Văn hóa các tộc người nhìn từ nhà ở cổ truyền
Đã bao giờ chúng ta thắc mắc, trong 54 dân tộc Việt Nam, từ người Hmông trên đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ, người Sán Dìu trên đất trung du sỏi đá, người Bana, Jrai, M'Nông trên cao nguyên đất đỏ lồng lộng gió ngàn, cho đến người Việt, người Khơ-me trên những cánh đồng châu thổ thẳng cánh cò bay… họ sinh sống trong những ngôi nhà như thế nào? Điều này có ảnh hưởng gì đến văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của họ?
Có một nhà nghiên cứu đã dành cả cuộc đời, dốc trọn tâm huyết khảo cứu về những điều đó, người mà từ những năm 1978 đã “lấp đầy” sách, báo, tạp chí bằng những kiến thức chuyên sâu, bài bản về nhà ở cổ truyền qua quá trình thực địa và phân loại của mình. Đó chính là PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng.
Cuốn sách Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam của PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng do MaiHaBooks liên kết cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản (trên cơ sở gộp bản in của Tập I năm 1994 và Tập II năm 1995) vừa được ra mắt độc giả.
Nhân dịp này, ngày 5.4 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Văn hóa tộc người từ góc nhìn về nhà ở. Tại tọa đàm, các diễn giả đã làm rõ thêm những nghiên cứu của PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng trong hành trình nghiên cứu dân tộc học, văn hóa học, sử học… của ông.
Cuốn sách bao gồm những bài nghiên cứu chuyên sâu đi vào mô tả, phân tích những cấu trúc trong các loại nhà của từng dân tộc, từ chất liệu xây dựng, cách thi công, đặc điểm riêng có của từng loại nhà của các dân tộc, chức năng sử dụng các loại phòng, các quan niệm và nghi lễ tâm linh liên quan đến nhà ở của các dân tộc… Chúng đều được tổng hợp lại, tạo thành bài chuyên khảo có giá trị nghiên cứu sâu rộng liên quan đến lĩnh vực kiến trúc và văn hóa.
Từ nhà ở truyền thống đến định danh văn hóa các tộc người
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS-TS. Đặng Hoài Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết đây là một trong những công trình nghiên cứu khoa học vô cùng nổi tiếng, PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng đã đi từ nhà ở truyền thống để định danh về văn hóa của các tộc người. Trong đó, kiến trúc, nhân học, dân tộc học, văn hóa, tất cả được đặt trong cùng một tổng thể, để chúng ta nhìn nó như một hệ sinh thái.
PGS-TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam, cũng cho rằng PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng đã có những đóng góp quan trọng khi nghiên cứu về lĩnh vực nhà cửa và tộc người bằng việc nhận ra tính liên ngành trong khoa học.
Phân tích kỹ lưỡng các nội dung chính mà PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng nghiên cứu trong Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam, theo PGS-TS. Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học Việt Nam, tác giả đã đặt khái niệm “nhà cửa” rộng hơn “nhà ở”, bởi trong nhà cửa không chỉ có nhà ở, mà còn bao gồm các hợp phần xây dựng khác trong khuôn viên của ngôi nhà như bếp, chuồng trại, gia súc, cổng…; và cả kiến trúc công cộng như nhà thờ họ, đình, chùa, đền, miếu, nhà rông, nhà gươl…
Có thể thấy rằng, PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng là người mở ra hướng nghiên cứu về nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam. Những quan điểm nghiên cứu, hệ thống khái niệm và phương pháp nghiên cứu của ông hiện nay vẫn đang được sử dụng trong nghiên cứu về nhà ở dưới tiếp cận dân tộc học.
Trong cuốn sách, tác giả đã trình bày nhà ở cổ truyền các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ, nội dung tập trung về: loại hình nhà, kiến trúc, mặt bằng sinh hoạt, các tập tục có liên quan đến ngôi nhà.
GS-TS-KTS. Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), cho rằng việc phân theo nhóm ngôn ngữ như thế này tuy khác với cách phân chia của một số nhà nghiên cứu hiện nay nhưng cho thấy rằng, muốn tạo nên một tập tục sinh hoạt thì phải phân theo nhóm ngôn ngữ.
Cách phân loại này cho thấy ngôn ngữ đã làm thống nhất được các tộc người với nhau hoặc là các nhóm tộc người với nhau. Đó là cách phân loại dân tộc học, chính nó là cái nghiên cứu bản chất, bản chất là từ ngôn ngữ, rồi từ ngôn ngữ sẽ tạo ra những tập tục, sinh hoạt cộng đồng, mà theo GS-TS-KTS. Doãn Minh Khôi, đây là một nội dung rất quan trọng để từ đó có thể nghiên cứu sâu về hình thức ngôi nhà.
'Bách khoa toàn thư' về nhà ở truyền thống
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kiến trúc, GS-TS-KTS. Doãn Minh Khôi nhận định: “Đây là một cuốn sách rất có giá trị, như là một cuốn bách khoa toàn thư về nhà truyền thống, có thể là chưa đầy đủ nhưng có tính dẫn đường và có sự nghiên cứu đầy đủ về các nhà ở cổ truyền các dân tộc. Đây cũng là một công trình nghiên cứu cho một phương pháp tiếp cận nhìn về bản chất của ngôi nhà. Qua cuốn sách, độc giả sẽ học được cách viết, cách vẽ, cách diễn tả mộc mạc nhưng chứa đựng đầy đủ thông tin, là cách làm khoa học mà tôi gọi là hàn lâm điền dã”.
Với kiến trúc – bộ môn nghiên cứu về tổ chức không gian sống (không gian ở, sinh hoạt, sản xuất,…) thì công trình của PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng là tài liệu quý để các kiến trúc sư có thể tìm hiểu, sáng tạo và góp phần gìn giữ kiến trúc nhà truyền thống Việt Nam nói riêng và bản sắc kiến trúc Việt Nam nói chung.
Trong xu thế phát triển hiện nay, kiến trúc đương đại phải luôn hướng tới cái mới, nhưng phải trên nền văn hóa truyền thống – những yếu tố để cấu thành nên bản sắc. Đó chính là xu hướng kiến trúc hiện đại hóa bản địa, không những giải mã kiến trúc truyền thống mà còn tạo ra ngôn ngữ kiến trúc đương đại có bản sắc. Muốn vậy, các kiến trúc sư phải dựa trên nghiên cứu của các nhà dân tộc học để hiểu được cái cốt lõi của ngôi nhà cổ truyền.
Nơi ăn chốn ở từ lâu đã là một trong những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống con người. Có thể nói “Nhà” là nơi cung cấp sự ổn định, an toàn, là nơi diễn ra các hoạt động duy trì sự sống cơ bản và tạo ra những giá trị văn hóa cả về vật thể và phi vật thể. Vậy nên, có thể khẳng định, nhà ở chính là nơi mang trong mình bản sắc của một tộc người, mang giá trị nghiên cứu khoa học sâu rộng.
Từ đây có thể thấy rằng, cuốn sách Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam của PGS-TS. Nguyễn Khắc Tụng là công trình nghiên cứu kết tinh của cả một đời người, là chuyến phiêu lưu du ngoạn về những miền xa xôi của tổ quốc, để chúng ta hiểu thêm về con người trên đất nước Việt Nam.