Văn học, nghệ thuật - nguồn lực to lớn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc - Bài cuối
Bài cuối: Văn học, nghệ thuật Cao Bằng sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
Sau khi đất nước thống nhất, với khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ (VNS) trong tỉnh đã tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, khi đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, vươn mình, văn học nghệ thuật (VHNT) Cao Bằng cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi sự chuyển biến, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của công chúng và thời đại.
Văn học nghệ thuật làm nên sức vóc, bề dày văn hóa mới
Nhà văn Hữu Tiến, Chi hội Văn học dân gian chia sẻ: Cao Bằng là một tỉnh miền núi có nền văn học khá phát triển. Từ sau năm 1975, đặc biệt sau thời kỳ đổi mới, VHNT tỉnh nở rộ về đội ngũ tác giả cũng như tác phẩm. Nhiều tác phẩm gây được ấn tượng trong lòng độc giả và đạt giải cao như: Tập ký “Lung linh những vì sao biên ải” của Chu Sĩ Liên, tập truyện ngắn “Những bức thư không gửi” của Mông Văn Bốn, tiểu thuyết “Ghềnh thác cuộc đời” của Hữu Tiến đều nhận được Giải thưởng của Liên Hiệp các hội VHNT Việt Nam; Tập “Ngôi nhà xưa bên suối” của Cao Duy Sơn đoạt giải thưởng văn học Đông Nam Á; tiểu thuyết “Người lang thang” của Cao Duy Sơn nhận được giải thưởng của Hội văn hóa Nhật - Việt; tập “Vườn khuya” của Trần Hùng nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Văn học Đông nam Á và giải thưởng Nhà nước…
Với truyền thống và bề dày lịch sử của mình, hoạt động nghệ thuật cũng đã góp phần làm dày thêm thành tựu văn hóa của tỉnh. Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Chi hội trưởng Chi hội âm nhạc và biểu diễn cho biết: Trong dòng chảy của 50 năm VHNT, hoạt động nghệ thuật có những dấu ấn mới, góp phần làm đa dạng, đa sắc thái trong sự nghiệp VHNT của tỉnh. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, các nhạc sỹ của tỉnh đã sáng tác hơn 70 ca khúc về chủ đề ca ngợi Đảng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi non nước Cao Bằng, nhiều tác phẩm được vinh danh tại các cuộc thi cấp Trung ương và địa phương. Các diễn viên ngoài tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ còn tham gia biên đạo, dàn dựng chương trình nghệ thuật được nhiều tiết mục tham dự hội thi ở cấp ngành, cấp tỉnh, khu vực, đạt giải cao. Nhiều diễn viên, nghệ sỹ đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý như: Nghệ sỹ Nhân dân Dương Liễu; các nghệ sỹ Hoàng Quỳnh Nha, Hoàng Kim Tuế, Ma Thị Hương Lan, Trần Đức Cảnh, Lâm Thị Minh Huệ được phong tặng Nghệ sỹ Ưu tú.

Các văn nghệ sỹ của tỉnh trao đổi, chia sẻ về hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật.
Cùng với sự phát triển và lớn mạnh VHNT địa phương, mỹ thuật Cao Bằng giai đoạn sau 1975 cũng đạt được những thành tựu đáng mừng. Các hội viên đã tích cực sáng tác, tham gia hoạt động triển lãm tại địa phương, khu vực và toàn quốc. Trong những năm qua, 2 họa sỹ của tỉnh được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam; nhiều họa sỹ đạt giải cao tại các cuộc thi, triển lãm mỹ thuật toàn quốc, khu vực, tiêu biểu có họa sỹ Lô Quang Thưởng đã đạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2021. Mỗi năm đội ngũ họa sỹ Cao Bằng đóng góp từ 8 - 10 tác phẩm mỹ thuật tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc.
So với các loại hình VHNT khác, nhiếp ảnh có phần non trẻ hơn, nhưng cũng khẳng định được sức mạnh nghệ thuật trong việc truyền tải giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc quê hương. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Đức Hòa khẳng định: Trong chiến tranh, nhiếp ảnh là “người lính đặc biệt” trên mặt văn hóa - tư tưởng. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều nhiếp ảnh trẻ tiếp tục khẳng định vai trò của nhiếp ảnh không chỉ phản ánh thực tiễn mà còn gìn giữ, xây dựng bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc. Hiện nay, Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh có 15 hội viên, các hội viên luôn tích cực tham gia các hoạt động triển lãm tại địa phương, khu vực, trong nước và quốc tế, như: Liên hoan nghệ thuật khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc tại tỉnh Điện Biên năm 2024, trong đó có 7 tác phẩm treo triển lãm và đạt 1 Huy chương Đồng; Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29 năm 2024 tại tỉnh Sơn La và phối hợp đi thực tế sáng tác tại các tỉnh Tây Bắc, có 28 tác phẩm gửi tham gia và có 16 tác phẩm được treo triển lãm. Đạt 1 giải “Tác giả trẻ”, có 3 tác phẩm được giới thiệu dự Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Có 13 tác phẩm được tham gia trưng bày tại các cuộc triển lãm ảnh trong nước và khu vực; 3 tác phẩm tham gia triển lãm tại Hàn Quốc; 4 tác phẩm đạt giải cấp tỉnh; thực hiện trên 300 cuộc triển lãm trong tỉnh và khu vực…
Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nguyễn Việt Hùng cho biết: Trong từng giai đoạn, dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng đội ngũ VNS, những nghệ nhân dân gian của tỉnh không ngừng sáng tác, sáng tạo để gìn giữ và làm phong phú thêm những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; đóng góp tích cực vào sự phát triển của VHNT tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động VHNT của tỉnh còn một số hạn chế như: Số lượng VNS của Hội VHNT tỉnh còn khiêm tốn, hoạt động VHNT còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có nhiều tác phẩm xứng tầm gây được tiếng vang; nguồn nhân lực nghiên cứu, sáng tác còn hạn chế, chưa bắt kịp với xu thế phát triển của VHNT trong quá trình hội nhập phát triển của đất nước… Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, khi bước vào kỷ nguyên vươn mình, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền văn hóa, VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững quê hương, đất nước.
Tổng Biên tập Tạp chí Non nước Cao Bằng Phạm Thanh Thắng cho rằng, trong làn sóng toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ, VHNT đang đứng trước những tác động đa chiều, vừa là cơ hội mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hội nhập văn hóa quốc tế, vừa là thách thức lớn trong việc giữ gìn bản sắc. Vấn đề đặt ra là phải biết tích cực khai thác giá trị văn hóa các dân tộc, văn hóa các vùng miền trong sáng tác; đồng thời chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa VHNT thế giới, góp phần tạo nên những giá trị mới, vừa mang tầm quốc tế, vừa thấm đẫm hồn cốt dân tộc.
Cùng quan điểm, họa sỹ trẻ Hoàng Thu Huyền cho rằng thời đại mới có những cơ hội lớn và cả những thách thức không nhỏ bởi cách nghĩ, cách làm và cách thụ hưởng nghệ thuật của công chúng đã có nhiều thay đổi. Do đó, họa sỹ đề xuất cần tăng cường đầu tư và đổi mới cơ chế, chính sách tài trợ cho VNS, nhất là VNS dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, VNS cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo.
Trao đổi với VNS tại Hội thảo VHNT các dân tộc thiếu số Cao Bằng sau 50 năm ngày đất nước thống nhất do Hội VHNT tỉnh tổ chức, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bế Lan phương khẳng định, VHNT nửa thế kỷ qua đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển quê hương, đất nước. Về phương hướng phát triển, theo đồng chí cần tiếp tục nâng cao giá trị VHNT trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn vậy, ngoài nền tảng chính sách và luật pháp vững chắc, linh hoạt, quyết đoán để kích cầu VHNT và hướng đến sự phát triển bền vững, cần xây dựng, phát triển đội ngũ VNS một cách toàn diện, đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của VNS. Mỗi VNS phải tự trau dồi bản lĩnh, coi khát vọng sáng tạo là mục đích cao đẹp của VNS, không ngừng tích lũy kiến thức về nhiều mặt, phấn đấu có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Cần định hướng, mở đường cho sự phát triển của VHNT trong tình hình mới. Trong đó, sáng tạo VHNT cần gắn với tư duy chuyển đổi số, VNS phải điều chỉnh tư duy và cách thức sáng tạo của mình để tiếp cận, thích ứng và phát triển.
50 năm VHNT của tỉnh đã phát triển ở các lĩnh vực. Các VNS tỉnh đã đạt nhiều giải thưởng VHNT tại các cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác trong nước và quốc tế, gồm: 4 Giải thưởng Nhà nước; 2 Giải thưởng ASEAN. Giải thưởng chuyên ngành Trung ương, khu vực và toàn quốc: Hơn 70 giải A và huy chương vàng, hơn 60 giải B và huy chương bạc, hơn 50 giải C và huy chương đồng; hơn 30 giải khuyến khích; được nhiều tặng thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các giải thưởng do địa phương tổ chức. Nhà nước phong tặng 1 danh hiệu nghệ sĩ nhân dân; 5 nghệ sĩ ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân, 23 nghệ nhân ưu tú.