Văn học thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới từng bước
Đời sống văn học thiếu nhi, thị trường sách thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay vô cùng sôi động với lượng lớn tác phẩm trong và ngoài nước, phong phú, đa dạng về thể loại, đề tài, hình thức… Có thể nói, đây là kết quả của quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng của nước ta. Nói như vậy là vì quá trình đó đã tạo điều kiện cho văn học thiếu nhi nước ngoài được dịch và giới thiệu ở Việt Nam nhiều hơn, đồng thời văn học thiếu nhi Việt Nam cũng có nhiều cơ hội được xuất khẩu ra nước ngoài hơn.
Bước ra thế giới
Những năm qua, sách văn học thiếu nhi Việt Nam được xuất ngoại ngày càng nhiều hơn. Ở mảng sách này, thành tích xuất khẩu ấn tượng nhất thuộc về thiên đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Kế đến có Đất rừng phương Nam đã được dịch ra các thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha. Nguyễn Nhật Ánh có nhiều tác phẩm được dịch sang các ngôn ngữ khác, đó là Chúc một ngày tốt lành (tiếng Anh), Ngồi khóc trên cây (tiếng Anh), Mắt biếc (tiếng Nhật), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (tiếng Thái, tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Nhật), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (tiếng Nhật, tiếng Anh), Đi qua hoa cúc (tiếng Nhật) và Tôi là Bêtô (tiếng Hàn)... Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần được dịch sang tiếng Anh và tiếng Thụy Điển. Ngoài ra, một số tác phẩm cũng đã được đề nghị mua bản quyền và sẽ được ra mắt ở nước ngoài (như Búp sen xanh của Sơn Tùng)…
Nếu đặt lên bàn cân, dễ thấy cán cân sẽ nghiêng về phía nhập khẩu sách thiếu nhi nước ngoài so với phía xuất khẩu văn học trong nước ra thế giới. Tuy nhiên, những nỗ lực vươn ra thế giới của văn học thiếu nhi trong nước trong thời gian vừa qua rất đáng ghi nhận. Đó là những tín hiệu khả quan, cho thấy văn học thiếu nhi Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tiếp cận và được bạn đọc nước ngoài đón nhận cũng như yêu thích.
Con đường rộng mở
Văn học thiếu nhi Việt Nam có rất nhiều con đường để bước ra thế giới. Một trong những con đường đáng chú ý nhất là giới thiệu sách tại các hội sách quốc tế. Nhiều năm qua, các nhà xuất bản Việt Nam nói chung và các nhà xuất bản chuyên hoặc không chuyên sách cho thiếu nhi đã tích cực tham gia nhiều hội sách quốc tế uy tín. Tham gia hội sách không chỉ là cơ hội cho các đại diện đến từ Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm sách từ các đồng nghiệp quốc tế mà còn là dịp để giới thiệu sách thiếu nhi và trao đổi tác quyền.
Năm 2023, khi tham gia Hội sách Thiếu nhi châu Á 2023 tại Singapore, Nhà xuất bản Kim Đồng đã mang đến 30 đầu sách tiêu biểu cho thiếu nhi ở nhiều thể loại (sách văn học, sách kỹ năng, sách khoa học, sách văn hóa…). Tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt năm 2024, nhà xuất bản này đã giới thiệu gần 60 tựa sách thuộc nhiều thể loại mà hầu hết là sách thiếu nhi.
Nhiều đơn vị làm sách khác như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cũng đang mạnh dạn đầu tư những cuốn sách thiếu nhi song ngữ hoặc chuyển ngữ các tác phẩm sang tiếng Anh với tiêu chuẩn in ấn hiện đại để có thể tiếp cận với bạn bè quốc tế thuận tiện và nhanh hơn. Do vậy, nhiều sách thiếu nhi đã được các đối tác quan tâm và giao dịch tác quyền trong những dịp như thế.
Con đường thứ hai để sách, tác phẩm văn học thiếu nhi đến với bạn đọc nước ngoài là thông qua những chương trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước bạn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cụ thể, ngày 15/10/2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Văn học Pakistan; ngày 23/10/2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác với ba tổ chức văn học và văn hóa của Đài Loan. Các hoạt động này luôn bao gồm việc trao đổi, dịch thuật các tác phẩm của hai bên, kể cả tác phẩm văn học thiếu nhi.
Một cách chủ động hơn, các đơn vị làm sách trong nước đưa văn học thiếu nhi Việt ra thế giới bằng cách phát hành bản tiếng Anh của những tác phẩm nổi bật trong nước và được dự đoán có thể phù hợp với thị hiếu đọc của bạn đọc nước ngoài. Trong nhiều năm qua, Nhà xuất bản Trẻ đã dịch nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sang tiếng Anh, mang đến các hội sách quốc tế để giới thiệu và phát hành ở nước ngoài bằng cả hai hình thức thương mại trực tuyến và trực tiếp.
Các đơn vị làm sách chuyên cho thiếu nhi cũng đã có những bước đi tương tự, mạnh dạn làm nhiều sách song ngữ hoặc dịch sang tiếng Anh những đầu sách chất lượng của mình để phát hành bên ngoài Việt Nam. Sự chủ động, nhạy bén của các đơn vị này đã góp phần tích cực trong việc quảng bá và đưa văn học thiếu nhi Việt ra thế giới nhanh và nhiều hơn.
Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp các nhà xuất bản, bạn đọc quốc tế phát hiện ra những tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam có tiềm năng, triển vọng và chủ động tìm đến tác giả, nhà xuất bản để giao dịch tác quyền và thực hiện việc xuất bản, phát hành ở nước ngoài. Hoặc cũng có trường hợp tác giả Việt Nam viết tác phẩm bằng cả tiếng Anh, hoặc thậm chí chỉ viết bằng tiếng Anh để bạn đọc nước ngoài có thể tiếp cận được ngay… Có thể nói, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, con đường đưa văn học thiếu nhi nước nhà ra thế giới đang mở rộng hơn bao giờ hết.
Những rào cản cần vượt qua
Tuy hành trình vươn ra biển lớn của sách thiếu nhi Việt Nam nói chung, sách văn học thiếu nhi Việt Nam nói riêng đã có những bước đi rõ rệt cùng những kết quả ban đầu khả quan, song vẫn chưa trở thành một cuộc tiến công mạnh mẽ mà nguyên do là vẫn còn những rào cản chưa được vượt qua.
Trước tiên, việc chọn tác phẩm để dịch, và việc tiến hành dịch sang tiếng nước ngoài các tác phẩm đã chọn chỉ đang được thực hiện một cách manh mún, nhỏ lẻ bởi các cá nhân, các đơn vị xuất bản, một số tổ chức. Muốn giới thiệu văn học thiếu nhi Việt Nam nói riêng, văn học Việt Nam nói chung một cách hệ thống, bài bản, đầy đủ hơn cần phải có một chiến lược dài hơi, thực hiện đồng bộ những hoạt động như thành lập những trung tâm, quỹ cho hoạt động đào tạo, dịch thuật, quảng bá… Trong đó, cần nghiên cứu việc thành lập một hội đồng, nhóm chuyên gia văn học thiếu nhi để tuyển chọn những tác phẩm cần giới thiệu với thế giới. Sau đó là tổ chức dịch thuật theo chiến lược đã đề ra.
Tuy nhiên, đội ngũ dịch thuật văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay rất mỏng. Lý do là vì công việc dịch thuật không mang lại thu nhập cao, dịch văn học lại đòi hỏi dịch giả phải hội tụ nhiều yếu tố (khả năng ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, khả năng cảm thụ văn học, nắm vững đặc điểm văn học thiếu nhi…). Nếu không có một đội ngũ dịch giả tốt, và không tạo điều kiện để các tác phẩm được dịch, thì việc vươn ra thế giới của văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn chưa thể đi nhanh ra đường lớn được.
Nhìn chung, hành trình vươn ra biển lớn của văn học thiếu nhi Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Dù còn nhiều rào cản cần vượt qua, những ngõ hẹp cần đi khéo, nhưng với những gì đã làm được trong thời gian vừa qua, cùng với những nỗ lực của các cá nhân, đơn vị làm sách, các tổ chức, cơ quan hữu trách…, hành trình này vẫn hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành tựu hơn. Bởi lẽ, nếu xem yêu cầu quan trọng cho sự thành công của việc vươn ra thế giới là chất lượng tác phẩm, thì văn học thiếu nhi của chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng tốt yêu cầu quan trọng đó.