Văn hóa 'chiếu trên, chiếu dưới' ở làng tỷ phú xứ Kinh Bắc
Phường Đồng Kỵ (Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) nổi danh với nghề gỗ mỹ nghệ và còn được mệnh danh là 'làng tỷ phú' vì độ giàu có, nhưng dù kinh tế, hội nhập rất phát triển thì những nét văn hóa truyền thống nơi đây vẫn được lưu giữ.
Những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, ai có dịp ghé thăm Đồng Kỵ (Bắc Ninh) sẽ được trải nghiệm quy định độc đáo “chiếu trên, chiếu dưới” – đây là tập tục văn hóa có từ lâu đời đến nay vẫn được duy trì tại mảnh đất ra đường là “chạm mặt” tỷ phú này.
Văn hóa “chiếu trên, chiếu dưới”
Tập tục này qui định rất rõ ràng ai được ngồi vào chiếu trên, ai ngồi vào chiếu dưới, ai không được ngồi, ai ngồi bên trái, ai ngồi bên phải. Tiêu chí để “xếp chỗ” là vai vế trong họ, độ tuổi, nam – nữ… Văn hóa này không chỉ được duy trì tại các bữa cơm gia đình, dòng họ mỗi dịp lễ, Tết mà còn được thể hiện rõ nhất tại đền, chùa, đình làng.
Hàng năm cứ mùng 4 tháng giêng, dân làng Đồng Kỵ lại tưng bừng mở hội rước pháo. Đây cũng là thời điểm mở cửa chùa, đền, đình để đón các cụ thượng thọ trong làng ra tề tựu, uống nước xơi trầu cùng với người dân thắp hương, làm lễ Thánh cầu cho một năm mới làm ăn phát đạt cùng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Ở đây, các cụ cao niên khi ra đình phải ngồi theo thứ tự "chiếu trên, chiếu dưới", trái phải rõ ràng,..
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Tu (cụ cao niên ở Đồng Kỵ) cho biết: "Dù kinh tế rất phát triển, đời sống người dân khá giả, nhưng không vì thế mà các tập tục truyền thống của làng bị mai một”.
Theo ông Tu, xứ Kinh Bắc xưa là Bắc Ninh ngày nay là một trong những cái nôi văn hóa của người Việt và Đồng Kỵ là một trong những địa phương còn duy trì nhiều nét văn hóa truyền thống nhất.
“Cũng nhờ những tập tục, nếp sống văn hóa từ xa xưa mà ở đây bao thế hệ đã thành đạt. Ngày nay dù kinh tế có phát triển, công nghệ có hội nhập nhưng ở đây thì lớp trẻ vẫn giữ được những nét văn hóa ấy. Từ xưa đến nay, trong làng ai đi học chữ thì đi, nếu không thì học nghề chạm khắc gỗ, hầu như không có tệ nạn…", ông Tu chia sẻ.
Cũng theo các cụ cao niên, tập tục của làng quy định rất rõ khi ra đình ai tuổi nào được ngồi vào chiếu nào, ai không được ngồi.
"Nhiều nhà lịch sử về đây rất ngạc nhiên và thích "cái phép" của làng, người tuổi trên thì ngồi chiếu trên, tuổi dưới thì ngồi chiếu dưới không thể lẫn lộn. Cụ 100 tuổi thì ngồi với các cụ 100 tuổi. Nếu chỉ có một cụ 100 tuổi thì mình cụ đó ngồi chiếu trên.
Tiếp theo lần lượt là các cụ dưới hơn một chút như 99, 98 tuổi. Ngoài ngày mấy ngày hội chính của làng diễn ra từ mùng 4-6 tháng giêng, cửa đình cũng mở hai lần nữa để họp các cụ và các ban bệ trong làng để tổng kết những việc đã làm được trong suốt một năm vào ngày 12/11 (âm lịch) và bàn việc cần làm sắp tới hay sửa hương ước vào ngày 10/1 (âm lịch).
Hai ngày họp làng thì các cụ ông sẽ ngồi bên tay phải, cụ bà bên tay trái", Ông Nguyễn Khánh Tu chia sẻ thêm.
Ông Dương Văn Hòa - Trưởng Ban di tích phường Đồng Kỵ cho biết, giống như bao ngôi đình cổ khác, đình Đồng Kỵ vẫn giữ nguyên kiến trúc từ thời Lê (thế kỷ 17). Nền đình được làm bằng sàn gỗ cao hơn so với sân đình khoảng 1m để tránh ngập nước mùa mưa bão. Sàn gỗ này cũng được thiết kế rất độc đáo, phía nền gỗ gần sát bên ngoài cửa được làm cao hơn bên trong chừng 10cm để lấy chỗ trải chiếu cho các cụ thượng thọ hay còn gọi là "chiếu trên" ngồi khi có việc làng.
“Trâu ta ăn cỏ đồng ta”
Dù cuộc sống người dân Đồng Kỵ khá hơn rất nhiều so với trước kia cũng như các làng quê khác trên cả nước, một làng "ra ngõ gặp tỷ phú". Xóm làng có những đổi thay ở vẻ bề ngoài, đường làng đổ bê tông, nhà cửa xây dựng nhiều to và đẹp hơn trước, một số hủ tục không còn những điều được coi là tốt đẹp vẫn được người dân giữ gìn và thực hiện. Đáng chú ý là việc cưới xin và lên lão.
Điều lạ là hiếm thấy con trai con gái ở làng Đồng Kỵ lấy chồng, lấy vợ thiên hạ. Có lẽ ảnh hưởng bởi tập tục ngày xưa vẫn còn. Theo phong tục ở Đồng Kỵ trước đây, con trai lên 8 tuổi là cha mẹ đã để ý tìm xem trong làng có cô gái nào khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ướm có tướng mắn con, gia đình muôn đăng hộ đối thì chọn lấy để tính chuyện trăm năm cho con trai mình.
Lễ cưới ở Đồng Kỵ cũng khá đặc biệt, trước hôm cưới nhà trai dâng đồ lễ cho nhà gái đủ làm cỗ mời họ hàng, làng xóm. Đồ dẫn cưới thường là 2,5 tạ thịt lợn, 20 nồi gạo tẻ, 5 nồi gạo nếp, trầu cau chè lá đủ dùng theo yêu cầu của nhà gái.
Thêm vào đó là một ít tiền mặt tùy theo hoàn cảnh cụ thể của nhà trai. Ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị một tráp trầu têm sẵn, miếng cau trong tráp phải là nửa quả, đây là lệ Trầu Tráp quan trọng trong đám cưới ở Đồng Kỵ.
Số cau trong tráp trầu đón dâu không bao giờ chẵn mà phải lẻ, số lượng được qui định là 21 hoặc 23 miếng. Số trầu cau này sẽ được chia cho mỗi người một miếng, nhà gái đã tế nhị nhẩm đếm số người của cả 2 họ có mặt trong đám cưới để mâm nào cũng có một đĩa 4 miếng đến tận mỗi mâm cỗ.
Đến nay lệ Trầu Tráp vẫn được dân làng duy trì trong đám cưới, nghi lễ này được xem là một tục lệ mang tính văn hóa cao thể hiện truyền thống trọng lễ vốn có của người Kinh Bắc.
Ngoài phong tục tập quán có những nét rất riêng ở ngôi làng này, lễ hội rước pháo Đồng Kỵ cũng vô cùng đặc biệt. Ý nghĩa của ngày hội này là để kỷ niệm cuộc ra quân đánh giặc của Thiên Cương tướng quân.
Dù nhiều năm nay tại hội làng rước pháo Đồng Kỵ không còn tiếng pháo nổ chát chúa, đinh trời nữa, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.
Chia sẻ với phóng viên về nét văn hóa độc đáo này tại địa phương, ông Nguyễn Tiến Quyết – Phó Chủ tịch UBND Phường Đồng Kỵ (phụ trách văn hóa) đánh giá: "Những nét đẹp văn hóa làng quê, gia đình, dòng tộc ở Đồng Kỵ đã có từ rất lâu và được duy trì, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Dù xã hội có phát triển, văn hóa phương tây có du nhập thì tại Đồng Kỵ những văn hóa truyền thống vẫn không hề mai một, điển hình như văn hóa chiếu trên, chiếu dưới”.
“Với vai trò quản lý chúng tôi luôn luôn tích cực tuyên truyền, quảng bá cho thế hệ trẻ để làm sao giữ được những văn hóa độc đáo, bản sắc tốt đẹp của địa phương.