Văn hóa dân gian qua góc nhìn nhiếp ảnh
Mấy năm gần đây các nhiếp ảnh gia xứ Tuyên đã tích cực sáng tác trên mọi lĩnh vực của đời sống. Trong đó, các nghệ sỹ đã tập trung khai thác mảng đề tài văn hóa dân gian. Tuyên Quang vốn là mảnh đất giàu chất liệu văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc với 22 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc lại có một phong tập, tập quán riêng, tạo ra 'vườn hoa' văn hóa đa sắc màu. Văn hóa dân gian chính là 'hồn cốt' làm nên bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi địa phương. Muốn lột tả bản sắc riêng đó, các nghệ sỹ chỉ còn cách đi sâu, tìm tòi, khám phá vào mảng văn hóa dân gian.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết, Tuyên Quang có hàng chục lễ hội truyền thống đặc sắc. Tại Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình, Lễ hội Động Tiên - chợ quê, Lễ hội chợ Thụt (Hàm Yên), Lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào (Sơn Dương), Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội đình Giếng Tanh (TP Tuyên Quang), Lễ hội Đầm Mây (Yên Sơn)... là mảnh đất màu mỡ cho các nhiếp ảnh gia trong và ngoài tỉnh sáng tác. Mỗi người một ý tưởng, góc nhìn, song tựu chung ai cũng phải khai thác cho được cái hay, thông điệp văn hóa chính của từng lễ hội.
Nhờ biết khai thác tốt chất liệu văn hóa dân gian, vừa qua các nhiếp ảnh gia xứ Tuyên đã gặt hái được nhiều thành công ở giải thi ảnh khu vực. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Cường giành Huy chương Vàng Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2019 với tác phẩm “Quyết đấu”. Tác phẩm miêu tả rõ màn chọi dê vui nhộn ở lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình. Còn Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Đức cũng giành Huy chương Vàng tại giải này với tác phẩm “Bên khung cửi Pà Thẻn”. Bức ảnh lột tả cuộc sống của người phụ nữ Pà Thẻn bên khung cửi truyền thống của dân tộc mình. Nơi các tấm vải thổ cẩm sặc sỡ nhiều màu sắc ra đời đẹp mắt và tinh tế. Ngoài ra còn nhiều bức ảnh được chọn treo triển lãm khu vực các năm như “Trung thu Tuyên Quang” của Nguyễn Việt Trường, “Đường đua mùa xuân” của Phạm Công Thiên...
Vai trò của các nghệ nhân trong văn hóa dân gian xứ Tuyên cũng được các nghệ sỹ nhiếp ảnh tập trung khai thác. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm, thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương (Na Hang) tâm sự, ông đã tiếp nhiều nhiếp ảnh gia đến chụp ảnh. Các bức ảnh đều khai thác ở nhiều khía cạnh nghệ nhân Then bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ trẻ, nét đẹp của Then trong đời sống, cộng đồng. Qua nhiếp ảnh, Then càng được quảng bá rộng rãi ra công chúng, giá trị của Then được hiểu một cách thấu đáo hơn. Ở Chiêm Hóa, Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An và Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao, xã Xuân Quang; ở Sơn Dương có Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn, xã Đại Phú; Lục Văn Bảy, xã Ninh Lai đều được các nhiếp ảnh gia khai thác sâu, làm nổi bật hơn vai trò của nghệ nhân đối với văn hóa dân gian tỉnh nhà.
Các phong tục tiêu biểu cũng được các nghệ sỹ nhiếp ảnh khắc họa khá thành công. Nhiếp ảnh gia Hà Huy thì dày công chụp nghi lễ cấp sắc của người Dao. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Cường chụp bộ ảnh cúng Then, nhảy lửa. Còn nghệ sỹ Hồ Thăng chụp thiếu nữ với bộ trang phục dân tộc. Nghệ sỹ Hà Thế Đô rất hay “để mắt” tới các di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, âm nhạc, ẩm thực của đồng bào các dân tộc, như chụp tranh thờ, hát Páo dung của người Dao, hát Sình ca, đánh trống sành của dân tộc Cao Lan, thổi khèn Mông, hát Soọng cô của người Sán Dìu...
Qua Cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh năm 2019 cho thấy, bên cạnh mảng ảnh phong cảnh, du lịch, kinh tế, thì ảnh về đề tài văn hóa dân gian vẫn chiếm số lượng lớn. Điều đó cho thấy các nghệ sỹ nhiếp ảnh đã và đang khai thác tốt mảng đề tài này, làm nổi bật lên bản sắc đất và người xứ Tuyênn