Văn học Đông Nam Á còn lạ lẫm với học giả phương Tây
Theo các nhà nghiên cứu tại Hội thảo 'Văn học so sánh Đông Nam Á', tác phẩm văn học Việt Nam và các nước lân cận vẫn còn xa lạ trong mắt học giả phương Tây.
Năm 2021, số 81, tạp chí Tư liệu lưu trữ Phương Đông của Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm xã hội Cộng hòa Séc đã tổ chức một chuyên mục mang tên "Văn học Đông Nam Á trong không gian văn học thế giới". Sau khi gửi lời mời viết bài đi nhiều nơi, ban biên tập có cho độc giả biết thông tin rằng họ nhận được một bài viết duy nhất từ học giả người Australia về văn học Malaysia”, TS Trần Thiện Khanh, Phó viện trưởng Viện Văn học, nói về thực trạng của nghiên cứu văn học Đông Nam Á.
Đó cũng là chủ đề bàn thảo của hội thảo khoa học quốc tế “Văn học so sánh Đông Nam Á” được tổ chức ngày 14/12 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. Hội thảo ghi nhận sự đóng góp tham luận của các học giả trong nước và quốc tế từ Philippines, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc…
Văn học so sánh ở các nước Đông Nam Á
Một vấn đề lớn đã được đặt ra tại hội thảo là sự hiện diện của văn học Đông Nam Á trong các thực hành nghiên cứu của các nhà phê bình phương Tây vẫn còn rất hạn hẹp. Những tác phẩm của châu Á đa phần đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong khi khu vực Đông Nam Á, vốn là một khu vực rất giàu có về văn hóa, dường như lại còn là một vùng văn chương mới lạ.
Theo đánh giá của TS Trần Thiện Khanh (Phó viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), sự thiếu vắng của văn học Đông Nam Á trong nghiên cứu văn học so sánh đã được nhiều nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trên thế giới chú ý.
Mặc dù vậy, các trường đại học ở phương Tây vẫn nỗ lực đưa thêm môn học, tăng giờ giảng dạy về văn học Đông Nam Á để giúp sinh viên, nghiên cứu sinh, các nhà khoa học có thể mở rộng phạm vi đối chiếu trong lĩnh vực văn học so sánh hơn. Những kết quả đưa ra không chỉ dựa trên sự đối chiếu trong văn học của các nước sử dụng ngôn ngữ Anh hay rộng hơn là văn học phương Tây.
Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó rào cản ngôn ngữ là một trong những vấn đề lớn. PGS.TS Nguyễn Văn Dân nhận định rằng dịch thuật là một vấn đề rất quan trọng trong việc đối chiếu, so sánh các nền văn học.
Giữa Việt Nam và các nước phương Tây có sự xa cách về ngôn ngữ, ngay trong khu vực Đông Nam Á cũng vậy. Ví dụ về vấn đề này, PGS.TS Trần Nho Thìn đã đưa ra một ví dụ về việc cách các dịch giả nước ngoài sẽ làm như nào thể dịch từ “têm trầu”. Để có thể chuyển ngữ được động từ “têm” dịch giả buộc phải quan sát nhìn nhận từ thực tế thì mới có thể tạo ra được một ngôn ngữ hoàn chỉnh khi dịch thuật từ này.
Mặc dù vậy, điểm sáng trong chuyên ngành văn học so sánh các nước Đông Nam Á là vẫn có những học giả khu vực quan tâm và đào sâu về vấn đề này. Ví dụ cuốn sách Bản ngã và Xã hội trong tiểu thuyết Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Đông Nam á (Singapore) xuất bản năm 1988. Ở Việt Nam, văn học Đông Nam Á bắt đầu được nghiên cứu vào những năm 1980, bắt đầu từ công trình của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chẳng hạn cuốn Văn học các nước Đông Nam á do Nguyễn Thế Đắc chủ biên (xuất bản năm 1983).
PGS.TS Nguyễn Đức Minh (Phó viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cảm ơn các nhà khoa học quốc tế tham dự hội thảo. Ông mong rằng thông qua hội thảo, các nhà nghiên cứu quốc tế hiểu hơn về văn học Việt Nam; trong thời gian tới, có thể có thêm các thực hành nghiên cứu văn học so sánh với Việt Nam.
Văn học so sánh Việt Nam ngày càng phát triển
Tại hội thảo, PGS.TS Phùng Ngọc Kiên cho biết chính sự dịch chuyển của thời thế đã tạo ra các vận động bên trong không gian văn học của mỗi khu vực. Việc so sánh văn học được thực hiện bài bản tại Việt Nam từ những năm 1980.
Cho đến hiện nay, văn học so sánh ngày càng có nhiều công trình tập trung vào các tác phẩm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Mức độ tập trung cho thấy nhu cầu cao của giới nghiên cứu về giai đoạn chuyển đổi quan trọng của xã hội Việt Nam đương thời.
Bên cạnh số lượng, các công trình nghiên cứu còn chứa đựng nhiều lý thuyết, và có độ mở được PGS.TS Phùng Ngọc Kiên ví như “một cánh cửa sổ” để hướng ra tinh thần toàn cầu hóa đầu những năm 2000. Các cuốn sách về chủ đề văn học so sánh cũng đa dạng hơn chẳng hạn Việt Nam và phương Tây tiếp nhận và giao thoa trong văn học (Đặng Anh Đào, 2007), Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng (do Trần Đình Sử chủ biên, 2005), Từ văn học so sánh đến thi học so sánh (Phương Lựu, 2002)...
Theo PGS.TS Phùng Ngọc Kiên, qua quá trình so sánh, chúng ta nhận thấy văn học Việt Nam đã tiếp nhận và chịu ảnh hưởng đối với văn học Pháp, văn học Xô Viết. Nhận thức về căn cước dân tộc và hòa hợp cộng đồng đã được hình thành. Nhờ đó, văn học Việt Nam vẫn có những nét đặc trưng, hòa nhập mà không hòa tan.
Thông qua phiên thảo luận, các nhà khoa học đều khẳng định chuyên ngành văn học so sánh có vai trò quan trọng để nhìn nhận chính xác về các giá trị cốt lõi cũng như sự vận động trong văn học khu vực. Từ đó, các công trình nghiên cứu được hình thành và đóng góp vào hệ thống lý luận, phê bình của Việt Nam nói chung và toàn thế giới nói riêng về văn học hay rộng hơn là về khoa học xã hội.
Nguồn Znews: https://znews.vn/van-hoc-a-dong-con-la-lam-voi-hoc-gia-phuong-tay-post1448842.html