các trải nghiệm giúp thay đổi chất lượng cuộc sống với các bí quyết công nghệ cũng như năng lực sáng tạo đổi mới độc đáo. Với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Michelin triển khai chiến lược "Tất cả đều Bền vững" ở đó đảm bảo sự cân bằng giữa 3 yếu tố: Con người - Hiệu quả hoạt động - Hành tinh.

Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho những người di chuyển bằng xe máy, cuốn cẩm nang MICHELIN Guide lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1900 đã trở thành chuẩn mực quốc tế cung cấp các thông tin về nhà hàng và khách sạn. Đến năm 2020, Sao Xanh Michelin (Michelin Green Star) ra đời nhằm tôn vinh những cơ sở ăn uống tiên phong trong việc hướng đến xây dựng nền ẩm thực bền vững, mang đến trải nghiệm kết hợp giữa sự xuất sắc của những món ăn và cam kết nghiêm túc về tính thân thiện với môi trường.

Về giải thưởng Ngôi Sao Xanh, ông Faiez Pisal tin tưởng rằng ý nghĩa lớn nhất của giải thưởng này là nâng cao nhận thức và triết lý kinh doanh về phát triển bền vững đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong mối tương quan giữa hành vi và ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh các thành tựu ý nghĩa mà Michelin đã thành công tại Việt Nam như loại bỏ mảng cuốn nylon cho lốp xe máy hoặc giảm 56% lượng CO2 phát thải ra môi trường trong năm 2023, Michelin đang đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo để mang đến tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn.

Tại sự kiện, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam, cho biết hiện nay người tiêu dùng có xu hướng gia tăng tìm kiếm các nhà hàng mới trên nền tảng trực tuyến. Với tính năng phân tích dữ liệu trên thời gian thực và các công cụ hỗ trợ trên nền tảng nhằm tối ưu hóa khả năng tiếp cận, quảng bá cho các nhà hàng và đối tác, Grab mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, đóng góp chung vào việc gìn giữ và phát huy sự phong phú ẩm thực của Việt Nam. Grab Việt Nam cũng đã hợp tác với các cơ quan du lịch địa phương để giới thiệu các thông tin về địa điểm ăn uống tới người dùng Grab và khách du lịch.

Bà Summer Lê, Nhà sáng lập kiêm Bếp trưởng điều hành Nhà hàng Nén Danang & Nén Light, chia sẻ về các sáng kiến bền vững thành công của nhà hàng, tập trung vào việc sử dụng nguyên liệu truyền thống, phát triển con người và gìn giữ triết lý tôn vinh ẩm thực truyền thống Việt Nam, thông qua việc xây dựng những câu chuyện ý nghĩa đằng sau mỗi món ăn. Là đại diện nhà hàng Việt Nam đầu tiên nhận ngôi sao xanh Michelin, bà coi giải thưởng này là một trách nhiệm về việc lan tỏa ý thức phát triển bền vững. Bà nhấn mạnh việc kinh doanh ẩm thực một cách bền vững là mục tiêu có thể đạt được kể cả ở những đô thị lớn.

Chia sẻ về triết lý kinh doanh tập trung vào con người, bà Sam Trần, Đồng sáng lập kiêm Bếp trưởng Nhà hàng Gia, tin tưởng rằng đây là yếu tố chính giúp nhà hàng nhận được ngôi sao Michelin danh giá. Yếu tố con người trong việc học hỏi liên tục và tinh thần đội nhóm cũng đóng vai trò quan trọng tạo nên những trải nghiệm ẩm thực tốt nhất. Quan điểm "không sợ thay đổi" cũng rất được đề cao tại Gia, thể hiện qua việc Gia thường xuyên thay đổi thực đơn để đa dạng hóa trải nghiệm cho thực khách. Là một chuyên gia về ẩm thực truyền thống Việt Nam, bà tin tưởng rằng mình là một đại sứ về văn hóa cho nước nhà.

Buổi chia sẻ đã làm rõ mối tương quan chặt chẽ giữa văn hóa ẩm thực và sự di chuyển, cho thấy những tiềm năng to lớn trong việc quảng bá và phát triển ẩm thực Việt Nam, sức sáng tạo và tinh thần đổi mới của cộng đồng ẩm thực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển công nghiệp văn hóa.

Sự kiện nằm trong chuỗi các buổi chia sẻ của C asean Vietnam nhằm thúc đẩy sự phát triển và kết nối các cộng đồng ASEAN thông qua những thảo luận và trao đổi chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật, phát triển nhân tài và kinh doanh bền vững./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/van-hoa-am-thuc-va-su-di-chuyen-tai-viet-nam-trong-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-20241219130156382.htm