Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Kiến nghị mở rộng diện tích khai quật di tích núi Bân

Sau khi hoàn thành khai quật khảo cổ di tích núi Bân và có báo cáo sơ bộ, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương tiếp tục mở rộng khai quật khảo cổ di tích này.

Di tích núi Bân vừa được khai quật khảo cổ để nghiên cứu

Di tích núi Bân vừa được khai quật khảo cổ để nghiên cứu

Ngày 17/8, thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao cho biết đã gửi kiến nghị này đến UBND tỉnh.

Trước đó, sau 35 ngày tiến hành khai quật khảo cổ di tích núi Bân, sở đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có báo cáo sơ bộ để đánh giá kết quả. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao kết quả khai quật khảo cổ di tích núi Bân và xem đây là việc làm cần thiết để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy một di tích hiếm hoi của triều đại Tây Sơn còn lại trên vùng đất Cố đô Huế.

Kết quả bước đầu xác định được những dấu tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Qua đó cung cấp nguồn tư liệu vật chất quan trọng, xác thực, làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử, kiến trúc của di tích núi Bân trong lịch sử vương triều Tây Sơn.

Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa và Thể thao, kết quả nghiên cứu bước đầu chưa khẳng định được tính toàn vẹn, phạm vi phân bố và quy mô của đàn. Những dấu tích kiến trúc tìm thấy trong các hố đào mới chỉ xác định được tính nguyên gốc, phần nào phác họa được diện mạo đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Vì thế, việc tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích núi Bân là cần thiết nhằm cung cấp và bổ sung đầy đủ hơn những thông tin khoa học, xác định cụ thể và toàn diện hơn về quy mô, kích thước, phạm vi phân bố và kết cấu nền móng nguyên gốc của đàn Nam giao thời Tây Sơn. Từ đó làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kien-nghi-mo-rong-dien-tich-khai-quat-di-tich-nui-ban-a116608.html