Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị

Để bổ sung những luận cứ khoa học xác đáng nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của nền văn hóa Đông Sơn, sáng 9/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị'.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường trình bày tham luận "100 năm phát hiện và nghiên cứu di cốt người cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn".

PGS.TS Nguyễn Lân Cường trình bày tham luận "100 năm phát hiện và nghiên cứu di cốt người cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn".

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, địa phương, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, di sản, bảo tàng… Đây là những người nhiều năm trực tiếp khai quật, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn.

Hội thảo đã nhận được 28 tham luận, tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính gồm: Nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, đi sâu phân tích sự diễn biến về di tích, di vật, táng thức, thành phần động vật, chủng tộc người, môi trường sống của người Việt cổ trong giai đoạn Đông Sơn; Khoa học liên ngành đề cập đến các vấn đề về cổ môi trường, cổ khí hậu, thành phần động thực vật trong các di tích và đa dạng sinh học của các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Mã; Công tác bảo tồn, bảo quản, quảng bá và phát huy giá trị của văn hóa Đông Sơn và Kỷ niệm 100 năm phát hiện bảo tồn và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung đánh giá những thành tựu, thực trạng trong công tác bảo tồn, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, hướng nghiên cứu mới; đưa ra những triển vọng về bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa Đông Sơn thời gian tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học) cho biết: Đông Sơn là một làng nằm cạnh bờ sông Mã (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh hóa). Địa danh Đông Sơn được dùng để đặt tên một nền văn hóa khảo cổ thời đại sắt sơ kỳ nổi tiếng ở Việt Nam - nền văn hóa Đông Sơn. Kể từ khi được phát hiện (năm 1924) đến nay văn hóa Đông Sơn đã tròn 100 năm được bảo tồn và nghiên cứu.

Kết quả thống kê ở 28 tỉnh, thành phố cho biết văn hóa Đông Sơn có khoảng 400 di tích, trong đó Thanh Hóa chiếm số lượng lớn nhất với 85 di tích. Tại Thanh Hóa, sự phân bố các di tích văn hóa Đông Sơn đặc biệt phong phú với gần như đầy đủ loại hình di tích như di chỉ cư trú, di chỉ cư trú - mộ táng, mộ táng, di chỉ - xưởng và các sưu tập ngẫu nhiên trên hầu hết các dạng địa hình và môi trường. Qua nhiều lần khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận biết đây là khu cư trú và mộ táng với nhiều giai đoạn trong khoảng thời gian gần 2 thiên niên kỷ. Đáng chú ý, tại Thanh Hóa có cụm di tích Đông Lĩnh gồm gò Mả Chùa, Cồn Cấu, Bái Tê, Xóm Rú… Tuy niên đại muộn, tầng văn hóa mỏng, diện tích nhỏ nhưng lại là những di chỉ - xưởng, một loại hình di tích hiếm gặp trong văn hóa Đông Sơn.

Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan hố khai quật di chỉ khảo cổ học Đông Sơn lần thứ VI (làng cổ Đông Sơn, phường Đông Sơn, Thành phố Thanh Hóa).

Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan hố khai quật di chỉ khảo cổ học Đông Sơn lần thứ VI (làng cổ Đông Sơn, phường Đông Sơn, Thành phố Thanh Hóa).

Trên 2 địa bàn gốc của văn hóa Đông Sơn là vùng sông Hồng và sông Mã, hệ thống văn hóa khảo cổ đã được sắp xếp rất rõ ràng và được làm sáng tỏ, trong đó văn hóa Đông Sơn là giai đoạn phát triển cao nhất. Giai đoạn phát triển tiếp theo và trực tiếp của chuỗi liên tục Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn ở vùng sông Hồng và chuỗi cồn Chân Tiên - Bái Man - Đồng Ngầm - Quỳ Chữ - Đông Sơn ở vùng sông Mã.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm khẳng định: Ngày nay, công cuộc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn vẫn được tiếp tục một cách có hệ thống trong khuôn khổ hợp tác giữa nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau, gần đây nhất là dự án nghiên cứu, khai quật quy mô lớn địa điểm Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội). Công cuộc nghiên cứu này đã mang lại khối lượng tư liệu mới hết sức quan trọng trong nhận thức về thời đại Kim khí Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Đông Sơn.

Từ năm 1960 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), các cơ quan nghiên cứu có liên quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu, thám sát, khai quật khảo cổ học và đã phát hiện được trên 120 địa điểm, di chỉ khảo cổ, công cụ sản xuất, vũ khí… bằng đồng, tiêu biểu cho các di vật của một nền văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ đồ sắt. Trong đó, phải kể đến gần 300 di tích về trống đồng, chiếm số lượng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố của cả nước.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng khẳng định: Văn hóa Đông Sơn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng; vấn đề quản lý, bảo tồn quá khứ, hiện tại và tương lai, phát huy giá trị của các di tích Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa được đặt ra mang tính cấp thiết.

Thanh Hóa đang xây dựng các đề án, dự án, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích khảo cổ, tạo cơ sở khoa học và những điều kiện cần thiết để từng bước đưa các di tích văn hóa Đông Sơn trở thành di sản văn hóa quan trọng của tỉnh, của quốc gia. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo, quy hoạch đất cho từng di tích khảo cổ tiêu biểu, bảo tồn tốt không gian, địa điểm phục vụ nghiên cứu, đồng thời để các di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn - điểm nhấn cho du khách khi đến với xứ Thanh.

Bài, ảnh: Hoa Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/van-hoa-dong-son-100-nam-phat-hien-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-20240809140359595.htm