Văn hóa doanh nghiệp của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP trong bối cảnh mới hiện nay
Với vị thế là một Tổng công ty thép hàng đầu tại Việt Nam, trong những năm qua, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và xem đây là chiến lược trong quá trình định vị và nâng tầm thương hiệu.
“Chất thép” trong văn hóa doanh nghiệp của Tổng công ty Thép Việt Nam
Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (Viet Nam Steel Corporation - VNSTEEL) được thành lập năm 1995 trên cơ sở hợp nhất những đơn vị sản xuất kinh doanh của ngành thép Việt Nam là Tổng công ty Kim khí và Tổng công ty Thép.
Trong hành trình xây dựng và phát triển, trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn bởi hậu quả nặng nề thời hậu chiến và vô vàn thử thách thời kỳ đầu đổi mới với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, VNSTEEL đã phát triển nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Thép Miền Nam /V/, TISCO, Thép Vina Kyoei, Tôn Phương Nam, Tôn Thăng Long… đóng góp xây dựng nên nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp đổi mới đất nước, như Hầm Hải Vân, Hầm Thủ Thiêm, Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Phú Mỹ, Cầu Thị Nải, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cầu Nhật Tân, tòa nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị Quốc gia, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình... cùng hàng loạt các khu đô thị, cao ốc trên khắp cả nước.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp VNSTEEL đạt được những thành tựu vẻ vang đó chính là VNSTEEL đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp (VHDN) một cách khá bài bản, hiện đại, chuyên nghiệp, thể hiện thông qua những giá trị văn hóa hữu hình, ngoại hiện với hệ thống nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh, ấn tượng, riêng biệt (thể hiện thông qua kiến trúc trụ sở văn phòng Tổng công ty, logo, slogan, bộ nhận diện thương hiệu, đồng phục, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ, các quy chế, quy định về chuẩn mực văn hóa ứng xử, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hoạt động đoàn thể, hội họp…); đồng thời kết tinh trong 5 giá trị cốt lõi đó là: (1) coi trọng lịch sử; (2) đề cao con người; (3) sẵn sàng thay đổi; (4) xây dựng niềm tin; (5) chia sẻ cộng đồng. Tất cả thống nhất tạo thành “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của VNSTEEL.
Và ở tầng sâu nhất, mạch ngầm văn hóa VNSTEEL chính là bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường, tinh thần “thép” được tôi luyện qua bao thử thách khắc nghiệt nhất để nỗ lực phấn đấu đi tới thành công.
Chính sự “bền gan, bền chí” với thời gian, bản lĩnh phi thường, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự miệt mài lao động sáng tạo trên tinh thần “có công mài sắt, có ngày nên kim”, ý chí không ngừng vươn lên mỗi ngày của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động của VNSTEEL là yếu tố quyết định để thực hiện được mục tiêu và triết lý kinh doanh “tôi ý chí, luyện thành công”.
Sự mài sắc ý chí, sự không khuất phục trước khó khăn, sự vững chãi, chắc bền “như thép” qua biết bao nhiêu “lửa gian nan”, thử thách là những giá trị được ngầm định của những con người mang trên mình đồng phục VNSTEEL. Đây cũng chính là nét văn hóa mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động VNSTEEL làm nên văn hóa doanh nghiệp (VHDN) của Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP.
Những giá trị ngầm định đó đã, đang và sẽ mãi trở thành nguồn lực và động lực quan trọng, góp phần củng cố lòng tự hào, niềm tin, nỗ lực lao động và sáng tạo, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công nhân viên dưới “mái nhà chung - VNSTEEL”, tạo nền tảng phát triển bền vững cho VNSTEEL, củng cố và nâng tầm thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng VHDN ở VNSTEEL vẫn còn không ít vấn đề đặt ra như: Chưa thực sự tìm được bản sắc văn hóa riêng (các yếu tố văn hóa của VNSTEEL hiện còn ẩn trong nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ, văn hóa ứng xử của Tổng công ty…). Bên cạnh đó còn là câu hỏi về mức độ tác động của VHDN đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của VNSTEEL, hay mức độ thấm nhuần và thực hành VHDN của người lao động ra sao vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng...
Tuy nhiên, với lịch sử hình thành hơn 20 năm qua và truyền thống được hun đúc từ sự vững vàng, bản lĩnh, sự “bền gan, bền chí” được tôi luyện trong “lửa gian nan” của những thế hệ con người VNSTEEL, thì việc khẳng định dấu ấn VHDN của một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép của đất nước là chuyện không có gì phải bàn cãi.
Nỗ lực đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh mới
Xây dựng và phát triển VHDN là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững VNSTEEL, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay với những thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường của tình hình chính trị - an ninh thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, đến môi trường kinh doanh, trong đó có thị trường của ngành thép và công nghiệp luyện kim.
Cùng với đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa đem lại nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần tích cực đổi mới sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và phương pháp quản trị mới để thích ứng linh hoạt với thực tiễn. Vì thế, thời gian tới, VNSTEEL cần tích cực thực hiện các giải pháp để phát triển VHDN nhằm thích ứng với yêu cầu của thị trường trong bối cảnh mới, cụ thể như sau:
Một là,đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục.
Cần phải đổi mới cả nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và người lao động trong VNSTEEL về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và các nội dung của VHDN đối với sự phát triển bền vững của VNSTEEL. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, thực hiện các quy định, quyết định, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về xây dựng và thực hiện VHDN, nhất là Chỉ thị của Đảng ủy VNSTEEL về xây dựng VHDN của VNSTEEL với mục tiêu: “Tất cả vì sự phát triển bền vững của Tổng Công ty Thép Việt Nam-CTCP” và Quy định của Tổng Giám đốc về chuẩn mực về văn hóa ứng xử tại VNSTEEL. Đặc biệt, trong định hướng tuyên truyền, giáo dục về VHDN cần đào tạo và xây dựng mỗi con người ở VNSTEEL trở thành một “đại sứ thương hiệu” của VNSTEEL để lan tỏa các giá trị văn hóa VNSTEEL ra cộng đồng thông qua các hoạt động phong trào thi đua sản xuất, hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động cộng đồng.
Hai là,nâng cao hiệu quả các hoạt động triển khai xây dựng VHDN.
Công tác xây dựng VHDN cần được phối hợp với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể cũng như thực hiện dân chủ ở cơ sở trong toàn hệ thống VNSTEEL để nâng cao chất lượng toàn diện cho hoạt động xây dựng VHDN.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 390-CT/ĐUT ngày 25-7-2011 của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam; Nghị quyết số 266/NQ-CĐT ngày 23-10-2015 của Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam về việc Công đoàn tham gia xây dựng VHDN, quảng bá thương hiệu và thúc đẩy liên kết hệ thống VNSTEEL; Chỉ thị về xây dựng VHDN của VNSTEEL với mục tiêu: “Tất cả vì sự phát triển bền vững của Tổng Công ty Thép Việt Nam-CTCP”; Quy định về “Chuẩn mực đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động trong VNSTEEL theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy chế văn hóa ứng xử của cán bộ, nhân viên, người lao động VNSTEEL...
Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, các nội quy, quy chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng phòng/ban, đơn vị trong VNSTEEL. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào, như thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sáng kiến tiết kiệm”, “Nhà máy công viên”… Tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch cho người lao động VNSTEEL với nội dung hướng vào việc xây dựng và thực hiện VHDN, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, cơ quan và đoàn thể trong sạch, vững mạnh, cơ quan xanh, sạch, đẹp.
Ba là, chú trọngxây dựng nguồn nhân lực gắn với xây dựng môi trường làm việc thân thiện.
Người lao động là tài sản quý giá, là yếu tố quyết định đến sự thành công của mỗi doanh nghiệp. Do đó, để xây dựng VHDN tại VNSTEEL, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người lao động của VNSTEEL là giải pháp quan trọng hàng đầu, trong đó hướng tới xây dựng lực lượng lao động có phẩm chất tốt, có sức khỏe, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, tay nghề giỏi, có tính trung thực, tính kỷ luật, tinh thần sáng tạo và ý chí quyết tâm vượt thử thách, có phong cách làm việc chuyên nghiệp, văn minh, có tinh thần đoàn kết, tôn trọng, hợp tác, chia sẻ trong công việc, thực hiện tốt các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị.
Xây dựng mối quan hệ hiểu biết, tin cậy, hợp tác làm việc tốt giữa các đơn vị trong và ngoài VNSTEEL, với đối tác và khách hàng, giữa cấp trên với cấp dưới. Đây là cơ sở để xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, thân thiện, cởi mở, là điều kiện để khuyến khích người lao động phát huy tối đa năng lực, sở trường trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ lãnh đạo - yếu tố then chốt cho sự phát triển của VHDN VNSTEEL. Lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ là người góp phần xây dựng nên doanh nghiệp, xác định tầm nhìn chiến lược, sứ mệnh, mục tiêu và định hướng phát triển của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức, ngành nghề kinh doanh, chiến lược kinh doanh, bộ máy nhân sự, kỹ thuật, công nghệ mà còn có thể coi là “thủ lĩnh tinh thần” của doanh nghiệp, là tấm gương thực hành các giá trị văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp cho nhân viên cấp dưới và người lao động noi theo, từ đó, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của doanh nghiệp trong cộng đồng.
Bốn là,phát triển mô hình văn hóa trong doanh nghiệp.
Hiện nay, phát triển mô hình văn hóa hiệu quả cao phù hợp với bối cảnh mới là yêu cầu khách quan và cũng chính là yêu cầu nội tại trong quá trình phát triển của chính doanh nghiệp. Vì vậy, VNSTEEL cần tích cực, chủ động tiến hành cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng đổi mới công tác quản lý, sắp xếp doanh nghiệp phù hợp hơn với mô hình mới, tinh gọn, gắn với việc đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần định vị và chuyển đổi giá trị VHDN nhằm phù hợp, thích nghi với yêu cầu mới của thị trường thế giới và môi trường kinh doanh nhiều thay đổi. VNSTEEL những năm gần đây đã có cơ chế phối hợp một cách đồng bộ, nhịp nhàng, linh hoạt giữa các đơn vị, phòng/ban theo mô hình chuỗi, mỗi đơn vị là một mắt xích, dây chuyền trong hệ thống để tạo ra hiệu quả cao nhất.
Thời gian tới, cần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/ĐUT ngày 05-7-2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam về “Thực hiện chuyển đổi số tại Tổng công ty và đơn vị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định 01/QĐ-VNS năm 2022 của Tổng giám đốc về việc thành lập Ban Chỉ đạo số, bộ phận chuyên trách, nguồn tài chính đầy đủ để thực hiện các dự án. Triển khai 14 dự án đã được đề xuất trong giai đoạn từ nay đến 2025, hướng tới mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ có được hệ thống kết cấu hạ tầng máy chủ mô hình đám mây, các giải pháp điều hành văn phòng điện tử, quản lý nhân sự và từng bước chuyển dữ liệu sang dạng số để quản lý.
Đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên trách có chất lượng cao, am hiểu công nghệ; dành ngân sách tương xứng cho phát triển ứng dụng để nhanh chóng thực hiện các dự án nằm trong lộ trình đã xây dựng, bảo đảm tiến độ và kế hoạch đã đặt ra; tăng cường công tác truyền thông để từng bước thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của toàn thể nhân viên; hỗ trợ các đơn vị trong hệ thống của Tổng công ty thực hiện chuyển đổi số, từng bước xây dựng hệ sinh thái số của Tổng công ty trước năm 2025.
Năm là,tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tốt đẹp từ các tổ chức khác, hướng tới các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Trong nước và trên thế giới có nhiều doanh nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực bởi đã tạo dựng và không ngừng bồi đắp cho VHDN ngày càng phát triển phù hợp với doanh nghiệp và thị trường. Những mô hình VHDN của tập đoàn Samsung, Honda, Apple hay một số doanh nghiệp trong nước như Vinamilk, Viettel… với các giá trị riêng biệt và nhiều hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng, thực sự mang đến những kinh nghiệm và bài học quý báu để VNSTEEL tham khảo, học hỏi trong quá trình xây dựng VHDN.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy chuẩn và thông lệ quốc tế. Các thông lệ và quy chuẩn này cũng chính là một yếu tố quan trọng của văn hóa kinh doanh. Các doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh đều phải nắm vững và tuân thủ nghiêm ngặt các thông lệ, chuẩn mực, quy tắc kinh doanh quốc tế, như thực hiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động, trách nhiệm xã hội, bảo đảm hệ thống quản lý môi trường; xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; phát huy tính sáng tạo; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; sẵn sàng hợp tác, cam kết về việc không phân biệt đối xử, giảm thuế, mở cửa thị trường…
Các doanh nghiệp rất khó khăn để đứng vững nếu không nắm vững luật pháp quốc tế, không biết đổi mới sáng tạo, tiếp thu mô hình quản trị mới, tuân thủ “luật chơi”. Vì thế, VNSTEEL cần nắm vững luật pháp và những quy định của thị trường cũng như từ bỏ tư duy trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà cần có tư duy chủ động, tích cực thời hội nhập.
Đây là một quá trình không hề dễ dàng mà đầy khó khăn và thách thức, đòi hỏi VNSTEEL cần biết vượt thoái khỏi “vòng an toàn”, “vượt lên chính mình”, thoát khỏi “sức ỳ” để tiến lên và vươn xa. Đồng thời, VNSTEEL cần nắm bắt và xử lý thông tin một cách kịp thời về thương mại quốc tế, trong đó có các nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề ra và hiện đang trở thành những tiêu chuẩn toàn cầu, thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới; tích cực đổi mới sáng tạo để đứng vững, hướng tới một doanh nghiệp hiện đại, kiểu mẫu, phát triển bền vững với vị thế hàng đầu của ngành thép Việt Nam và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.