Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Có nhiều thứ cần phải thay đổi
Đó là những yêu cầu đang đặt ra với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế hiện nay. Tiếp nhận vai trò Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, ông Võ Lê Nhật chuẩn bị tâm thế với những nhiệm vụ mới.
Ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ảnh: P. THÀNH
Trò chuyện cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần, ông Võ Lê Nhật chia sẻ:
Vai trò, vị thế của Trung tâm BTDTCĐ Huế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế đã được khẳng định. Với áp lực đó, tôi xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách khi bản thân tiếp nhận cương vị mới, nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, đồng hành có cả tập thể ban giám đốc, cán bộ, nhân viên và người lao động của trung tâm, tôi tin chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Vừa nhận nhiệm vụ mới , hạng mục tôn tạo mặt nam kè Hộ thành hào đã bị “thổi còi” vì những sai sót trong thi công. Từ câu chuyện này, công tác trùng tu ở di tích Huế sẽ được điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
Việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích là công việc hết sức đặc thù. Việc thực hiện hạng mục tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành hào mặt nam Kinh thành Huế đã có một số thiếu sót, hạn chế. Chúng tôi tiếp thu phản ánh của báo chí và dư luận, đặc biệt nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Cùng với việc phát huy những mặt tích cực của dự án, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầu tư tốt hơn, tổ chức quản lý, thi công chất lượng hơn. Đồng thời, luôn lắng nghe, cầu thị từ những ý kiến phản biện, góp ý chân thành của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa để hoàn thiện các dự án bảo tồn, trùng tu di tích.
Thừa Thiên Huế cần đổi mới mô hình hoạt động của Trung tâm BTDTCĐ Huế để thực hiện công tác bảo tồn di sản tốt hơn. Yêu cầu này đặt ra cho giám đốc mới nhiệm vụ gì, thưa ông?
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi xây dựng Đề án đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của Trung tâm. Đến nay, đề án đã cơ bản hoàn chỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đề án tập trung đổi mới thực sự, cơ bản về tổ chức bộ máy và hoạt động của Trung tâm, quyết tâm tinh gọn bộ máy. Sáp nhập các phòng, ban, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau, không còn phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, đề ra các giải pháp tăng nguồn thu, giảm gánh nặng ngân sách và nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, Trung tâm sẽ tập trung nâng cao ý thức của cán bộ, viên chức và người lao động. Thay đổi cách nghĩ, cách làm việc, cách tiếp cận và phương pháp làm việc. Làm sao để tự mỗi cán bộ, viên chức và người lao động ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình để đáp ứng tốt nhất cho công việc.
Một tiết mục trong chương trình “Âm sắc cung đình” tổ chức ở Đại Nội. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Gần đây, vấn đề “Cấm địa Ngự Bình” đã được một nhà nghiên cứu văn hóa Huế đề cập, trong đó có nêu vai trò của Trung tâm BTDTCĐ Huế. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là một biểu tượng của thiên nhiên thơ mộng xứ Huế. Hiện nay, núi Ngự Bình không thuộc danh mục các khu vực được giao cho trung tâm quản lý, nhưng tấm bia “Bình lãnh đăng cao” nằm phía dưới chân núi đã được trung tâm tu bổ nhà bia vào năm 2014. Toàn bộ khuôn viên bao quanh núi hiện đang ken dày lăng mộ và rải rác đất đai nhà cửa của dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, nghiên cứu các giải pháp để đề xuất UBND tỉnh. Chúng tôi nghĩ, trước mắt chúng ta cần tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng từng khu vực trong điều kiện có thể. Từ đó, từng bước giữ lại vẻ đẹp vốn có của Ngự Bình. Việc này, chỉ riêng Trung tâm BTDTCĐ Huế thì không thể thực hiện được, mà cần phải có sự đồng thuận và chung tay của các sở, ngành, địa phương liên quan.
7 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ giải ngân khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản, trùng tu di tích chỉ đạt gần 25%. Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ tăng tốc như thế nào để thay đổi tỷ lệ trên, thưa ông?
Tính đến cuối tháng 8 năm 2019, Trung tâm giải ngân được hơn 26,3 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch năm. So với cùng kỳ những năm trước, tình hình giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản của trung tâm có chậm hơn. Nguyên nhân là do trong quá trình thi công các công trình, đã có những phát hiện mới về nguyên nhân hư hại, cần thời gian nghiên cứu, điều chỉnh so với hồ sơ kỹ thuật. Hơn nữa, nguồn cung cấp những vật liệu đặc chủng cho công tác bảo tồn, trùng tu ngày càng hạn chế. Việc tìm kiếm vật liệu thi công ngày càng khó khăn, cần thêm thời gian để tìm kiếm.
Khắc phục vấn đề này, một mặt chúng tôi tăng cường đôn đốc các đơn vị thi công và các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình. Đối với các công trình xuất hiện các vấn đề kỹ thuật, đơn vị thi công và đơn vị giám sát khẩn trương báo cáo chủ đầu tư để tìm hướng hỗ trợ, giải quyết sớm các vấn đề nảy sinh. Mặt khác, chúng tôi yêu cầu các đơn vị thi công chủ động tìm nguồn vật liệu phục vụ cho công tác trùng tu. Khuyến khích việc tìm nguồn cũng như tích trữ các vật liệu đặc chủng, hiếm để giành cho những công trình, dự án tiếp theo.
Công tác trùng tu di tích có đặc thù là những tháng đầu năm thường dành cho công tác hạ giải, đánh giá và gia công phục chế, gia cố - gia cường các kết cấu gỗ. Những tháng thuộc quý III và IV là thời gian lắp dựng công trình, khi đó khối lượng cần giải ngân lớn. Theo đó, chúng tôi sẽ yêu cầu các bộ phận liên quan tập trung giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, nghiệm thu và thanh quyết toán theo quy định để hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch được giao.
Liên quan đến việc quản lý hàng ngàn hiện vật nhà Nguyễn, trung tâm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất như thế nào để bảo quản và phát huy giá trị khối di sản này?
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang lưu giữ, quản lý và bảo quản trên 11.000 hiện vật, trong đó có 7 nhóm cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Hàng trăm hiện vật được trưng bày và lưu giữ tại bảo tàng và các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Hệ thống hiện vật này được bảo quản tại các kho, phân chia thành các nhóm chất liệu để có chế độ bảo quản riêng. Tất cả đều được đặt trong tủ hoặc trên giá đỡ. Tuy nhiên, số lượng hiện vật ngày một nhiều do điều động từ các điểm di tích về để đảm bảo an ninh, an toàn cho hiện vật, nên khu vực cất giữ hiện vật còn chật hẹp, thiếu không gian. Hơn nữa, hệ thống kho cổ vật tại bảo tàng đã xuống cấp sau một thời gian dài kể từ khi xây dựng cách đây gần 100 năm, nên chưa đáp ứng yêu cầu khoa học về bảo quản hiện vật.
Để đảm bảo an toàn cho hiện vật trong mọi khả năng có thể, chúng tôi tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, tăng cường gia cố hệ thống các tủ, bục, giá đỡ hiện vật trong kho. Đồng thời, hạn chế tối thiểu sự tác động của khí hậu đến hiện vật bằng cách lắp đặt máy điều hòa, máy đo độ ẩm, nhiệt độ để giám sát, đảm bảo môi trường ổn định cho kho cổ vật… Để đảm bảo tính bền vững, chúng tôi đang nghiên cứu việc bố trí nguồn vốn xây dựng cơ sở bảo tàng mới. Trong đó, có việc xây mới hệ thống kho bảo quản đáp ứng các tiêu chí về an ninh, an toàn hiện vật và đủ không gian để bố trí các kho chứa tùy theo chất liệu hiện vật với các trang thiết bị hiện đại. Đây là một câu chuyện dài và chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cấp và các ban, ngành liên quan.
Xin cảm ơn ông!
ĐỒNG VĂN (thực hiện)
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/co-nhieu-thu-can-phai-thay-doi-a77539.html