Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Bảo anh ấy về nhà ăn cơm
Tôi yêu Phong ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Mà yêu anh thì tôi đoán chắc sẽ không đi nhà hàng ăn những món ngon, cũng chẳng có ô tô được che kín gió vi vu trên những nẻo đường. Tôi đùa với bạn bè, đây là một sự chọn lựa hoàn hảo. Anh chỉ có chiếc xe đạp cũ, đôi khi đi giữa đường bị tuột xích, thắng xe có khi ăn có khi không. Nhưng với tôi, ngồi sau lưng anh trên chiếc xe đạp cũ ấy là điều hạnh phúc nhất trần đời.
Bạn bè nói tôi là đứa con gái yêu ngu nhất thế giới, yêu là yêu, chẳng cần biết sau khi lấy được người mình yêu thì tương lai sẽ như thế nào? Mà thế giới này rộng lớn quá, nhiều cuộc tình quá, làm sao tôi biết tôi yêu ngu hay là khôn? Nhưng ngẫm lại, có thể mọi người quan niệm tình yêu giống như một công việc làm ăn, đôi bên cùng có lợi nên mới nói chuyện ngu và khôn. Còn chuyện hai người yêu nhau thì tôi luôn tâm niệm là dẫu có thua thiệt chút xíu trong cuộc sống cũng đâu có sao đâu? Miễn là mình được vui cùng, buồn cùng và đi cùng người đàn ông mà mình yêu thương.
Tôi yêu anh chỉ là vì yêu anh. Khi mẹ bảo với tôi rằng anh nghèo, bà thở dài, nhìn xa con đường với những hàng cây xanh đang đung đưa theo gió, bà luôn sợ con gái bà sẽ khổ bởi tình yêu chẳng thể nào bù đắp với chuyện áo cơm. Nhưng mẹ chỉ thở dài vậy thôi, bà bảo tôi đưa bàn tay của tôi cho bà nắm, ngắm nhìn. Mẹ nói: “Bàn tay này mềm lắm, chịu khổ không được đâu”.
Ba lại khác, ba bảo anh có chí, tôi biết ba quý anh. Ba nói ngày xưa ba cũng nghèo lắm, chỉ là anh thợ mộc tối ngày cưa xẻ trong xưởng cưa, còn bây giờ ba đã là một nhà thầu - “Miễn là con yêu, không sao cả”.
Tôi là con nhà giàu ngay từ khi mới sinh ra đời. Ba tôi bắt đầu gây dựng cơ nghiệp từ tay không, cho nên dẫu trong nhà có điều kiện nhưng ông không hề nuông chiều con cái. Ông bảo: “Sự giàu có nó như giấc chiêm bao, không nên nhận hết phần cho mình mà phải chia bớt cho người khác”. Vì vậy, ông đã lập ra một quỹ từ thiện, cứ vài tháng lại tổ chức đi cứu trợ cho đồng bào miền núi, nhất là ở các buôn làng mà học trò đi học còn đi chân đất, những ngôi nhà che tạm ẩn náu sau những rặng cây.
Những chuyến đi từ thiện cùng ba, nhìn những em học trò thơ ngây với gương mặt hồn nhiên, tóc dài quá lứa. Gặp những người dân chờ đợi nhận quà, đôi khi tặng lại bằng bó rau hoặc cây trái trong vườn khiến cho lòng tôi vui. Và cũng trong một chuyến đi từ thiện thay cho ba, tôi gặp anh.
Anh làm thư ký công trường cho ba, không biết bao nhiêu công trường giữa thời buổi nhà sát nhà, những khoảng đất trống phút chốc trở thành những khu đô thị khi những con đường nhựa êm ái được mở ra. Anh sống trong một gia đình nói theo kiểu anh là “chẳng giống ai”. Vì vừa sinh anh ra đời, ba mẹ chia tay, anh được ba đem về ở với người vợ sau. Tuổi thơ của anh đầy những lời la mắng và những vết hằn roi. Thế rồi anh bỏ nhà đi mà chẳng biết đi đâu, cuối cùng anh đói và mệt lả trên một con đường nhỏ ở một làng quê. Anh được ba mẹ nuôi đem về. Họ vốn là những người nông dân chân chất, che chở và tạo điều kiện cho anh học hành thành tài. Có thể bởi một quá khứ buồn bã ấy mà ít khi anh đùa giỡn hay hòa nhập với mọi người, anh im lặng làm việc, anh im lặng đi về, chẳng tâm sự với ai. Ngay cả tôi, anh cũng đưa mắt nhìn mà ít khi nở một nụ cười. Chính điều đó làm tôi chú ý tới anh.
Tôi, con ông chủ nhà thầu thỉnh thoảng lên công trường, phải lòng anh thư ký công trường. Có những buổi trưa chủ nhật, tôi loay hoay nấu cơm, anh chạy ra cái chợ nhỏ gần công trường mua thức ăn. Hai đứa ngồi ăn cơm giữa bộn bề vôi vữa và sắt thép. Hỏi sao anh không về nhà? Anh cười vì chẳng biết về đâu. Bởi ba mẹ nuôi anh sau đó qua đời, căn nhà cũng đã bán, chốn về đó cũng không còn.
Ba tôi là một người đàn ông từ tay không gây dựng nên sự nghiệp. Chính vì thế mà ông quý mến anh. Ông nói với tôi rằng tiền bạc còn mất như giấc mộng, chỉ có tình yêu là giữ được hai trái tim với nhau. Ông bảo sau khi hai đứa lấy nhau về nhà mà ở, bởi thời buổi này nhà vợ nhà chồng nhà nào rộng là nhà của mình. Anh lắc đầu: “Tụi con không ở đâu ba à”. Ba tôi giận, cơn giận của ông giống như bão đang về phố.
Tuần trăng mật, hai đứa chọn một tỉnh ở miền Trung. Hai đứa đi rất nhiều nơi, trải nghiệm gần như toàn bộ các điểm đến, đặc sản. Nói chung là một tuần trăng mật lạ. Anh thuê chiếc xe máy chở tôi đi cùng khắp, tôi ôm anh trong gió ngàn bay mà lòng rất vui. Bởi vì với tôi, có anh tôi đã có một bầu trời rộng. Cuộc sống đôi khi chẳng có gì gọi là vĩ đại, chỉ cần đi chung nhau một con đường, chỉ cần ăn chung bữa ăn, và chỉ cần ôm cái eo của anh là đã đủ.
Công việc của anh không suôn sẻ. Bởi vì trong mọi vấn đề, năng lực chưa đủ mà còn cần thời gian. Nhưng không vì vậy mà anh than thở, anh nói rằng anh sẽ mua một căn nhà, tôi hãy đợi. Tôi tin lời anh, bởi một con người có chí thì gần như việc gì cũng có thể làm được. Tôi chỉ nói, giá như anh nghe lời tôi về nhà ba mẹ ở cùng. Ba lại bảo: “Chồng con có cái lý của nó. Một người đàn ông không ỷ lại chắc chắn sẽ làm được nhiều việc”.
Hôm đó, trời mưa to. Hôm đó cũng là sinh nhật của ba. Ba bảo lâu rồi ba không tổ chức sinh nhật, lần này tổ chức để con cái sum họp là chính. Tôi bảo với anh là khi đi công tác nhớ về đúng ngày, vì anh vừa nhận một công trình tại Đà Lạt, đây là mối làm ăn lớn. Anh đi Đà Lạt cả tuần nay. Có thể anh sẽ không về kịp.
Ba tôi, người đàn ông mà tôi gọi là vĩ đại nhất đối với tôi rất vui khi cả nhà đông đủ. Linh và Lan là hai đứa em gái vẫn còn ở chung với gia đình, chưa lập gia đình, chỉ mỗi tôi là ra riêng. Mẹ hỏi nhỏ tôi: “Chồng con đâu?” Tôi nói: “Dạ, đi Đà Lạt rồi”. Mẹ thở dài như cơn gió đang len qua nhà.
Tôi lên sân thượng, nơi đó ba trồng rất nhiều cây cảnh và hoa. Ở nơi này giống như một khu vườn thu nhỏ, có bộ bàn ghế đá để ngồi uống trà ngắm cây cỏ. Ba đang ở đó, ba ngắm những lá xanh đang non nõn nhú. Ba quay lại nói với tôi: “Con bảo chồng con về nhà ăn cơm”. Tôi gọi điện cho anh, chỉ có những âm thanh tút tút trong gió ngàn. Tôi nhắn tin: “Anh về chưa? Ba bảo về ăn cơm”. Ngoài trời vẫn mưa.
Ba bảo căn nhà dẫu có đông người, nhưng thiếu một người cũng không gọi là vui. Bàn ăn dọn ra, mọi người ngồi vào chỗ của mình. Bàn ăn có một ghế trống.
Vừa lúc ấy nghe tiếng con Bo sủa mừng vui, tiếng xe taxi dừng lại bị tiếng mưa át đi. Ba nói: “Nó về rồi”. Người lớn luôn có trực giác không hề sai. Và đúng như vậy, chàng rể lì lợm của ba, ông chồng ngang bướng của tôi đã về kịp trong bữa cơm đoàn viên. Trên tay anh còn có một bó hoa, toàn là hoa hồng chắc mua ở Đà Lạt. Anh đưa bó hoa cho ba: “Con chúc mừng ba thêm tuổi mới”. Chiếc ghế trống đã được anh ngồi.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/bao-anh-ay-ve-nha-an-com-a116954.html